Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết giai đoạn 6 tháng cuối năm, Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Hàng không làm việc cùng Cục Du lịch Quốc gia, các hãng hàng không cùng đơn vị lữ hành, địa phương.
Tại Hội thảo chủ đề Hàng không - Du lịch 'bắt tay' nhau liên kết phát triển bền vững diễn ra chiều 12/6 ở Hà Nội do báo Nhân Dân tổ chức, các đại biểu tham dự đưa ra nhiều ý kiến tham luận về những bất lợi của ngành du lịch, vấn đề tăng giá vé máy bay của ngành hàng không.
Đại diện một số hãng hàng không thừa nhận việc thiếu hụt máy bay trên toàn cầu cùng sự biến động mạnh của tỷ giá, chi phí nhiên liệu đã tác động đến năng lực cung ứng của các hãng hàng không.
Giai đoạn 5 tháng đầu năm, du lịch Việt Nam đón gần 7,6 triệu khách quốc tế và khoảng 52,5 triệu khách nội địa, đóng góp tích cực vào kết quả phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu phấn đấu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế, gần về mức kỷ lục của năm 2019 khi chưa xảy ra đại dịch Covid-19 và phục vụ 110 triệu khách nội địa trong năm nay, ngành du lịch vẫn gặp nhiều thách thức trước khó khăn chung của du lịch toàn cầu.
Các cơ quan, đơn vị phải cùng đưa ra các sản phẩm du lịch, các hãng hàng không phải cùng 'nhảy dây', phối hợp với nhau.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn
Đưa ra phương hướng cho giai đoạn 6 tháng cuối năm, ông Lê Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, cho biết Bộ đã yêu cầu Cục Hàng không làm việc cùng Cục Du lịch Quốc gia, các hãng hàng không cùng đơn vị lữ hành, địa phương phối hợp chặt chẽ với nhau.
"Các cơ quan, đơn vị phải cùng đưa ra các sản phẩm du lịch, các hãng hàng không phải cùng 'nhảy dây', phối hợp với nhau. Phải tìm cách có giá vé hợp lý hơn, thấp hơn", Thứ trưởng Lê Anh Tuấn nói.
Lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng khi có nhiều sản phẩm du lịch thì chi phí cho du lịch cũng phù hợp hơn. Du lịch và hàng không khi hoạt động tốt sẽ góp phần giúp kinh tế phát triển và ngược lại, du lịch, hàng không cùng phát triển.
Về cách tiếp cận, ông Hà Văn Siêu, Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, nhấn mạnh sự phụ thuộc của ngành du lịch với các ngành khác là rất lớn.
"Du lịch là ngành tổng hợp liên ngành, hình thành chuỗi giá trị, trong đó 'mắt xích' giao thông là yếu tố thiết yếu bắt buộc. Sản phẩm của ngành du lịch phụ thuộc vào các bên liên quan", ông Siêu nói.
Ông cũng nhận định muốn có ngành du lịch bài bản, phải có sự liên kết chặt chẽ giữa du lịch, hàng không, giao thông trong việc xúc tiến quảng bá.
Tại hội thảo, các đại biểu chỉ ra rằng để góp phần phục hồi của du lịch Việt Nam những năm qua không thể thiếu vai trò của các hãng hàng không. Thống kê cho thấy 80% khách du lịch đến Việt Nam bằng đường hàng không.
Đề cập đến giá vé máy bay, ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Bamboo Airways, nêu: "Nguyên nhân một số hãng hàng không không cố gắng đưa thêm máy bay về đội bay là do không có động lực kinh tế. Nếu đưa máy bay về và bay nội địa có lãi thì các hãng bay sẽ đưa về ầm ầm. Tuy nhiên với cơ chế giá trần duy trì từ thời bao cấp, cộng với mặt bằng chi phí hiện nay, việc bay nội địa có lãi trở nên bất khả thi".
Để hóa giải "nghịch lý" giá vé máy bay, ông Nam đề xuất phải tạo động lực kinh tế cho các hãng hàng không, đưa thêm máy bay về Việt Nam và mở nhiều thêm đường bay. "Khi có nhiều máy bay, giá vé máy bay sẽ hạ nhiệt", vị này khẳng định.
Ông Hà Văn Siêu khẳng định giá vé máy bay là yếu tố hình thành nên giá tour du lịch. Trong chuỗi giá trị này luôn có sự tham gia, bảo hộ của nhà nước và doanh nghiệp. Do vậy, giá vé phải giảm thì giá tour mới giảm theo.
"Giá tour du lịch được hình thành từ các bên liên quan. Mỗi bên giảm một chút thì giá tour còn có cơ hội giảm được trong phạm vi cho phép của kinh tế thị trường", Phó cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia nhấn mạnh.
Việc thiếu hụt máy bay, cộng với biến động mạnh của tỷ giá, chi phí nhiên liệu tăng đang khiến các hãng hàng không bị giảm năng lực cung ứng và điều chỉnh tăng giá vé máy bay.
Trước khó khăn trên, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng ban Kế hoạch phát triển của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) cho biết hãng đã triển khai tăng giờ sử dụng trung bình của tàu bay trong 5 tháng đầu năm.
"Năm nay, thời gian sử dụng trung bình trên một tàu bay của Vietnam Airlines tăng 30% so với năm 2023", ông Trung chia sẻ.
Để thắt chặt cái "bắt tay" của ngành hàng không và du lịch, ông cho rằng cần có sự tham gia của các bộ, ngành, các cơ quan ngành hàng không, du lịch và địa phương. Bên cạnh đó là việc có chương trình và kế hoạch rõ ràng, cũng như có đơn vị theo dõi đốc thúc thực hiện. Việc mở thêm mạng đường bay quốc tế, tăng tần suất các chặng bay nội địa cũng giúp tạo thuận lợi và kích cầu du lịch Việt Nam.