tạp chí bầu trời

Tản mạn chén trà Việt đầu Xuân

Ngày xưa, Hải Thượng Lãn Ông là thầy thuốc Đông y danh tiếng của Việt Nam. Ông đã từng khuyên mọi người “Bình minh nhất trản trà… Lương y bất đáo gia” có nghĩa là sáng sớm thưởng thức một ấm trà... thì thầy thuốc không bao giờ phải đến nhà thăm bệnh. Điều ấy cũng có nghĩa, trà và là thức uống có lợi...

Uống trà có nhiều tác dụng cho cơ thể con người, làm cho đầu óc thêm sáng suốt, minh mẫn, tăng độ nhạy cảm của các giác quan; tác dụng giải nhiệt, kích thích tiêu hóa, giảm lượng mỡ thừa, loại trừ độc tố, giải cơn say rượu, tăng cường thị lực...

Trà là một trong những thức uống phổ biến trên thế giới.Người châu Âu thích dùng trà đen uống với đường, còn người châu Á lại thích dùng trà xanh.Về văn hóa trà, cách thưởng thức trà của người châu Á cũng có nhiều phong cách, “trường phái” khác nhau. Người Trung Hoa có “Trà Kinh”, người Nhật có “Trà Đạo”, còn người Việt Nam cũng có cách thưởng thức riêng, có lẽ là tổng hòa của cả hai phong cách trên. Nghĩa là vừa “Kinh” mà vừa “Đạo”. Nói đến phong cách uống trà truyền thống Việt Nam, phải kể đến cách uống trà rất cầu kỳ của các bậc vua chúa thời  xưa, nhưng vẫn còn lưu truyền đến ngày nay. Nó vừa sang trọng vừa tao nhã. Uống trà với ai, mấy người là vừa, uống vào giờ nào, dùng nước nào để pha trà, dùng than, củi nào để nấu nước, pha trà bằng loại ấm gì, uống trà bằng loại chén nào...

(Ảnh minh họa)

Uống trà là để thưởng thức, để cảm nhận hương vị tinh túy của trà. Uống trà cho tâm tư tĩnh lặng, thanh tao, giải bớt ưu phiền. Uống trà để tăng niềm hứng khởi khi đàm đạo với bạn bè, với tao nhân mặc khách. Điều ấy có nghĩa, uống trà không chỉ để thưởng thức trà, không chỉ để tìm cảm giác thanh thản, mà trà còn có giá trị giao tiếp, nó là “cầu nối” cho nhiều mối quan hệ trong cuộc sống đời thường.

Phong cách uống trà của vua Tự Đức ở Huế rất cầu kỳ. Vào lúc sớm tinh mơ, nhà vua sai người chèo chiếc thuyền con bơi quanh hồ sen rồi dốc từng hạt sương còn đọng trên lá sen, những hạt sương ấy được xem là tinh túy của đất trời, sinh ra trong thời gian giao hòa giữa ngày và đêm. Mỗi lá sen trong hồ chỉ đọng lại dăm ba hạt sương đêm và phải hàng trăm lá sen như thế cộng lại mới đủ nước pha trà cho vua sử dụng. Nhà vua chỉ dùng loại trà này với đường phèn chưng cách thủy đang bốc khói mới cảm thấy sảng khoái để lâm triều bàn việc chính sự…

Với người Việt Nam thời hiện đại, việc thưởng thức trà cũng khác nhau. Ở miền Bắc, đa số thích uống trà nguyên chất, có vị đắng, chát gọi chung là “Trà Bắc”. Ngược lại, người miền Nam chỉ thích uống trà có ướp hương hoa Nhài, hoa Sen để tăng thêm hương thơm. Người miền Bắc thích uống trà nóng, còn người miền Nam lại thích uống trà đá cho mát mẻ. Phong cách uống trà của người miền Trung lại thể hiện sự giao hòa của cả hai miền Nam - Bắc. Người miền Trung vừa thích uống trà nóng, vừa thường uống trà đá vào mùa hè nắng nóng. Trà ướp hoa nhài, trà nguyên chất đều được ưa chuộng như nhau.

Trà ngon phụ thuộc vào cách sao tẩm, tuy nhiên quan trọng nhất vẫn là nguyên liệu chè, giống chè. Búp chè thường phụ thuộc vùng đất trồng chè. Từ lâu, ở cả ba miền của đất nước đều đã hình thành các vùng đất trồng chè. Miền Bắc, chè được trồng nhiều ở các tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ, Hà Giang, Nghĩa Lộ (Yên Bái), Tuyên Quang, Hòa Bình... Miền Trung, chè được trồng chủ yếu ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Một trong những nơi cung cấp chè nhiều cho miền Nam là các tỉnh Tây Nguyên, trong đó chè Bảo Lộc (Lâm Đồng) được coi là có chất lượng vượt trội. Theo dân thưởng thức trà sành điệu, thì trà Thái Nguyên được đánh giá là ngon nhất Việt Nam. Ở Thái Nguyên, có địa danh Tân Cương được xem là nơi sản xuất trà xanh đặc biệt không ở đâu bằng. Trà ở đây vừa đượm nước, có màu vàng sáng ngả sang xanh, nhiều hương thơm, uống vào hồi lâu thấy ngòn ngọt trong cổ.

Nhiều công trình khoa học đã khẳng định, người uống trà thường xuyên sẻ có khả năng hạn chế được sự nhiễm xạ vào cơ thể. Do uống trà hoặc nước chè tươi từ khi còn trẻ, nên người dân ở vùng đất trồng chè rất ít bị nhiễm ung thư. Trong trà có nhiều chất bổ, nhất là Vitamin C có nhiều gấp 3- 4 lần trong cam, chanh. VitaminC trong trà làm tăng sức đề kháng, khả năng tích lũy và đồng hóa Vitamin cho cơ thể. Chất Cafein trong trà kích thích sự hoạt động của thần kinh trung ương, làm cho đầu óc tĩnh táo; nó còn có khả năng giải độc, kích thích hoạt động của tim, thận. Trà có nhiều ích lợi như thế, nhưng thường thì người uống trà chỉ chú ý đến chất lượng của trà có ngon hay không mà thôi.

Ngày nay, trên thị trường nước ta có quá nhiều loại bia, rượu ngoại và các loại nước giải khát, trà bị mất đi một phần nhu cầu đối với cuộc sống. Đã có nhiều người cho rằng, đây là thời kỳ của “văn hóa bia rượu”. Trà bị lấn lướt bởi vô vàn các thức uống công nghiệp. Nhưng dù sao thì người uống trà vẫn cứ nhiều. “Văn hóa trà” chắc chắn vẫn sẽ tồn tại trong văn hóa ẩm thực Việt Nam...

Nguồn: Tản mạn chén trà Việt đầu Xuân (vanhoavaphattrien.vn)

Bình luận
Gửi bình luận
Bình luận