UBND TP Hà Nội thống nhất với UBND tỉnh Bắc Ninh về việc báo cáo Thủ tướng lựa chọn phương án đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình (Bắc Ninh) với Thủ đô Hà Nội.
Văn phòng UBND TP Hà Nội đã ban hành thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn về phương án xây dựng tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) với Thủ đô Hà Nội, đoạn trên địa bàn TP Hà Nội.
Theo đó, UBND TP Hà Nội thống nhất với UBND tỉnh Bắc Ninh về việc báo cáo Thủ tướng lựa chọn phương án 1 để đầu tư tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình - Bắc Ninh với Thủ đô Hà Nội.
Cụ thể, phương án 1 sẽ xây dựng mới đoạn từ điểm kết nối với tỉnh Bắc Ninh đi về phía Bắc tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng đấu nối với nút giao giữa đường cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn và Vành đai 3.
Tuyến đi trùng Vành đai 3 và kết nối với đường dẫn cầu Tứ Liên về trung tâm Thủ đô Hà Nội, với chiều dài đoạn tuyến trên địa phận thành phố Hà Nội khoảng 28,58 km.
UBND TP Hà Nội giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) và các đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, báo cáo về phương án xây dựng tuyến đường, để báo cáo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.
Về nội dung chi tiết của phương án 1, tuyến đường đi bằng, với quy mô mặt cắt ngang rộng 120 m (10 làn đường cao tốc).
Tuyến đường sắt đô thị dọc tuyến đường đi trên cao, là tuyến nhánh kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 9.
Đoạn đi trùng với đường Vành đai 3 kết nối với đường dẫn cầu Tứ Liên sẽ có quy mô mặt cắt ngang rộng 120 m (10 làn đường cao tốc), bao gồm cả hành lang tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (khoảng 34 m).
Đoạn đi trùng với đường dẫn cầu Tứ Liên về trung tâm Thủ đô Hà Nội có quy mô mặt cắt ngang rộng 60 m.
UBND TP giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội rà soát các khu vực phát triển đô thị dọc hai bên tuyến đường trong phạm vi 300-400 m; các dự án đầu tư đã và đang triển khai; các khu vực phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) để báo cáo UBND TP Hà Nội xem xét, chỉ đạo.
Về cơ chế đầu tư, lãnh đạo UBND TP Hà Nội kiến nghị xem xét lựa chọn hình thức PPP (đối tác công - tư), loại hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), trừ đoạn nối Vành đai 3 và đường dẫn cầu Tứ Liên dài khoảng 10,5 km hiện đang được triển khai theo hình thức đầu tư công.
Trước đó, UBND tỉnh Bắc Ninh đã chủ động rà soát và quy hoạch, thống nhất với Thủ đô Hà Nội về hướng tuyến và quy mô chiều rộng tuyến đường khoảng 120 m với chiều dài tuyến đường khoảng 46 km.
Tổng mức đầu tư cho dự án xây dựng tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình với Hà Nội khoảng 26.700 tỷ đồng (xây lắp 21.500 tỷ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 5.200 tỷ đồng).
Ngày 27/2, Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại cuộc họp về việc đầu tư xây dựng đường kết nối sân bay Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh với Thủ đô Hà Nội và xây dựng trung tâm logistics tại khu vực sân bay Gia Bình.
Thông báo nêu rõ, để giảm tải cho sân bay Nội Bài, đáp ứng yêu cầu phát triển, đảm bảo hoạt động các chuyến bay chuyên cơ phục vụ lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đối ngoại quốc tế, việc đầu tư xây dựng thêm một sân bay lưỡng dụng kết hợp vừa phục vụ an ninh quốc phòng với phát triển kinh tế xã hội là cần thiết.
Dự án xây dựng sân bay Gia Bình giai đoạn 1 đã được khởi công. Tuy nhiên, để không lãng phí, tiết kiệm thời gian, công sức, nguồn lực, cần quy hoạch mở rộng ngay thành cảng hàng không quốc tế cấp 4E. Nghiên cứu đầu tư xây dựng đường kết nối sân bay Gia Bình với Hà Nội; xây dựng khu logistics hiện đại, thông minh, kết hợp thương mại điện tử.
Đối với tuyến đường kết nối sân bay Gia Bình với Thủ đô, các cơ quan, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá trên cơ sở khoa học, thực tiễn để thống nhất lựa chọn phương án tối ưu, bảo đảm tuyến đường phải thẳng nhất, ngắn nhất, đẹp nhất, hiện đại nhất có thể và hiệu quả cao nhất.
Trường hợp giao vốn đầu tư trở lại cho Hà Nội thì có thể xem xét giao Hà Nội làm chủ đầu tư toàn tuyến, Bắc Ninh, Bắc Giang hỗ trợ việc giải phóng mặt bằng.
Thủ tướng đề nghị TP Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh tiến hành ngay công tác giải phóng mặt bằng, phấn đấu hoàn thành trước ngày 30/6.