Hàng không vũ trụ

Tàu đổ bộ Trung Quốc giơ lá cờ đặc biệt trên Mặt Trăng

Hoàng Anh 05/06/2024 14:20

Hằng Nga 6 giơ lá cờ làm từ đá bazan núi lửa sau khi thu thập mẫu vật chất tại vùng tối Mặt Trăng.

Sáng 4/6, tàu đổ bộ không người lái Hằng Nga 6 khởi hành rời vùng tối Mặt Trăng sau khi thu thập 2 kg đất đá và bụi. Đây là những mẫu vật chất đầu tiên mà con người thu thập từ vùng tối Mặt Trăng - nơi vĩnh viễn quay mặt ra xa Trái Đất.

Trước khi cất cánh, Hằng Nga 6 để lại khoảnh khắc mang tính biểu tượng khi giơ lá cờ Trung Quốc. Đây là lần đầu tiên một lá cờ giương cao tại vùng tối Mặt Trăng. Lá cờ làm từ đá bazan núi lửa, được thiết kế để chống ăn mòn và nhiệt độ khắc nghiệt ở vùng tối, nhằm hướng tới các sứ mệnh Mặt Trăng trong tương lai.

Đá bazan được nghiền nát, nấu chảy và kéo thành sợi có đường kính bằng khoảng 1/3 đường kính sợi tóc người, sau đó xe thành sợi lớn hơn để dệt thành vải.

008ehf5jly1hqd2tuvrbkj30zk0m8guj.jpg
Hằng Nga 6 giơ cao lá cờ Trung Quốc. Ảnh: CNSA.

“Bề mặt Mặt Trăng rất giàu đá bazan. Trung Quốc hướng tới xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng nên có thể cần chế tạo đá bazan thành sợi và sử dụng nó làm vật liệu xây dựng”, kỹ sư của dự án Hằng Nga 6 nói với CCTV.

Chuyến đổ bộ này là lần thứ hai Trung Quốc thu thập mẫu vật chất từ Mặt Trăng, sau khi tàu Hằng Nga 5 mang về mẫu đất đá từ vùng sáng năm 2020.

Theo Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA), Hằng Nga 6 thu thập mẫu vật chất bằng cách khoan vào bề mặt Mặt Trăng rồi xúc đất và đá bằng một cánh tay cơ khí. CNSA đăng bức ảnh cho thấy bề mặt khoan có hình dạng giống với ký tự tiếng Hán “zhong”, nghĩa là giữa. Đó là ký tự đầu tiên trong từ "Trung Quốc" bằng tiếng Hán.

Thu thập mẫu vật chất vùng tối giúp Trung Quốc tiến thêm một bước trên hành trình trở thành cường quốc không gian. Kế hoạch của nước này gồm đưa phi hành gia hạ cánh lên Mặt Trăng vào năm 2030 và xây dựng cơ sở nghiên cứu ở cực nam, khu vực được cho là có băng đá.

008ehf5jly1hqd2qislngj32yo1o0qv7.jpg
Vết khoan của Hằng Nga 6 trên bề mặt Mặt Trăng. Ảnh: CNSA.

Hằng Nga 6 hạ cánh thành công vào sáng 2/6 tại lưu vực Nam Cực -Aitken, hố va chạm lâu đời nhất trên Mặt Trăng, hình thành khoảng 4 tỷ năm trước.

Các chuyên gia cho biết mẫu vật do Hằng Nga 6 thu thập có thể cung cấp manh mối quan trọng về nguồn gốc và sự tiến hóa của Mặt Trăng, Trái Đất và Hệ Mặt Trời.

Hợp tác với Trung Quốc, ông James Head, giáo sư danh dự tại Đại học Brown (Mỹ), cho biết: “Vùng tối Mặt Trăng bí ẩn hơn nhiều so với vùng sáng. Nếu không có mẫu vật chất, các nhà khoa học không thể hiểu đầy đủ về Mặt Trăng. Vì vậy, các mẫu mang về từ Hằng Nga 6 cho phép đạt những bước tiến lớn trong nghiên cứu vệ tinh của Trái Đất".

Đầu năm nay, giám đốc NASA Bill Nelson thừa nhận tốc độ chinh phục không gian của Trung Quốc. Những lo ngại về kế hoạch vũ trụ của nền kinh tế số 2 thế giới đang thúc đẩy người Mỹ cấp bách quay trở lại Mặt Trăng, nhiều thập kỷ sau các sứ mệnh do phi hành đoàn Apollo của họ thực hiện.

Theo CNN
https://edition.cnn.com/2024/06/04/china/china-change6-moon-lift-off-intl-hnk/index.html
Copy Link
https://edition.cnn.com/2024/06/04/china/china-change6-moon-lift-off-intl-hnk/index.html
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tàu đổ bộ Trung Quốc giơ lá cờ đặc biệt trên Mặt Trăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO