tạp chí bầu trời

Thị trường hàng không nội địa sớm phục hồi, quốc tế vẫn sụt giảm

Dự kiến đến hết năm 2022, sản lượng vận chuyển hành khách nội địa đạt gần về mức năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19 nhưng thị trường quốc tế sẽ cần một thời gian dài để phục hồi.

Dự kiến đến hết năm 2022, sản lượng vận chuyển hành khách nội địa đạt gần về mức năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Cục Hàng không Việt Nam vừa tiếp tục đề xuất Bộ Giao thông Vận tải các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không, tạo tiền đề cho sự phục hồi và phát triển trong tương lai.

Theo báo cáo của Cục Hàng không Việt Nam, từ ngày 15/2/2022, hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế đi/đến Việt Nam đã được khôi phục như giai đoạn trước dịch COVID-19.

Đối với thị trường nội địa, sau khi hoạt động vận chuyển hàng không nội địa được dỡ bỏ các hạn chế về tần suất, cho đến nay, các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác trở lại gần 60 đường bay nội địa với trung bình tổng số chuyến bay nội địa thực hiện hàng ngày từ 700-800 chuyến bay.

Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, năm 2022, sản lượng hành khách vận chuyển ước đạt từ 42-47 triệu lượt hành khách tăng từ 170-200% so với năm 2021 nhưng giảm trên 40% so với năm 2019. Tính riêng thị trường nội địa, lượng hành khách vận chuyển ước đạt từ 33-35 triệu lượt khách giảm từ 6-10% so với năm 2019.

Phía Cục Hàng không đánh giá năm 2022, dịch COVID-19 đã dần được kiểm soát, các hoạt động kinh tế-xã hội cũng đã dần trở lại trạng thái bình thường mới, tuy nhiên cần nhiều thời gian hơn để các doanh nghiệp có thể khắc phục tổn thất, khôi phục lại hoạt động kinh doanh.

Với thị trường bay quốc tế đến nay, Việt Nam đã khôi phục lại đường bay tới trên 20 quốc gia/vùng lãnh thổ truyền thống trước dịch như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hongkong, Đài Loan, Singapore, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Philippines, Lào, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE), Pháp, Đức, Anh, Nga, Australia, Hoa Kỳ... Dự kiến các thị trường sẽ tiếp tục được khôi phục cũng như tăng dần tần suất đường bay khai thác.

“Dự kiến đến hết năm 2022, sản lượng vận chuyển hành khách nội địa đạt gần về mức năm 2019, thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19 nhưng thị trường quốc tế sẽ cần một thời gian dài để phục hồi, sản lượng vận chuyển hành khách quốc tế giảm 72-80% so với năm 2019,” lãnh đạo Cục Hàng không nhận định.

Từ đó, Cục Hàng không Việt Nam chỉ ra hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không trong năm 2022 vẫn tiếp tục gặp khó khăn do tỷ trọng doanh thu, lợi nhuận của các hãng hàng không chủ yếu đến từ thị trường vận chuyển quốc tế.

Mặt khác, giá nhiên liệu bay Jet A1 vẫn tiếp tục tăng cao, tình hình bất ổn về kinh tế, chính trị trên thế giới giai đoạn vừa qua khiến giá nhiên liệu tăng đột biến, gây sức ép nặng nề lên chi phí của các hãng hàng không.

Lãnh đạo Cục Hàng không cũng khẳng định, Nhà nước hiện vẫn đang triển khai các giải pháp tổng thể giúp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19 như chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; chính sách hỗ trợ lãi suất giai đoạn 2022-2023, trong đó hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong 2 năm 2022-2023 thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại đối với các khoản vay thương mại cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh (có áp dụng cho lĩnh vực hàng không)...

Nhằm tiếp tục hỗ trợ các hãng hàng không vượt qua giai đoạn khó khăn, tạo tiền đề cho sự phục hồi và phát triển trong tương lai, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục ban hành chính sách giảm 50% giá dịch vụ hạ cất cánh tàu bay đối với các chuyến bay nội địa từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022 và áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ ngày 1/1/2022 đến hết ngày 31/12/2022./.

(Theo Vietnam+)

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận