An toàn

Vì sao chim có thể gây ra thảm họa bầu trời?

Hải Minh 30/12/2024 08:06

Va chạm với chim là một trong những sự cố thường gặp của ngành hàng không. Có khoảng 61% vụ va chạm với chim diễn ra khi máy bay hạ cánh và 36% xảy ra lúc cất cánh.

169shutterstock_1786000784_jpg.jpg

Ngày 29/12, một chiếc máy bay Boeing 737-8AS của hãng hàng không Jeju Air (Hàn Quốc) gặp tai nạn nghiêm trọng tại sân bay quốc tế Muan của nước này, khiến 176 người thiệt mạng, 3 người mất tích và chỉ có 2 người sống sót, theo cập nhật của Yonhap lúc 18h36 (giờ địa phương).

Máy bay bốc cháy sau khi trượt khỏi đường băng trong lúc hạ cánh khẩn cấp do lỗi bánh đáp phía trước. Điều tra ban đầu cho thấy nguyên nhân chính có thể là do chim đâm vào máy bay (bird strike) kết hợp với thời tiết xấu, gây hư hại cho thiết bị hạ cánh.

Mối nguy không còn xa lạ

Theo Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), "bird strike" được định nghĩa là va chạm giữa máy bay và chim trong quá trình bay. Trong một số trường hợp, khái niệm này được mở rộng để bao gồm va chạm với các loài động vật hoang dã khác.

Đây không phải là hiện tượng hiếm gặp. Sự cố máy bay va chạm với chim đầu tiên xảy ra vào năm 1905, trên một cánh đồng ngô ở bang Ohio (Mỹ).

Ngày nay, các sự cố kiểu này xảy ra mỗi ngày và thay đổi theo mùa di cư của chim.

Sự cố máy bay va phải chim được nhắc đến nhiều nhất xảy ra vào năm 2009, khi chuyến bay của hãng hàng không US Airways (Mỹ) va phải một đàn ngỗng Canada di cư. Sự cố xảy ra ngay sau khi máy bay cất cánh từ sân bay LaGuardia (New York, Mỹ). Cả hai động cơ của máy bay đều bị hỏng, và cơ trưởng Sully Sullenberger buộc phải điều khiển máy bay hạ cánh xuống sông Hudson. Tất cả người đi trên máy bay đều an toàn.

Sự cố chim va chạm máy bay không còn quá xa lạ với ngành hàng không. Ảnh: Wikimedia Commons.
Sự cố máy bay va chạm với chim không còn quá xa lạ với ngành hàng không. Ảnh: Simple Flying.

Năm 2008-2017, Cục An toàn Giao thông Vận tải Australia (ATSB) ghi nhận 16.626 sự cố máy bay va phải chim. Tại Mỹ, Cục Hàng không Liên bang (FAA) ghi nhận hơn 10.000 vụ máy bay va chạm với chim mỗi năm. Vào năm 2021, các cuộc tấn công của chim khiến các hãng hàng không ở Mỹ thiệt hại 328 triệu USD và 140.000 giờ ngừng hoạt động.

Trong năm 2022, Cơ quan Hàng không Dân dụng Anh cũng báo cáo gần 1.500 vụ chim đâm vào máy bay, theo Al Jazeera.

Nghiên cứu của các nhà khoa học Đức vào năm 2020 cho thấy tỷ lệ chim đâm vào máy bay khác nhau theo từng quốc gia. Australia đứng đầu danh sách (gần 8 vụ trên 10.000 chuyến bay), còn Mỹ có tỷ lệ thấp nhất (2,83 vụ trên 10.000 chuyến).

Trên thực tế, có nhiều lý do khiến chim thường xuất hiện ở khu vực gần sân bay, biến chúng thành "kẻ thù" của ngành hàng không. Những loài chim thường gặp va chạm với máy bay bao gồm chim nước, hải âu và các loài chim săn mồi. Chúng bị hấp dẫn bởi các môi trường tự nhiên xung quanh sân bay, chẳng hạn như đồng cỏ rộng lớn, vùng đất ngập nước, hồ nước hoặc các khu vực có thức ăn và nơi trú ẩn, làm tổ lý tưởng.

Ngay cả các sân bay nội địa cũng không tránh khỏi nguy cơ này. Những vũng nước nhỏ đọng trên bề mặt đường băng cũng đủ để thu hút chim đến.

Ngoài ra, nhiều loài có đặc tính di cư theo mùa, nên đường bay của chim và lộ trình của máy bay dễ giao nhau. Đặc biệt trong mùa xuân và mùa thu. Chim thường bay thành đàn. Điều này càng làm tăng nguy cơ xảy ra các vụ va chạm nhiều chim cùng lúc, gây thiệt hại nghiêm trọng hơn.

Tác động của sự cố máy bay va phải chim

Theo ICAO, khoảng 90% các vụ va chạm xảy ra trong phạm vi gần sân bay, tức là nơi máy bay cất cánh hoặc hạ cánh ở độ cao thấp, trùng với khu vực hoạt động của chim.

Dữ liệu của FAA cho biết khoảng 61% vụ va chạm diễn ra trong quá trình hạ cánh (bao gồm cả quá trình giảm độ cao, tiếp cận đường băng và chạy trên đường băng). 36% khác xảy ra khi máy bay cất cánh hoặc leo cao, chỉ 3% còn lại xảy ra trong giai đoạn bay hành trình.

Trong giai đoạn cất cánh, động cơ máy bay hoạt động ở mức công suất tối đa, tạo ra tiếng ồn lớn, dễ khiến chim hoảng sợ và lao vào dòng khí hút của động cơ. Hơn nữa, tốc độ cao khi cất cánh làm tăng mức độ nghiêm trọng của va chạm.

Ngược lại, trong giai đoạn hạ cánh, máy bay thường giảm tốc độ và động cơ hoạt động ở mức thấp hơn. Điều này giảm tiếng ồn, chim khó nhận ra sự hiện diện của máy bay. Đặc biệt là khi chúng bị cản trở bởi tiếng gió tự nhiên xung quanh. Chim thường không kịp phản ứng, nên va chạm với các bộ phận quan trọng của máy bay như mũi, cánh hoặc bánh đáp.

Tác động của sự cố phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm loại máy bay. Hậu quả có thể bao gồm việc động cơ bị tắt, như đã xảy ra với chuyến bay của Virgin Australia hồi tháng 6. Động cơ máy bay trên bốc cháy khi vừa cất cánh từ sân bay Queenstown (New Zealand). Máy bay sau đó đã phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Invercargill, New Zealand. Toàn bộ 73 người trên máy bay đều an toàn.

Tuy nhiên, đối với các máy bay nhỏ, đặc biệt là máy bay động cơ đơn, sự cố va phải chim có thể gây hậu quả nghiêm trọng hơn. Từ năm 1988, đã có 262 vụ tử vong do máy bay va phải chim trên toàn cầu và 250 máy bay bị phá hủy.

Các nhà sản xuất và phi công làm gì để tránh máy bay va phải chim?

Hầu hết các sự cố va phải chim xảy ra vào sáng sớm hoặc hoàng hôn khi chim hoạt động nhiều nhất. Các phi công được huấn luyện để cảnh giác trong những thời điểm này.

Radar có thể được sử dụng để theo dõi các đàn chim. Tuy nhiên, công nghệ này chỉ có thể được sử dụng ở một số nơi, vì nó hoạt động dựa trên mặt đất và chưa có mặt ở mọi nơi trên thế giới.

Hai nhà sản xuất máy bay lớn nhất, Boeing và Airbus, đều sử dụng động cơ quạt phản lực (turbofan). Những động cơ này hoạt động bằng cách dùng cánh quạt để nén không khí trước khi pha trộn với nhiên liệu và đốt cháy để tạo ra lực đẩy cần thiết cho máy bay cất cánh.

gettyimages-497721394.jpg
Một đàn chim bay gần một chiếc máy bay chuẩn bị hạ cánh tại sân bay quốc gia Reagan (Washington, Mỹ) năm 2015. Ảnh: AFP.

Khi chim va vào một trong những động cơ này, nó có thể gây hư hỏng nặng cho các cánh quạt và làm động cơ bị hỏng. Để kiểm tra độ an toàn của động cơ, các nhà sản xuất thực hiện thử nghiệm bằng cách bắn một con gà đông lạnh vào động cơ đang chạy ở công suất tối đa.

Cơ quan An toàn Hàng không Dân dụng Chính phủ Australia trong hướng dẫn quản lý mối nguy hiểm động vật hoang dã đã chỉ ra những gì sân bay cần làm để giữ chim và động vật tránh xa khu vực sân bay. Một trong những phương pháp là sử dụng các vụ nổ khí nhỏ để tạo ra âm thanh giống như tiếng súng săn, nhằm xua đuổi chim khỏi khu vực gần đường băng. Ở những khu vực có mật độ chim cao, sân bay cũng có thể trồng các loại cỏ và cây không thu hút chim.

Những vụ tai nạn hàng không thảm khốc do va chạm với chim

Với những chiếc máy bay lớn sử dụng động cơ phản lực cánh quạt, một vụ va chạm với chim có thể làm hỏng cánh quạt, khiến động cơ ngừng hoạt động và buộc phi công phải hạ cánh khẩn cấp.

Theo phân tích của công ty bảo hiểm Allianz Global Corporate and Specialty, năm 2013-2018, các vụ va chạm với chim đã gây thiệt hại lên tới 340 triệu USD. Các hãng bảo hiểm đã xử lý hơn 900 yêu cầu bồi thường liên quan đến sự cố này. Chi phí trung bình là 368.000 USD mỗi vụ, thậm chí có trường hợp lên tới 16 triệu USD.

Trước thảm họa ở Hàn Quốc ngày 29/12, theo Langley Advance Times, đây là 5 vụ máy bay va phải chim chết chóc nhất lịch sử nhân loại.

n5533-8.jpeg
Máy bay của hãng hàng không Eastern Airlines gặp nạn ngày 4/10/1960. Ảnh: CNN.

1. Năm 1960: Tại TP Boston (bang Massachusetts, Mỹ), một chiếc Lockheed L-188 Electra đã bay qua một đàn chim starling (họ chim sáo) gồm 120 con ngay sau khi máy bay cất cánh, khiến tất cả bốn động cơ đều ngừng hoạt động trước khi máy bay rơi xuống cảng Boston. Thời gian từ lúc cất cánh đến khi máy bay va chạm với mặt nước chưa đầy một phút. 62/72 hành khách thiệt mạng.

2. Năm 1988: Tại TP Bahir Dar (Ethiopia), một đàn bồ câu vằn đã bị hút vào động cơ của một chiếc máy bay Boeing 737 khi máy bay cất cánh từ đường băng. Một trong các động cơ mất lực tức thời. Động cơ còn lại cũng hỏng ngay sau đó khi máy bay thực hiện một cuộc hạ cánh khẩn cấp. Máy bay hạ cánh xuống và bắt lửa, khiến 35/98 hành khách thiệt mạng.

3. Năm 1995: Tại bang Alaska (Mỹ), một chiếc Boeing E-3 Sentry của Không quân Mỹ khi cất cánh đã hút vào động cơ cả hai con ngỗng Canada. Các động cơ bắt đầu xả nhiên liệu và mất công suất, khiến máy bay giảm độ cao. Máy bay rơi vào khu rừng và phát nổ, khiến toàn bộ 24 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.

4. Cũng trong năm 1995: Tại thủ đô Paris (Pháp), trong lúc cất cánh, một máy bay Dassault Falcon 20 đã hút vào động cơ nhiều con chim te te, làm đứt các đường nhiên liệu và khiến một động cơ ngừng hoạt động. Một đám cháy bùng lên ở phía sau khoang hành khách và phi công mất kiểm soát khi cố gắng hạ cánh khẩn cấp. Tất cả 10 hành khách trên máy bay đều thiệt mạng.

5. Vào năm 2009: Tại bang Louisiana (Mỹ), một con chim cắt đỏ đã đâm xuyên qua kính chắn gió của chiếc trực thăng Sikorsky S-76. Cú va chạm làm kính chắn gió vỡ, kích hoạt hệ thống dập lửa động cơ, khiến chế độ ga của trực thăng bị chậm lại và động cơ mất công suất. Vụ tai nạn khiến 8/9 người trên trực thăng thiệt mạng.

Theo CNN, Simple Flying
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Vì sao chim có thể gây ra thảm họa bầu trời?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO