Quốc tế

Sân bay trực thăng Burj Al Arab và những kỷ lục trên không

Hoàng Hà 06/10/2024 11:25

Sân bay trực thăng này không chỉ là điểm đến của những chuyến bay xa xỉ mà còn là sân khấu cho các màn trình diễn mạo hiểm, ngoạn mục, làm nên tên tuổi và vị thế đặc biệt của Dubai.

190701102503-baa-7.jpg
Nằm trên tầng 59 của khách sạn Burj al Arab, bãi đáp trực thăng này nhìn thẳng ra bờ biển Dubai. Ảnh: Jumeirah Burj Al Arab.

Nằm ở độ cao 212 m trên tầng 59 của khách sạn Burj al Arab tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), sân bay trực thăng nổi tiếng này đã ghi dấu ấn ngay từ khi ra mắt vào năm 1999.

Với thiết kế rộng 27 m, khả năng chịu tải lên đến 7,5 tấn, sân bay trực thăng này không chỉ phục vụ cho các chuyến bay sang trọng mà còn là nơi diễn ra nhiều sự kiện thể thao đỉnh cao, tạo nên sức hút khó cưỡng.

Burj al Arab cao 321 m, nằm trên một hòn đảo nhân tạo giữa Vịnh Ả Rập. Được thiết kế giống như một cánh buồm đang vươn ra biển, Burj al Arab là tòa nhà cao nhất thế giới chỉ dành cho mục đích khách sạn và đã nhận giấy phép sân bay trực thăng đầu tiên từ Cơ quan Hàng không Dân dụng UAE.

Sân bay trực thăng trên không

Nằm cheo leo ở độ cao 212 m so với mực nước biển, sân bay trực thăng của khách sạn vươn ra đầy táo bạo từ hình dáng cánh buồm độc đáo của Burj al Arab.

“Thách thức lớn nhất là đảm bảo cấu trúc sân bay trực thăng vững chắc, đồng thời hài hòa với tổng thể kiến trúc của tòa nhà”, cựu giám đốc Điều hành Burj al Arab, Anthony Costa, chia sẻ với CNN vào năm 2019. Với đường kính 27 m, sân bay này có khả năng chịu tải lên tới 7,5 tấn.

“Sân bay phải đáp ứng cả tiêu chuẩn an toàn và kết cấu chịu lực. Chúng tôi muốn nó trông như đang ‘trôi nổi’ trên không và chỉ sử dụng các khung thép hỗ trợ tối thiểu, tạo cảm giác nhẹ nhàng và tinh tế”, Crispe cho biết.

Sân bay trực thăng không chỉ đóng vai trò như một điểm nhấn kiến trúc, mà còn là một phần trong dịch vụ đưa đón sang trọng của khách sạn.

Khách hàng có thể lựa chọn di chuyển bằng Rolls Royce từ sân bay hoặc trải nghiệm hành trình bằng trực thăng. Đây là phương tiện được ưa chuộng với tần suất di chuyển đều đặn hàng tháng.

Sân khấu trên không cho những ngôi sao

190627163753-baa-5.jpg
Được thiết kế giống như một cánh buồm hướng ra biển, Burj al Arab là tòa nhà cao nhất thế giới được sử dụng riêng làm khách sạn. Ảnh: Getty Images.

Từ năm 2004, sân bay đã trở thành điểm đến lý tưởng cho các sự kiện thể thao độc đáo. Huyền thoại golf Tiger Woods từng thực hiện cú phát bóng kinh điển tại đây trước thềm giải Dubai Desert Classic, tạo tiếng vang lớn cho sân bay này.

Năm 2005, huyền thoại quần vợt Andre Agassi và ngôi sao Roger Federer đã có trận đấu tennis giao hữu trên sân bay trực thăng với khung cảnh toàn thành phố Dubai làm nền. Trận đấu nhanh chóng trở thành biểu tượng cho sự giao thoa giữa thể thao và những trải nghiệm đỉnh cao.

Federer đã quay trở lại vào năm 2012 để thi đấu cùng đối thủ Novak Djokovic, khiến sân bay trực thăng Burj al Arab trở thành nơi chứng kiến những khoảnh khắc thể thao đầy ngoạn mục.

tennis-court-at-the-top-of-burj-al-arab-3.jpg
Trận đấu tennis giao hữu trên sân bay trực thăng với khung cảnh toàn thành phố Dubai làm nền. Ảnh: Getty Images.

Không chỉ là sân chơi cho các ngôi sao thể thao, sân bay trực thăng này còn là nơi diễn ra những màn trình diễn hàng không đầy táo bạo.

Vào năm 2013, chiếc xe đua F1 của tay đua David Coulthard đã được đưa lên sân bay để thực hiện màn “xoay vòng” trên diện tích nhỏ hẹp – một kỳ tích đòi hỏi sự tính toán và phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên gia hàng không và kỹ sư.

“Đây là một trong những thử thách khó khăn nhất mà chúng tôi từng đối mặt”, ông Anthony Costa, cựu Giám đốc điều hành của Burj al Arab, cho biết.

230315121754-czepiela-plane-landing-burj-al-arab-helipad-top.jpg
Phi công người Ba Lan Lukasz Czepiela đã trở thành người đầu tiên hạ cánh máy bay xuống bãi đáp trực thăng của khách sạn biểu tượng Burj Al Arab Jumeirah ở Dubai. Ảnh: Red Bull.

Một cột mốc đáng nhớ khác diễn ra vào năm 2023, khi phi công người Ba Lan Lukasz Czepiela trở thành người đầu tiên hạ cánh máy bay lên sân bay trực thăng này.

Để thực hiện cú hạ cánh chính xác trên một diện tích giới hạn, Czepiela đã phải điều khiển chiếc phi cơ của mình với kỹ thuật điêu luyện và sự chính xác tuyệt đối.

Thành tựu này đã ghi thêm một kỷ lục hàng không cho sân bay trực thăng Burj al Arab, khẳng định vị thế độc đáo của nó trong mắt giới chuyên môn.

Bữa tiệc xa hoa trên không trung

Ngoài các màn trình diễn ngoạn mục, sân bay trực thăng Burj al Arab còn được biết đến như một địa điểm tổ chức các sự kiện xa hoa trên không.

Từ năm 2014, khách sạn đã giới thiệu gói cưới đặc biệt tại đây với chi phí khởi điểm từ 55.000 USD, mang lại trải nghiệm bay trên cao đầy lãng mạn. Không gian hôn lễ được thiết kế riêng bởi các “kiến trúc sư đám cưới” chuyên nghiệp, tạo nên những buổi lễ xa hoa với khung cảnh toàn thành phố Dubai trải dài dưới chân.

dubai.png
Sân bay trực thăng có tầm nhìn bao quát toàn cảnh đường chân trời của Dubai. Ảnh: Jumeirah Burj Al Arab.

Không chỉ có đám cưới, sân bay này còn là nơi tổ chức các buổi tiệc cá nhân đầy phong cách. Costa nhớ lại một sự kiện đặc biệt: “Chúng tôi từng sơn lại sân bay với dòng chữ ‘Happy Birthday’ và tên của một vị khách, để vị khách có thể nhìn thấy từ trên cao khi hạ cánh. Đó là một trong những khoảnh khắc đẹp nhất mà chúng tôi từng chứng kiến”.

Với những màn trình diễn mạo hiểm, kỷ lục hàng không ấn tượng và các sự kiện đẳng cấp, sân bay trực thăng Burj al Arab không chỉ là điểm hạ cánh cho trực thăng mà còn là biểu tượng của sự xa hoa, sáng tạo và tinh thần chinh phục đỉnh cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sân bay trực thăng Burj Al Arab và những kỷ lục trên không
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO