Trong nước

Sân bay Vinh đặt xô hứng nước khi mưa lớn

Nguyệt Quỳnh 24/09/2024 14:25

Do mưa lớn kéo dài ngày 22-23/9, nhà ga sân bay Vinh (Nghệ An) bị thấm dột trần nhà, phải dùng xô hứng nước tạm thời.

Ảnh hưởng của không khí lạnh cùng với rãnh áp thấp nối với vùng thấp đang hoạt động trên biển Đông, những ngày qua tại khu vực Bắc Trung Bộ đã có mưa lớn đến rất lớn. Mưa liên tục không ngớt trong ngày đã khiến nhiều nơi bị ngập, nước lũ gây sạt lở nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An…

Trận mưa lớn kéo dài suốt đêm 22/9 đã gây ngập úng diện rộng tại TP Vinh (Nghệ An). Tại cảng hàng không quốc tế Vinh, nhà ga T1 đã có hiện tượng nước mưa dột từ trần xuống ghế hành khách ngồi chờ, nhân viên phải sử dụng xô nhựa để hứng nước.

461154613_10212383952990989_7334326372563586443_n.jpg
Nhà ga hành khách sân bay quốc tế Vinh bị thấm dột trần nhà, phải dùng xô hứng nước tạm thời chiều 23/9. Ảnh: VII.

Xác nhận về sự việc này, ngày 24/9, đại diện cảng hàng không quốc tế Vinh cho biết do trời mưa to liên tục nên nhà ga bị dột. Hiện, lãnh đạo cảng đang tìm phương án khắc phục sớm nhất.

Vị này cũng khẳng định hạ tầng chưa đến mức xuống cấp nghiêm trọng, nhưng tình trạng dột khó tránh khỏi do lượng mưa lớn trong đêm 22/9 và ngày 23/9. Chiều cùng ngày, cán bộ kỹ thuật sân bay Vinh đã lên mái nhà dùng keo bịt các lỗ hổng tránh dột nước.

Thời tiết mưa lớn đã gây ngập diện rộng tại TP Vinh song hoạt động khai thác tại sân bay Vinh vẫn đảm bảo.

Sân bay Vinh hiện có công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm, nhưng đã phục vụ tới 2,6 triệu lượt khách trong năm 2022.

Theo điều chỉnh quy hoạch sân bay Vinh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng hàng không này sẽ được xây thêm đường cất hạ cánh thứ 2, mở rộng nhà ga hành khách T1 hiện hữu và xây mới nhà ga hành khách T2, nâng công suất lên 8 triệu hành khách/năm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao. Tổng mức đầu tư dự án là 230 tỷ đồng.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã chấp thuận danh mục cho phép chuẩn bị đầu tư dự án cải tạo, sửa chữa đường cất hạ cánh, đường lăn cảng hàng không quốc tế Vinh.

Theo đó, cải tạo, sửa chữa đường cất hạ cánh, hệ thống đường lăn hiện hữu; xây dựng dải hãm phanh hai đầu đường cất hạ cánh, kích thước 100 x 60 m; cải tạo, sửa chữa dải bảo hiểm đầu (RESA), dải bảo hiểm sườn đồng bộ…

Trong đó, đường cất hạ cánh được đề xuất sử dụng giải pháp kết cấu mặt đường là bê tông xi măng lưới thép để khắc phục triệt để sự hư hỏng xuống cấp, đồng thời kéo dài tuổi thọ và hạn chế các điều kiện bất lợi của thời tiết.

Dự kiến, tổng mức đầu tư dự án là 745 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn bảo trì kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý.

Sân bay Vinh có cấp 4E theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế ICAO), công suất thiết kế dự kiến đến năm 2030 là 8 triệu hành khách/năm.

Hiện, cảng hàng không quốc tế Vinh đang khai thác 9 đường bay, 6 hãng hàng không với tần suất bình quân 26-28 chuyến bay/ngày (tương ứng với 52-56 lượt cất hạ cánh/ngày).

Đường cất hạ cánh hiện hữu của sân bay Vinh dài 2.400 m, chỉ đáp ứng được cho các loại tàu bay A320, A321 giảm tải hoặc tương đương, không thể tiếp nhận các tàu bay cỡ lớn như A350, B777, B787...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sân bay Vinh đặt xô hứng nước khi mưa lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO