tạp chí bầu trời

Tiền Giang: Tập thể CN Cty Nông Thủy Sản Thuận Phong đề nghị khẩn cấp thực hiện Nghị quyết 128

Ngày 18-10, tập thể công nhân, người lao động ở Công ty TNHH Sản xuất Chế biến Nông Thủy Sản Xuất khẩu Thuận Phong gửi đề nghị khẩn cấp tới chính quyền tỉnh Tiền Giang và lãnh đạo Công ty yêu cầu thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính Phủ. Đồng thời, 11 doanh nghiệp với hơn 60.000 lao động của Đài Loan, Hàn Quốc và Việt Nam đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tại Tiền Giang cũng có đơn kiến nghị nội dung tương tự để phục hồi sản xuất.

Đề nghị khẩn cấp của công nhân

Nội dung chính trong đề nghị khẩn cấp của tập thể công nhân, người lao động ở Công ty TNHH Sản xuất Chế biến Nông Thủy Sản Xuất khẩu Thuận Phong (Công ty TNHH SX-CB-NTS-XK Thuận Phong): “Ngưng, không thực hiện Phương án tổ chức thực hiện 3 tại chỗ tại Công ty TNHH SX-CB-NTS-XK Thuận Phong trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp lập ngày 4/10/2021 do các căn cứ pháp lý không còn hiệu lực áp dụng, các tiêu chí, điều kiện trong phương án không phù hợp quy định Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế. Đề nghị Công ty TNHH SX-CB-NTS-XK Thuận Phong lập kế hoạch và chịu trách nhiệm triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVD-19 theo quy định của Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế để đưa cơ sở sản xuất vào hoạt động vào đầu tháng 11/2021. Công nhân, người lao động chỉ đồng ý tham gia sản xuất và cam kết thực hiện đúng theo kế hoạch triển khai biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 do Công ty TNHH SX-CB-NTS-XK Thuận Phong lập theo quy định của Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế”.

Đề nghị khẩn cấp của tập thể công nhân, lao động Thuận Phong

Đề nghị được Trưởng ban Đại diện tập thể công nhân, người lao động Võ Quốc Thông ký tên; có xác nhận của Công ty TNHH SX-CB-NTS-XK Thuận Phong Ngô Thị Thanh Thủy. Hiện thời, Thuận Phong có gần  2.000 lao động.

Lý do đề nghị ngừng tổ chức thực hiện “3 tại chỗ” bởi không còn thích hợp và có quá nhiều bất hợp lý. Cơ sở sản xuất không phải nơi để công nhân nghỉ ngơi, ăn ở sau giờ làm việc, không đáp ứng các nhu cầu sinh hoạt cá nhân cần thiết nên đã tạo áp lực về tinh thần, ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Nhất là những người đã có gia đình riêng, cha mẹ già; đặc biệt phụ nữ còn nuôi con nhỏ không thể yên tâm thực hiện “3 tại chỗ”. Phương thức này còn hạn chế số người lao động, làm đảo lộn dây chuyền sản xuất.

Trước đây phải thực hiện “3 tại chỗ” vì dịch bệnh bùng phát nhưng hiện nay, theo Sở Y tế Tiền Giang, toàn tỉnh đã có độ dịch cấp 2, địa bàn cơ sở sản xuất của doanh nghiệp cũng là cấp 2, và 100% công nhân đã tiêm vắc xin mũi một, 20% tiêm mũi hai. Trong lúc, Nghị quyết 128 quy định: Cơ sở sản xuất được hoạt động từ cấp độ 1, cấp độ 2, cấp độ 3. Như thế, việc áp dụng “3 tại chỗ” theo tình hình trước đây không còn phù hợp, cần thay đổi. Công nhân và người lao động cũng đề nghị tỉnh Tiền Giang ngừng lại, không tiếp tục áp dụng các quyết định, chỉ thị, văn bản của tỉnh chỉ đạo điều hành phòng, chống dịch COVID-19 trước đây mà nay đã trái, vượt Nghị quyết 128.

Doanh nghiệp kiến nghị phục hồi sản xuất

Có 11 doanh nghiệp với hơn 60.000 lao động của Đài Loan, Hàn Quốc và Việt Nam, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp tại Tiền Giang gửi kiến nghị trực tiếp cho Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh. Kiến nghị cho rằng, tỉnh vẫn chủ trương lấy phương án “3 tại chỗ” làm trọng tâm, khi tình hình đã thay đổi là không còn phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp có đông công nhân. Trong khi Tiền Giang được phân bổ lượng vắc xin nhiều thứ 9 trong cả nước nhưng chưa có kế hoạch và thời gian cụ thể, hợp lý đối với việc phục hồi sản xuất trong tình hình mới. “Nếu tình hình này kéo dài thực sự sẽ gây hậu quả nặng nề về đời sống kinh tế cho người dân cũng như sự sống còn của doanh nghiệp”, đơn kiến nghị viết.

Phương án “3 tại chỗ” theo các doanh nghiệp là đã trái với Nghị quyết 128 của Chính phủ

Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá Tiền Giang phòng, chống dịch có hiệu quả. Cho nên, “sau những gì Việt Nam trải qua, đã đến lúc tỉnh cần thay đổi suy nghĩ và hành động trong việc phòng, chống dịch nhắm đến cốt lõi là đời sống xã hội và sức khỏe con người, chứ không nên nhìn vào con số và tiếp tục phong tỏa nữa”.

Đại diện các doanh nghiệp cũng gửi kế hoạch phục hồi sản xuất tới lãnh đạo tỉnh Tiền Giang. Trong đó, đề xuất ưu tiên cho người lao động ở các “vùng xanh” hoặc không bị phong tỏa trở lại làm việc. Về xét nghiệm, doanh nghiệp tự xây dựng kế hoạch và chịu trách nhiệm xét nghiệm định kỳ. Công nhân tuân thủ 5K tại nơi làm việc, phải đeo khẩu trang mọi lúc trừ khi ăn.

Đặc biệt, doanh nghiệp bố trí khu vực cách ly tạm thời cho những người nghi nhiễm F0, F1 và người có liên quan tại doanh nghiệp trong khi chờ cơ quan chức năng xử lý. Các công ty sẽ có bộ phận y tế làm nhiệm vụ kiểm soát dịch COVID-19 tại chỗ. Khi phát hiện ca nhiễm, doanh nghiệp chỉ tạm ngừng hoạt động dây chuyền/khu vực nơi có ca liên quan trực tiếp (có F0, F1) chứ không phải toàn bộ nhà máy.

     Trần Huy - Duy Tương

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận