Kinh doanh

Thế khó của Trung Quốc khi tự sản xuất linh kiện máy bay

Hoàng Anh 03/06/2024 15:54

COMAC đang nỗ lực tự chế tạo linh kiện để giảm bớt phụ thuộc vào nhập khẩu, nhưng rào cản gia nhập cho các nhà sản xuất linh kiện máy bay là rất cao.

Trung Quốc bắt tay chế tạo động cơ riêng từ năm 2009 để giảm sự phụ thuộc vào động cơ nhập khẩu. Ảnh: ImagineChina.
Trung Quốc bắt tay chế tạo động cơ riêng từ năm 2009 để giảm sự phụ thuộc vào động cơ nhập khẩu. Ảnh: ImagineChina.

C919 của Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC) ra mắt cuối tháng 5/2023 để cạnh tranh trực tiếp với Airbus A320neo và Boeing 737 MAX.

Nó đã bay được hơn 1.800 chuyến, chở hơn 245.000 lượt khách trên các tuyến nội địa của China Eastern Airlines từ Thượng Hải đi Hàm Dương, Bắc Kinh và Thành Đô.

Cái khó của COMAC

Được tôn vinh là máy bay chở khách thân hẹp đầu tiên sản xuất ở đại lục, C919 trở thành biểu tượng nổi bật trong chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc” của Bắc Kinh, một chiến lược nhằm giảm sự phụ thuộc vào linh kiện và công nghệ nước ngoài.

3.png
Chi tiết thành phần cấu thành C919. Đồ hoạ: CSIS/Việt hoá: Hoàng Anh.

Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng C919 là minh chứng ngành hàng không nước này tiếp tục phụ thuộc phương Tây.

Phía Trung Quốc cho biết khoảng 40% linh kiện C919 nhập khẩu từ nước ngoài, nhưng tỷ lệ thực tế cao hơn nhiều. Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) ở Washington DC (Mỹ) ước tính khoảng 90% nhà cung cấp linh kiện chính cho C919 đến từ Bắc Mỹ và Châu Âu, chỉ 10% đến từ Trung Quốc và các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương.

Theo CNN, Trung Quốc thậm chí không sản xuất được bộ phận nào giúp máy bay cất cánh lên trời. “C919 về cơ bản là một chiếc máy bay không phải của Trung Quốc nhưng được sơn màu Trung Quốc”, Scott Kennedy, Chủ tịch ủy thác kinh doanh và kinh tế Trung Quốc tại CSIS, bình luận.

Nhưng COMAC có cái khó của riêng mình. Họ mong muốn thâm nhập thị trường quốc tế nhanh hơn nên phải sử dụng bộ phận và hệ thống được chứng nhận ở phương Tây, điều này có thể giúp đẩy nhanh quá trình cấp chứng nhận của Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA) - giấy thông hành cho phép COMAC và C919 vươn ra thế giới.

Nỗ lực của Trung Quốc

Hạn chế xuất khẩu công nghệ tiên tiến của Mỹ ngày càng tăng. Nền kinh tế số một thế giới đã có biện pháp kiểm soát xuất khẩu với động cơ turbine khí hàng không hay thiết bị và hệ thống định vị...

Năm 2020, Chính phủ Mỹ từng xem xét ngăn chặn GE bán động cơ LEAP-1C cho COMAC, do lo ngại công nghệ có thể bị đánh cắp và đưa vào động cơ CJ-1000A đang được phát triển bởi Tập đoàn Động cơ Hàng không Trung Quốc.

Cuối cùng Mỹ cũng cấp cho GE giấy phép bán động cơ. Tuy nhiên, 1C chỉ được gọi là LEAP "trên danh nghĩa", do nó thiếu nhiều cải tiến về hiệu quả của các mẫu LEAP khác sử dụng trên Airbus A320neo và Boeing 737 MAX. So với LEAP-1A có kích thước tương tự, 1C nặng hơn và tạo ra lực đẩy ít hơn.

10.png
Nguồn gốc các linh kiện trên C919. Đồ hoạ: SCMP/Việt hoá: Hoàng Anh.

Rạn nứt ngày càng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc thôi thúc nền kinh tế số 2 thế giới mở lối thoát. Từ năm 2009, Tập đoàn Động cơ Hàng không Trung Quốc được giao nhiệm vụ phát triển động cơ nội địa CJ-1000A cho máy bay. Việc lắp ráp động cơ đầu tiên hoàn thành vào tháng 12/2017, sau 18 tháng nghiên cứu chế tạo.

Động cơ chạy lần đầu vào tháng 5/2018 với tốc độ lõi 6.600 vòng/phút. Tháng 3/2023, có thông tin cho rằng chiến dịch bay thử nghiệm động cơ CJ-1000A đã bắt đầu trên máy bay thử nghiệm Y-20.

Một trong những tính năng chính của CJ-1000A là tỷ lệ không khí xuyên qua ở mức cao. Phần lớn không khí đi qua động cơ được sử dụng để tạo lực đẩy, thay vì làm mát động cơ hoặc cung cấp các chức năng phụ trợ khác.

Tỷ lệ không khí xuyên qua ở mức cao giúp động cơ hoạt động hiệu quả hơn và giảm mức tiêu thụ nhiên liệu, giúp máy bay sử dụng CJ-1000A hấp dẫn hơn trong mắt hãng hàng không.

COMAC kỳ vọng CJ-1000A đạt chứng nhận đủ khả năng bay vào năm 2025. Nhưng theo South China Morning Post, các báo cáo, nghiên cứu chỉ ra những trở ngại về mặt cơ học và thiếu kinh nghiệm trong thử nghiệm, lắp ráp đang cản trở tiến trình phát triển CJ-1000A.

"Cách phát triển máy bay rất khác với điện thoại di động hay ôtô", ông Scott Kennedy của CSIS bình luận. Với điện thoại di động, các hãng được phép đạt tiến bộ ở mức vi mô mỗi ngày. Chất lượng sản phẩm đầu tiên có thể chỉ ở mức trung bình.

Với máy bay thì khác, sản phẩm phải có chất lượng rất cao ngay từ lần giao hàng đầu tiên. Đây là những rào cản gia nhập cực lớn đối với nhà sản xuất linh kiện. Vậy nên, Trung Quốc vẫn còn một chặng đường rất dài mới có thể chế tạo bộ phận cốt lõi như hệ thống điện tử hàng không và động cơ, ông Scott đánh giá.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thế khó của Trung Quốc khi tự sản xuất linh kiện máy bay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO