Loại hình máy bay kết hợp có người lái và không người lái được cho là thế hệ chiến đấu cơ tiếp theo của Không quân Trung Quốc.
Tại một sân bay ở rìa phía nam sa mạc Mu Us ở Ninh Hạ, tây bắc Trung Quốc, các kỹ sư và nhà khoa học nước này đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm trên chiếc máy bay phản lực mà thế giới chưa từng thấy, SCMP đưa tin.
Theo một số bản vẽ thiết kế được tiết lộ gần đây, mẫu máy bay chiến đấu bí ẩn này được trang bị động cơ phản lực hai cửa hút gió, có thiết kế cánh bay hình tam giác, đặc điểm nổi bật của chiến đấu cơ tàng hình tốc độ cao.
Chuyến bay đã diễn ra suôn sẻ. Một đoạn của mỗi cánh tách ra khỏi máy bay chiến đấu, "biến hình" thành hai máy bay không người lái chạy bằng động cơ điện.
Máy bay chiến đấu bị rung lắc, do giảm diện tích cánh đột ngột và sự dịch chuyển trọng tâm làm thay đổi hình dạng khí động học của nó. Tuy nhiên, máy bay và máy bay không người lái nhanh chóng khôi phục ổn định tiếp tục hành trình.
Theo Du Xin, kỹ sư cao cấp của Viện Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc, chuyến bay thử nghiệm thành công chứng minh một “khái niệm mới” cho thế hệ máy bay chiến đấu tiếp theo của Không quân Trung Quốc.
“Nó đại diện cho phương thức chiến đấu hợp tác có người lái - không người lái tiên tiến. Nhiều máy bay với các chức năng khác nhau được tích hợp để thực hiện cùng một phi vụ”, Du và các đồng nghiệp của ông viết trong một bài báo trên tạp chí học thuật Những tiến bộ trong khoa học và kỹ thuật hàng không của Trung Quốc.
Yang Wei, nhà thiết kế chính của máy bay J-20, chiến đấu cơ thế hệ 5 tiên tiến nhất của Trung Quốc, đã nhiều lần nói rằng nước này đang phát triển một thế hệ máy bay chiến đấu tàng hình mới sẽ tập trung chiến đấu bên cạnh máy bay không người lái.
“Mẫu máy bay mới giải quyết một vấn đề không tương thích về tốc độ và phạm vi hoạt động giữa máy bay có người lái và không người lái”, Jang phân tích. Hầu hết các máy bay không người lái không thể sánh kịp tốc độ và tầm bay của máy bay chiến đấu phản lực có người lái.
Nhà thiết kế J-20 cho biết đặc điểm nổi bật của máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo của Trung Quốc là khả năng thay đổi hình dạng một cách bất ngờ “như trong phim khoa học viễn tưởng”.
Máy bay chính kết nối với mép trước của hai cánh máy bay phụ. Cách bố trí này cho phép máy bay trở nên ổn định hơn trong suốt chuyến bay. Nhưng trọng tâm của máy bay chính sẽ có chênh lệch lớn trước và sau khi tách rời. Đây là thách thức lớn đối với nhóm nghiên cứu.
Nhóm nghiên cứu đã tiết lộ một thuật toán mới có thể phân tích chính xác nhiều nhiễu loạn khác nhau trong quá trình phân tách. Cả máy bay phản lực và máy bay không người lái đều sử dụng máy tính điều khiển chuyến bay FCC-100 do Đại học Bách khoa Tây Bắc phát triển. Máy tính này có thể thực hiện các phép tính phức tạp trong thời gian ngắn và cung cấp các hướng dẫn điều khiển có độ tin cậy cao.
Các nhà khoa học Trung Quốc cũng đang thử nghiệm các công nghệ mới khác có thể được sử dụng trên thế hệ máy bay chiến đấu tiếp theo, chẳng hạn như thay thế bánh lái vật lý bằng luồng không khí và thiết bị tàng hình plasma.
Dự kiến máy bay chiến đấu thế hệ 6 của Trung Quốc sẽ sẵn sàng “bảo vệ vùng trời và vùng biển” vào năm 2035.
Trong khi đó, chương trình Thống lĩnh trên không thế hệ tiếp theo (NGAD) phát triển máy bay kế nhiệm F-22 và F-35 của Mỹ đang không tiến triển suôn sẻ như kế hoạch.
Thư ký Không quân Mỹ Frank Kendall nói rằng những hạn chế về ngân sách đã buộc họ phải “xem xét lại” kế hoạch chi tiêu cho NGAD.
Thế hệ máy bay chiến đấu tiếp theo của Mỹ sẽ do Boeing hoặc Lockheed Martin sản xuất. Tuy nhiên, Boeing đang gặp hàng loạt khủng hoảng, trong khi Lockheed Martin gần một năm không thể giao tiêm kích F-35 cho Không quân Mỹ do gặp khó khăn về chuỗi cung ứng và kỹ thuật.
Một số chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng nước này có thể tạm dừng phát triển máy bay chiến đấu thế hệ mới trong những năm tới thay vào đó tập trung nâng cấp phi đội F-22 và F-35 hiện có.