Hàng không vũ trụ

Tham vọng hướng tới sao Hỏa của tỷ phú Elon Musk

Linh Nhi 10/11/2024 08:29

Hãng SpaceX của tỷ phú Mỹ Elon Musk đã hoàn tất chuyến bay thử nghiệm Starship Super Heavy vào ngày 13/10, đánh dấu bước tiến lớn trong tham vọng của ông nhằm giảm chi phí đưa người và hàng hóa vào quỹ đạo tới 100 lần.

Với mục tiêu cuối cùng là đưa người lên Sao Hỏa vào năm 2028, SpaceX đã có những bước tiến táo bạo và khác biệt so với các chương trình không gian truyền thống. Podcast Check 6 của Aviation Week đã trao đổi với các chuyên gia hàng đầu để phân tích về thử nghiệm đột phá này.

Cuộc thử nghiệm kỷ lục với Starship và Super Heavy Booster

Joe Anselmo, tổng biên tập của Aviation Week cùng hai chuyên gia Irene Klotz và Guy Norris, đã đánh giá chi tiết về những gì SpaceX đạt được trong lần thử nghiệm mới nhất.

Trong chuyến bay thử này, SpaceX đã thực hiện các bước vô cùng quan trọng: Phóng Starship, thu hồi tên lửa Super Heavy bằng cách bắt nó trên tháp phóng và đưa Starship đến điểm hạ cánh có kiểm soát ở Ấn Độ Dương.

Phong Starship lan thu 5
SpaceX phóng tàu vũ trụ Starship lần thứ 5, mỗi lần phóng tốn khoảng 100 triệu USD (tổng chi phí dự án khoảng 5 tỷ USD). Ảnh: Flickr.

Irene Klotz nhận định: “Đây là một thành tựu đáng kinh ngạc”, thể hiện bước ngoặt trong việc chứng minh khả năng của SpaceX trong việc hạ cánh không cần chân đáp, giảm trọng lượng và tăng tính linh hoạt cho các lần tái sử dụng.

Tuy nhiên, chuyến bay không phải là không có thử thách. Một số vòi phun ngoài của động cơ Super Heavy đã bị biến dạng do nhiệt độ cao trong quá trình quay trở lại khí quyển.

Một tấm chắn khí động học rơi ra trong lúc đáp xuống cũng gây lo ngại, nhưng rất may là các van quan trọng vẫn hoạt động tốt. Điều này giúp SpaceX rút ra bài học kinh nghiệm quan trọng để cải thiện các lần thử nghiệm tiếp theo.

Tinh thần “liều ăn nhiều” của SpaceX

Guy Norris nhận định rằng yếu tố mấu chốt giúp SpaceX tiến nhanh trong các thử nghiệm là khả năng chấp nhận rủi ro và thất bại. “SpaceX liên tục bay thử, quan sát những điểm yếu và cải tiến nhanh chóng. Đây là cách họ viết lại quy trình thí nghiệm và thử nghiệm trong ngành hàng không vũ trụ”, ông Norris nói.

Với SpaceX, thử nghiệm và chấp nhận những rủi ro cao được xem như một phần không thể thiếu để đạt được các đột phá.

Tuy nhiên, các bước tiếp theo của SpaceX không hề đơn giản. Một trong những thách thức lớn là khả năng kích hoạt lại động cơ Raptor trong không gian. Động cơ này sử dụng chu trình đốt cháy tầng hoàn toàn và chưa từng có động cơ nào có thiết kế như vậy bay thành công trước đây.

Khả năng khởi động lại động cơ Raptor trong môi trường không gian là yếu tố sống còn để Starship có thể tái nhập bầu khí quyển và thực hiện các nhiệm vụ ở quỹ đạo xa hơn.

Tham vọng sao Hỏa

Ông Elon Musk luôn nhấn mạnh mục tiêu của mình là đưa con người đến sao Hỏa. Dự kiến vào năm 2026, SpaceX sẽ phóng một tàu không người lái lên hành tinh này và đến năm 2028 sẽ là một tàu có phi hành đoàn.

Irene Klotz cho rằng việc này có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn. Để đạt được điều đó, SpaceX cần phải giải quyết thêm nhiều thách thức lớn.

Ten lua
Tên lửa Super Heavy Booster 12 đang trở lại tháp phóng trong lần thử nghiệm Starship lần thứ 5 vào ngày 13/10. Ảnh: Wikipedia.

Guy Norris chia sẻ rằng để phục vụ các nhiệm vụ ưao Hỏa, SpaceX sẽ cần triển khai các tòa tháp phóng khổng lồ tại nhiều địa điểm, bao gồm bang Texas và gần mũi Canaveral ở bang Florida. Bên cạnh đó, kỹ thuật tiếp nhiên liệu trong không gian là một trong những bước phát triển kỹ thuật mà SpaceX cần chứng minh thành công.

Hiện tại, NASA cũng phụ thuộc vào khả năng tiếp nhiên liệu trên quỹ đạo của SpaceX trong sứ mệnh Artemis nhằm đưa con người lên Mặt Trăng.

Tác động đến ngành công nghiệp hàng không vũ trụ

Việc SpaceX thành công trong việc giảm chi phí phóng tới 100 lần sẽ mang lại tác động đáng kể đến ngành công nghiệp vũ trụ. Irene Klotz cho rằng, các quốc gia châu Âu, Nhật Bản, Nga và Trung Quốc sẽ vẫn cần duy trì khả năng tự phóng tàu vũ trụ.

Tuy nhiên, với công suất và chi phí giảm mạnh của Starship, các tổ chức và những nhà khoa học đang bắt đầu mơ về những dự án khổng lồ như kính thiên văn không gian kích thước lớn mà không cần phải gấp lại như James Webb.

Không thể phủ nhận rằng SpaceX là một nhân tố thay đổi cuộc chơi trong ngành công nghiệp không gian. Sự phụ thuộc của NASA vào SpaceX để đạt được các mục tiêu của chương trình Artemis cho thấy SpaceX không chỉ là một công ty tư nhân, mà còn là một phần quan trọng trong chương trình không gian quốc gia của Mỹ.

Tương lai của Starship

Trong bối cảnh tỷ phú Elon Musk đề xuất xây dựng cơ sở trên Mặt Trăng Moonbase Alpha và tăng cường khả năng tải trọng của Starship lên tới 200 tấn, Guy Norris cho rằng điều này không chỉ là giấc mơ của SpaceX mà còn tạo ra một “thế giới mới” trong ngành hàng không vũ trụ. Từ những tiến bộ kỹ thuật đến tham vọng về một nền văn minh trên sao Hỏa, SpaceX đang mở ra những chương mới đầy kỳ vọng và thử thách.

Elon Musk
Tỷ phú Elon Musk, tổng giám đốc điều hành của SpaceX, cầm mô hình tàu vũ trụ BFR. Ảnh: NORAD.

Những bước tiến này không chỉ đơn thuần giúp con người mở rộng tầm nhìn ra ngoài không gian, mà còn đặt ra một câu hỏi lớn về tương lai của các chương trình không gian truyền thống. Trong một thế giới mà SpaceX có thể giảm chi phí phóng một cách đáng kể, các công ty và quốc gia khác sẽ cần phải nhanh chóng thích nghi nếu không muốn bị tụt hậu.

Dù SpaceX có thể đạt được thành công đến đâu, ngành công nghiệp không gian vẫn sẽ luôn là một cuộc đua liên tục với nhiều cột mốc và thách thức mới. Tỷ phú Elon Musk cùng SpaceX vẫn sẽ là những người dẫn dắt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tham vọng hướng tới sao Hỏa của tỷ phú Elon Musk
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO