tạp chí bầu trời

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Nghiên cứu phương án rút ngắn thời gian thi công tuyến đường vành đai phía Tây TP. Cần Thơ

Ngày 17-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đến dự và phát lệnh khởi công xây dựng dự án Đường vành đai phía Tây TP. Cần Thơ. Đây là tuyến đường có ý nghĩa rất quan trọng, lần đầu tiên được phân cấp cho địa phương làm chủ đầu tư.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ khởi công

Dự án "Đường Vành đai phía Tây TP. Cần Thơ" do Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP. Cần Thơ làm chủ đầu tư, có tổng chiều dài 19,4km, xây dựng theo tiêu chuẩn đường đô thị, tốc độ thiết kế 50 - 60km/h. Tổng mức đầu tư hơn 3.837 tỷ đồng; thời gian thực hiện từ năm 2021 – 2026. Trong đó nguồn vốn ngân sách Trung ương: 2.000 tỷ đồng, còn lại là vốn ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác.

Quang cảnh buổi Lễ 

Đoạn tuyến thông thường của tuyến đường này được xây dựng mỗi đơn nguyên, mặt cắt là 16,5 – 19,5m (lộ giới 40m). Riêng đoạn 1,667km thuộc phạm vi khu quy hoạch phường An Bình - Mỹ Khánh (từ đường Nguyễn Văn Cừ đến Đường tỉnh 923), mặt cắt theo quy hoạch 80m. Dự án đi qua các quận Ô Môn, Bình Thủy, Ninh Kiều, Cái Răng và huyện Phong Điền. Trên tuyến có 24 cây cầu trung và nhỏ và 1 vị trí cầu lớn với 49 đơn nguyên cầu. Trong đó cầu Ba Láng có quy mô lớn nhất, giá trị trúng thầu hơn 608 tỷ đồng.

Ông Lê Tiến Dũng - Giám đốc Sở GTVT TP. Cần Thơ, trình bày về dự án

Ông Lê Tiến Dũng - Giám đốc Sở GTVT TP. Cần Thơ, cho biết: “Tổng số diện tích đất bị ảnh hưởng bởi dự án là 180,49 ha. Trong đó diện tích đất lúa là 99,87 ha; đất trồng cây lâu năm là 50,15 ha; đất ở đô thị là 2,34 ha; còn lại là các loại đất khác. Có khoảng 1.399 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án. Trong đó quận Ô Môn là 495 trường hợp, quận Bình Thủy 396 trường hợp, huyện Phong Điền 300 trường hợp, quận Cái Răng 38 trường hợp, quận Ninh Kiều là 170 trường hợp. Tổng kinh phí phục vụ cho công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư gần 830 tỷ đồng.

Đến nay, các địa phương đã tiến hành kiểm đếm nhà, vật kiến trúc, cây trồng được 1.378/1.399 trường hợp (đạt 98,5%). UBND các quận, huyện đã và đang phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 300 trường hợp và đang tiến hành chi trả. Tổng diện tích đất được bàn giao cho dự án khoảng 30%. Các địa phương sẽ bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án vào các Khu tái định cư tại địa phương".

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đồng chí lãnh đạo Thành uỷ, HĐND, UBND, UBMTTQVN TP. Cần Thơ thực hiện nghi thức Khởi công dự án

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Phát triển hạ tầng chiến lược là một trong 3 trụ cột trong thực hiện các mục tiêu phát triển. Đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao theo mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 đã đề ra. Trong nhiệm kỳ này Đảng, Chính phủ đề ra mục tiêu tổng mức huy động các nguồn lực lên đến 470.000 tỷ đồng, đầu tư kết cấu hạ tầng chiến lược.

Đối với vùng ĐBSCL, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 13 về phương hướng phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 59 về xây dựng và phát triển TP. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Cần Thơ; Chính phủ đã ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13, 59 của Bộ Chính trị.

Chương trình hành động của Chính phủ cũng đề ra nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kết cấu hạ tầng KT-XH, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông của ĐBSCL phải đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vận quốc tế. Trong đó TP. Cần Thơ có vai trò trung tâm, động lực phát triển vùng, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Đường Vành đai phía Tây TP. Cần Thơ được xây dựng sẽ hình thành trục vành đai ngoài rất quan trọng, kết nối các trục giao thông quan trọng của vùng ĐBSCL như Quốc lộ 91, Quốc lộ 61C và Quốc lộ 1A với hệ thống giao thông đô thị của TP. Cần Thơ, góp phần tạo nên hệ thống giao thông liên vùng, kết nối TP. Cần Thơ với các tỉnh lân cận; tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH và khắc phục ùn tắc giao thông cho TP. Cần Thơ.

Tuyến đường này sẽ mở ra không gian phát triển kinh tế mới cho địa phương, tạo điều kiện để xây dựng các khu công nghiệp, kết nối các khu dân cư. Với 24 cây cầu, sẽ góp phần phát triển du lịch với đặc trưng sông nước của Cần Thơ,… Với ý nghĩa quan trọng của dự án, tôi đề nghị TP. Cần Thơ nghiên cứu phương án rút ngắn thời gian triển khai thi công. Một tuyến đường chưa đến 20km mà thời gian thi công mất hơn 900 ngày (hơn 3 năm) là khá dài,… Đồng thời cần thu hẹp bớt các gói thầu: Có đến 8 gói thầu khiến phát sinh nhiều đầu mối, nhiều thủ tục, việc quản lý rất mệt. Tôi đề nghị nhà thầu phải thi công đúng tiến độ, không kéo dài, không đội vốn; đảm bảo chất lượng công trình; chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng trong thi công. Các bộ ngành liên quan phải bố trí vốn đầy đủ, kịp thời cho dự án”.

Thủ tướng cũng yêu cầu địa phương phải thực hiện tốt chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án: “Đối với những hộ dân nhường đất cho dự án thì phải được bồi thường thỏa đáng và có nơi ở mới phải từ bằng đến tốt hơn nơi ở cũ. Các đồng chí phải lưu tâm vấn đề này, phải chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần cho những người đã nhường mảnh đất mà gia đình sinh sống hàng trăm năm, cho dự án,… Mặt khác, cấp uỷ, chính quyền, các đồng chí phải kiểm tra sâu sát, chỉ đạo thật tốt để dự án trở thành một dự án mẫu mực của sự hợp tác giữa Trung ương và địa phương, đồng thời xây dựng một hình mẫu hiệu quả về hợp tác công tư để nhân rộng cho các dự án khác. "- Thủ tướng lưu ý.

 Trần Huy - Đan Phượng

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận