tạp chí bầu trời

Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy tại cơ quan, đơn vị

Các đơn vị chủ động xây dựng các phương án phòng ngừa và xử lý các tình huống nếu xảy ra sự cố, cháy, nổ, tai nạn, bảo đảm nhanh, kịp thời, hiệu quả theo phương châm 4 tại chỗ.

Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi các đơn vị trực thuộc về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy tại cơ quan, đơn vị.

Theo đó, Cục yêu cầu các cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện một số nhiệm vụ sau:

Các đơn vị chủ động xây dựng các phương án phòng ngừa và xử lý các tình huống nếu xảy ra sự cố, cháy, nổ, tai nạn, bảo đảm nhanh, kịp thời, hiệu quả theo phương châm 4 tại chỗ.

Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp... phải chịu trách nhiệm trước hết về bảo đảm an toàn cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình. Xử lý nghiêm cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ để xảy ra cháy và xảy ra vi phạm nghiêm trọng, mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy tại địa bàn, cơ sở.

Tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho cán bộ, đảng viên, người lao động để nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Kịp thời biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và có biện pháp giải quyết, khắc phục những thiếu sót, bất cập trong công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Hướng dẫn, đôn đốc người đứng đầu các đơn vị cơ sở, doanh nghiệp thường xuyên tự kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, nhất là trong quản lý, sử dụng hệ thống, thiết bị điện, nguồn lửa, nguồn nhiệt và các chất, hàng nguy hiểm cháy, nổ. Chủ động trang bị các phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phù hợp với quy mô, tính chất hoạt động của đơn vị, cơ sở theo quy định của pháp luật. Đơn vị nào để xảy ra cháy phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản thì Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc chịu trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật.

 Bố trí nguồn kinh phí trong dự toán ngân sách hàng năm theo quy định để bảo đảm cho công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (thực hiện từ năm 2021 và các năm tiếp theo).

(Dàn xe cứu hỏa phun nước chữa cháy tại buổi diễn tập phương án chữa cháy, cứu nạn cứu hộ tại cảng HKQT Nội Bài năm 2020)

Các cơ quan, đơn vị tiếp tục tiến hành rà soát, kiểm tra lại các phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ hiện có ở đơn vị và lập kế hoạch sửa chữa, thay thế các phương tiện đã quá cũ không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; đồng thời phải trang bị bổ sung những phương tiện, thiết bị còn thiếu, đặc biệt lưu ý trang bị đủ cho các điểm trọng yếu như kho hàng, những điểm dễ gây cháy, nổ, các nhà ga, sân bay, nhà cao tầng, các phương tiện chở hàng nguy hiểm (chất nổ, chất dễ cháy).

Định kỳ phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Công an tổ chức tập huấn, thực tập các phương án, tình huống xử lý sự cố cháy, nổ và cứu nạn, cứu hộ theo quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy.

Thường xuyên rà soát các văn bản quy pháp pháp luật về phòng cháy, chữa cháy để kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Các công trình xây dựng mới phải quan tâm xem xét tới việc bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ ngay từ khâu thiết kế kỹ thuật, đồng thời phải dành đủ kinh phí cho việc trang bị lắp đặt các phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cần thiết theo quy định.

Cục HKVN yêu cầu các Cảng vụ hàng không triển khai các nội dung trên đến tất cả các hãng hàng không nước ngoài và các cơ quan, đơn vị đang hoạt động tại các cảng hàng không, sân bay./.

http://caa.gov.vn/

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận