Trang phục đi máy bay tưởng chỉ là chuyện mặc cho đẹp, nhưng đôi khi lại quyết định cả chuyện được bay hay không khiến không ít hành khách gặp tình huống dở khóc dở cười.
Chuyện trang phục bị cấm đoán trên máy bay đã không còn xa lạ, thậm chí còn khiến nhiều hành khách nổi tiếng phải “ngậm ngùi” đổi áo đổi quần ngay tại cổng lên máy bay. Điều này đã thổi bùng lên những tranh cãi không hồi kết trên mạng xã hội và khơi mào những câu chuyện dở khóc dở cười về thời trang khi đi máy bay.
Hồi tháng 1, Lisa Archbold đã gặp phải một tình huống vô cùng khó xử khi bị Delta Air Lines yêu cầu rời khỏi chuyến bay vì không mặc áo ngực dưới áo thun. Cảm thấy bất công, Lisa quyết định tìm đến luật sư nổi tiếng Gloria Allred để đấu tranh cho quyền lợi.
Allred không chỉ tổ chức họp báo với tiêu đề “Ngực của hành khách nữ vs. Delta Air Lines” mà còn yêu cầu hãng thay đổi quy định ăn mặc, thu hút sự chú ý của dư luận.
Những câu chuyện “dở khóc dở cười” khác cũng chẳng hề hiếm. Theo CNN, năm 2019, bác sĩ Tisha Rowe bị American Airlines yêu cầu dùng chăn che bộ đồ hoa khi bay từ Jamaica đến Miami vì nhân viên cho rằng trang phục này “quá hở hang”.
Ngay cả cựu Hoa hậu Hoàn vũ Olivia Culpo cũng từng bị yêu cầu mặc thêm áo hoodie che đi áo bra thể thao và quần short khi chuẩn bị lên chuyến bay đến Cabo San Lucas vào năm 2022. Sự việc này nhanh chóng trở thành chủ đề “nóng” trên mạng xã hội nhờ sự chia sẻ của chị gái cô, Aurora Culpo.
Và không chỉ có những ngôi sao, người nổi tiếng mới gặp rắc rối vì thời trang trên máy bay. Tháng 8/2021, Ray Lin Howard, một nhà tạo mẫu tóc kiêm rapper, đã bị cảnh sát hộ tống ra khỏi máy bay của Alaska Airlines chỉ vì mặc áo crop top và quần short. Video ghi lại sự việc của Ray đã thu hút hơn 1,5 triệu lượt thích trên TikTok và khơi dậy những tranh cãi nảy lửa.
Quy định trang phục của các hãng hàng không ở Mỹ thường khá mơ hồ và không nhất quán. Nhiều hãng chỉ nhắc đến vài dòng ngắn gọn trong hợp đồng vận chuyển như “cấm đi chân trần” hay “trang phục không phù hợp”.
Hawaiian Airlines là một trong những hãng có quy định chi tiết hơn, cấm mặc bikini, quần bơi và đi chân trần, nhưng vẫn cho phép áo ba lỗ và quần short mà không yêu cầu độ dài cụ thể. Trong khi đó, Delta Air Lines chỉ nhấn mạnh trang phục không được “gây khó chịu”, còn American Airlines thì không cho phép mặc quần áo mang hình ảnh “phản cảm”.
Theo Nick Leighton, một chuyên gia về trang phục tại Manhattan, sự khác biệt về quy định này có thể gây rối cho hành khách. “Tiêu chuẩn về trang phục có thể thay đổi rất nhiều tùy theo khu vực mà hãng phục vụ. Các hãng có quyền đặt ra quy định của mình, nhưng dựa trên tiêu chuẩn văn hóa nào?” – Leighton chia sẻ.
Điều này đã dẫn đến nhiều tình huống áp dụng quy định thiếu nhất quán và đặc biệt ảnh hưởng đến nữ giới. Luật sư Gloria Allred cho rằng, việc từ chối cho Lisa Archbold lên máy bay chỉ vì cô mặc áo thun – trong khi nếu là đàn ông thì không gặp vấn đề gì – chính là sự phân biệt giới tính. “Quy định hiện tại đã khiến những phụ nữ như Lisa gặp bất công chỉ vì sự khác biệt về cơ thể,” Allred nhấn mạnh.
Quyền quyết định cuối cùng trong những tình huống tranh cãi này thuộc về cơ trưởng. Và khi hành khách bị từ chối bay vì trang phục, họ không chỉ mất thời gian, ảnh hưởng đến lịch trình, mà đôi khi còn tổn thất tài chính. Ví dụ, một hành khách của American Airlines vào ngày 1/4 đã phải chi tới 2.000 USD cho vé hạng nhất nhưng lại bị từ chối bay chỉ vì trang phục “gây khó chịu.” Dù hành khách có quyền khiếu nại, nhưng việc hoàn tiền hoặc bồi thường hầu như không được thực hiện.
Có lẽ đã đến lúc các hãng hàng không cần cân nhắc lại các quy định về trang phục nhằm giúp hành khách và nhân viên tránh được những tình huống khó xử. Và với sự thay đổi không ngừng của thời trang và văn hóa, đã đến lúc các hãng cần đưa ra những tiêu chuẩn rõ ràng và đồng nhất hơn. Để mỗi hành khách không phải lo lắng trước khi lên máy bay: “Hôm nay mặc vậy có được bay không?”