Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hóa Sài Gòn (SCSC) sẽ tham gia đấu thầu dự án nhà ga hàng hoá số 1 sân bay Long Thành vào tháng 11 và kỳ vọng ghi nhận lợi nhuận trong quý I-II/2027.
SCSC dự báo sản lượng hàng hóa quý IV năm nay sẽ tăng mạnh hơn so với quý III do nhu cầu cao theo mùa, giá cước vận tải đường biển tăng và thời gian vận chuyển dài hơn do căng thẳng ở Biển Đỏ khiến vận tải hàng không trở nên hấp dẫn hơn.
Sản lượng hàng hóa trong 9 tháng đầu năm nay tăng khoảng 10-15% so với giai đoạn bình thường do căng thẳng Biển Đỏ. Dự kiến năm 2025 sẽ tăng khoảng 6-8% khi khủng hoảng Biển Đỏ kéo dài đến hết năm sau.
Với lợi nhuận tăng mạnh trong năm nay, SCSC dự định chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ thấp nhất là 70% (khoảng 7.000 đồng/cổ phiếu), tương đương lợi nhuận cổ tức tối thiểu là 9,4% theo giá thị trường hiện tại.
Ngoài ra, SCSC dự kiến mở thầu dự án nhà ga hàng hóa số 1 cảng hàng không quốc tế Long Thành vào tháng 11 năm nay. Theo đó, xây dựng sẽ bắt đầu từ quý I/2025 và kéo dài 12-18 tháng, sau đó cần thêm 3-6 tháng để nhận giấy phép hoạt động và cần thêm 2 tháng để các hãng hàng không thực hiện quy trình kiểm tra.
SCSC kỳ vọng nhà ga mới đi vào hoạt động và ghi nhận lợi nhuận trong quý I-II/2027.
Công ty cũng cho biết Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) sẽ đầu tư 100% vào nhà ga mới, tương ứng SCSC sẽ không nắm cổ phần nào trong dự án này.
Về phương án vận hành, SCSC cũng thông tin có 3 kịch bản khả thi: ACV vận hành độc lập; ACV thành lập liên doanh với các công ty có kinh nghiệm như Công ty cổ phần dịch vụ hàng hóa hàng không Việt Nam (ACSV) hoặc SCSC, hoặc một số công ty khác; ACV cấp nhượng quyền cho SCSC để vận hành nhà ga.
Với kịch bản 1, SCS kỳ vọng sẽ đóng vai trò là nhà tư vấn cho ACV trong 1-2 năm đầu sau khi nhà ga sân bay Long Thành đi vào hoạt động, cung cấp đào tạo tất cả các nhân viên vận hành nhà ga, mặc dù gần đây ACV đã ký hợp đồng đào tạo với sân bay Incheon (Hàn Quốc), vì hợp đồng này chỉ được giới hạn cho một số nhân viên nhất định (không phải toàn bộ).
Tại kịch bản 2, SCSC đánh giá khả năng ACV hợp tác với ACSV ở mức thấp. Trong 3 tháng qua, SCSC - không phải ACSV - đã làm việc chặt chẽ với ACV để tư vấn cho nhà ga mới và nhận được phản hồi tích cực từ ACV.
Còn kịch bản 3, SCS sẽ phải trả phí nhượng quyền cho ACV (theo quy định) và phí sử dụng cơ sở hạ tầng từ lợi nhuận hoạt động để đảm bảo ACV thu hồi vốn và có lãi.
Kịch bản kém khả quan nhất nếu ACV hoàn toàn kiểm soát vận hành mà không có sự tham gia của SCSC, công ty sẽ ưu tiên dịch vụ trên các tuyến trong nước. Đồng thời, SCSC tiếp tục phục vụ mảng quốc tế trong năm 2027/2028, vì SCSC kỳ vọng việc chuyển dần từ sân bay Tân Sơn Nhất sang sân bay Long Thành sẽ giúp giảm thiểu tác động về sản lượng trong 1-2 năm đầu. Bên cạnh đó, SCSC tái cơ cấu mảng hàng hóa hàng không thành một trung tâm phân phối/logistics tại TP.HCM từ năm 2029 trở đi.
SCSC cũng kỳ vọng sân bay Long Thành sẽ đạt công suất tối đa vào năm 2031/2032.
Trước đó, trong báo cáo tài chính quý III được công bố, SCSC ghi nhận doanh thu thuần đạt 266 tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ. SCSC lãi gộp gần 213 tỷ đồng, biên lãi gộp lên đến 80%, so với con số 78% của cùng kỳ (đã trừ đi giá vốn). Công ty báo lãi ròng sau thuế gần 186 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ.
SCSC cũng cho biết với sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu trong 9 tháng đầu năm, tổng sản lượng công ty trong quý 3/2024 tăng 42,1% so với cùng kỳ. Theo đó, doanh thu dịch vụ tăng gần 55%, đồng thời, công ty tiếp tục tăng cường kiểm soát, quản lý chi phí và tối ưu hoạt động sản xuất kinh doanh góp phần làm tăng lợi nhuận.
Trước đó, vào tháng 2, SCSC chính thức giành được hợp đồng của khách hàng mới Qatar Airways từ tay Tân Sơn Nhất Cargo (TCS) - công ty con của Vietnam Airlines. Công ty thừa nhận sự đóng góp của vị khách này đã đem lại sự tích cực cho đà tăng trưởng của kết quả kinh doanh bên cạnh những khách hàng hiện hữu.
SCSC được thành lập từ năm 2008, hoạt động chính trong mảng vận tải hàng hóa hàng không. Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản của công ty ở mức 1.751 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là tiền mặt và tiền gửi ngân hàng 1.135 tỷ đồng, chiếm 65% tổng tài sản. Công ty không sử dụng nợ vay tài chính.
Đây là công ty được góp vốn từ các cổ đông lớn như Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), công ty cổ phần Gemadept, công ty sửa chữa máy bay A41 và các nhà đầu tư tài chính.
Thị phần hiện tại của SCSC tại sân bay Tân Sơn Nhất là 48-49%.