Trung Quốc thông báo sẽ phóng sứ mệnh du hành vũ trụ có người lái Thần Châu-19 vào lúc 4h27 ngày 30/10.
Lin Xiqiang, người phát ngôn của Cơ quan vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA), ngày 29/10 đã chia sẻ tin tức về sứ mệnh không gian mới của Trung Quốc.
Chỉ huy sứ mệnh là Cai Xozhe, một phi hành gia kỳ cựu đã từng bay trên sứ mệnh Thần Châu-14 vào năm 2022. Cùng đi với ông là hai phi hành gia thực hiện chuyến hành trình đầu tiên vào vũ trụ gồm nam phi hành gia Song Lingdong và nữ phi hành gia Wang Haoze, Global Times đưa tin.
Sinh năm 1976, Cai được chọn vào nhóm phi hành gia thứ hai của Trung Quốc vào năm 2010. Sinh năm 1990, Song gia nhập nhóm phi hành gia thứ ba vào tháng 9/2020. Nhiệm vụ Thần Châu-19 là lần đầu tiên Song ra ngoài không gian.
Wang, cũng sinh năm 1990, là cựu kỹ sư cao cấp tại Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC) và trở thành một thành viên trong nhóm phi hành gia thứ ba của nước này vào năm 2020. Ngoài ra Wang cũng là nữ kỹ sư du hành vũ trụ đầu tiên của nước này.
Theo Global Times, Wang sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ năm 2015 đã đảm nhận nhiệm vụ thiết kế chung về động cơ tại CASC.
Cơ quan này đã cung cấp 58 động cơ đẩy chính và động cơ kiểm soát quỹ đạo, cùng với các thiết bị quan trọng như hệ thống kiểm soát nhiệt độ, máy bơm và van hệ thống hỗ trợ sự sống.
Trong buổi họp báo ngày 29/10, Lin cũng tiết lộ rằng nhóm phi hành gia Trung Quốc thứ tư sẽ không chỉ thực hiện các nhiệm vụ trên Trạm vũ trụ Trung Quốc mà còn thực hiện các nhiệm vụ có người lái trên Mặt Trăng trong tương lai.
Việc tuyển chọn nhóm phi hành gia Trung Quốc thứ tư đã kết thúc vào tháng 5 và tổng cộng 10 ứng viên phi hành gia đã lọt vào danh sách cuối cùng, trong đó có 8 người là phi công vũ trụ và 2 người là chuyên gia về tải trọng. Theo Lin, quá trình đào tạo của họ bắt đầu vào tháng 8.
Các phi hành gia được đào tạo thành thạo các kỹ năng chuyên biệt bao gồm các hoạt động ngoài phương tiện, bảo trì thiết bị và các thí nghiệm khoa học vũ trụ.
Ngoài ra, để chuẩn bị cho các sứ mệnh lên Mặt Trăng có người lái trong tương lai, khóa đào tạo sẽ phát triển thêm khả năng của các phi hành gia trong việc vận hành tàu vũ trụ, lái xe tự hành, định hướng thiên thể, công tác thực địa địa chất, cũng như thích nghi từ trạng thái không trọng lượng trong không gian sang đi bộ với tải trọng trên bề mặt Mặt Trăng.
Hai chuyên gia về tải trọng được chọn trong nhóm phi hành gia đợt thứ tư đến từ các đặc khu hành chính Hong Kong và Ma Cao của Trung Quốc.
Lin cũng cho biết Trung Quốc đang đạt được bước tiến lớn trong việc phát triển xe tự hành trên Mặt Trăng.
Chương trình không gian có người lái của Trung Quốc được cho đã triển khai đầy đủ hệ thống đảm bảo an toàn.
Để giải quyết các mối đe dọa tiềm ẩn như va chạm mảnh vỡ vũ trụ có thể gây rò rỉ trong trạm vũ trụ, chương trình đã liên tục tối ưu hóa các kế hoạch ứng phó khẩn cấp của mình. So với giai đoạn hoạt động ban đầu của trạm vũ trụ Thiên Cung, thời gian dành cho các phi hành gia xử lý các trường hợp khẩn cấp đã tăng gấp năm lần.
Trong những tình huống cực đoan, các phi hành gia có thể trở về sớm trên tàu vũ trụ đang trên quỹ đạo hoặc dựa vào tàu vũ trụ khẩn cấp dự phòng để cứu hộ, ông cho biết.
"Hiện tại, một tên lửa Long March-2F Y20 và tàu vũ trụ Shenzhou-20 đang túc trực tại tòa nhà lắp ráp Jiuquan, sẵn sàng chuyển nhanh sang chế độ phóng nếu cần để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ khẩn cấp cho trạm vũ trụ, đảm bảo an toàn cho các phi hành gia", Lin tuyên bố.