Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu sớm quy hoạch xây dựng thành phố sân bay Long Thành, khai thác hiệu quả và có kết nối giao thông thuận tiện với TP.HCM cũng như các khu vực lân cận.
Chiều 2/12, tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng tham dự Hội nghị lần thứ 5 của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ.
Với chủ đề “Tăng trưởng kinh tế "2 con số" vùng Đông Nam Bộ năm 2025: Thách thức, cơ hội và giải pháp”, hội nghị nêu ra nhiều giải pháp, mục tiêu và nhiệm vụ tăng trưởng cho vùng Đông Nam Bộ trong giai đoạn 2025 – 2030. Trong đó, việc phát triển hệ sinh thái sân bay Long Thành có liên quan đến toàn vùng Đông Nam Bộ.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, năm 2024 tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ ước đạt 6,38%, thấp hơn bình quân chung cả nước (6,8-7%) và đứng thứ 4 trong 6 vùng kinh tế. Dù vậy, vùng Đông Nam Bộ vẫn tiếp tục dẫn đầu cả nước về số dự án và tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tính đến 31/10, Đông Nam Bộ đã thu hút được 21.174 dự án và hơn 189 tỷ USD đầu tư.
Cũng theo Bộ Kế hoạch - Đầu tư, hạn chế hiện nay của Đông Nam Bộ là các dự án lớn triển khai còn chậm; ùn tắc giao thông, ngập úng… trong khi giải ngân đầu tư công chưa đạt tiến độ yêu cầu. Công nghiệp là một trong 3 trụ cột quan trọng của vùng nhưng phát triển thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp, phân bổ chưa hợp lý và còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, hạ tầng giao thông kết nối sân bay Long Thành và các cảng biển trong vùng còn chậm, chưa hình thành được hệ sinh thái logistics đa dạng tại vùng Đông Nam Bộ để đáp ứng nhu cầu lưu chuyển hàng hóa của cả vùng...
Các dự án lớn đang triển khai trong vùng hiện cũng gặp nhiều khó khăn, từ nguồn vật liệu cát và đất đắp, nguy cơ không đáp ứng nhu cầu tiến độ. Mặt bằng bàn giao cũng chậm, ảnh hưởng tiến độ chung của các dự án. Bên cạnh đó, năng suất lao động nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đông Nam Bộ là vùng trọng điểm, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của đất nước. Do đó phải xác định sự phát triển trong năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 của Đông Nam Bộ vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ rất nặng nề nhưng vô cùng quan trọng.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành rà soát lại những nội dung tại hội nghị lần 4 để rút ra bài học kinh nghiệm. Từ đó, sang năm 2025 phải có bước “tăng tốc, bứt phá” trong tăng trưởng.
Thủ tướng cho rằng, để thực hiện thành công Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII về thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ với mục tiêu tăng trưởng “2 con số”, thì năm 2025 phải tăng trưởng 8 - 9%. Đây cũng là thách thức rất lớn. Để làm được việc này phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tinh thần là “chỉ bàn làm chứ không bàn lùi”.
Đối với các dự án lớn đang triển khai của vùng, Thủ tướng nêu rõ, việc phát triển hệ sinh thái sân bay Long Thành có liên quan đến toàn bộ Đông Nam Bộ, do đó phải có đột phá ở đây. Thủ tướng yêu cầu sớm quy hoạch xây dựng thành phố sân bay, khai thác hiệu quả sân bay Long Thành và phải có kết nối giao thông với TP.HCM và các khu vực lân cận.
Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan, ban ngành cần đề xuất giải pháp giải quyết các vấn đề cụ thể, liên quan các dự án hạ tầng trọng điểm như: xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, xây dựng hệ sinh thái khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành; kết nối đường Vành đai 4 TP.HCM; cao tốc TP.HCM - Mộc Bài kết nối tới biên giới Campuchia; Cảng hàng không Côn Đảo…
Đồng Nai tập trung phát triển hệ thống giao thông kết nối với sân bay Long Thành
Tại hội nghị, ông Võ Tấn Đức, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian qua Đồng Nai đã triển khai đồng loạt nhiều dự án giao thông kết nối vùng như Vành đai 3, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Bến Lức - Long Thành... Đồng thời, chuẩn bị cho các dự án Vành đai 4, cao tốc Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Liên Khương, cầu thay phà Cát Lái, đường 770B, 769, đường liên cảng nối về sân bay Long Thành. Nhiều dự án lần lượt đi vào khai thác, phát huy hiệu quả, tạo điều kiện phát triển mạnh hạ tầng trong tỉnh và trong vùng.
Theo ông Đức, dù đã nỗ lực đề ra các giải pháp để phân bổ đầu tư hạ tầng giao thông phù hợp nhưng nguồn lực của địa phương vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, do cùng lúc làm nhiều dự án liên vùng nên việc cân đối ngân sách gặp khó khăn.
Hiện Đồng Nai tập trung toàn lực cho các tuyến nối giao thông nối về sân bay Long Thành cũng như phục vụ cho thành phố sân bay sau này. Tỉnh cũng chủ động dời một số dự án nội tỉnh để triển khai sau khi hoàn thành các dự án lớn này.