Văn minh hàng không

Sân bay thường có bao nhiêu đường cất hạ cánh?

Thu Trang 01/08/2024 14:09

Tùy thuộc lưu lượng hành khách, số chuyến bay, năng lực điều hành của không lưu, mỗi sân bay sẽ có số lượng đường cất hạ cánh (đường băng) khác nhau.

Một sân bay có thể có nhiều đường cất hạ cánh, bao gồm đường cất hạ cánh chính và đường cất hạ cánh phụ. Đường cất hạ cánh chính được sử dụng nhiều nhất và thường có kích thước lớn hơn cất hạ cánh phụ.

Trong quá trình sử dụng, đường cất hạ cánh phải được bảo trì và kiểm tra thường xuyên để đảm bảo an toàn cho các chuyến bay. Nếu có bất kỳ vấn đề gì xảy ra với đường cất hạ cánh, sân bay sẽ phải hoãn hoặc hủy chuyến bay để đảm bảo an toàn cho hành khách và phi hành đoàn.

opensky_an
Một sân bay có thể có nhiều đường cất hạ cánh. Ảnh: Phan Công.

Điển hình, đường cất hạ cánh và đường lăn sân bay Vinh thường xuyên xảy ra hiện tượng lún, bong bật, xuất hiện phùi bùn, nước trên mặt đường do lớp nền yếu và ngậm nước. Sự cố bong bật bê tông nhựa vào tháng 7/2023 dẫn đến phải đóng cửa đường cất hạ cánh.

Do đó, mới đây Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chấp thuận danh mục cho phép chuẩn bị đầu tư dự án cải tạo, sửa chữa đường cất, hạ cánh, đường lăn Cảng hàng không quốc tế Vinh (Nghệ An).

Nơi tàu bay lên xuống

Đường cất hạ cánh là một phần quan trọng của sân bay, thường có độ dài và chiều rộng khác nhau, phụ thuộc vào kích thước của máy bay mà nó phục vụ.

logan-international-airport-32557.jpg
Một sân bay có thể có nhiều đường cất hạ cánh. Ảnh: Stantec.

Mặt đường cất hạ cánh được xây dựng bằng vật liệu chịu lực và chống thấm nước như bê tông hoặc bê tông nhựa hay nhựa đường… giúp đảm bảo an toàn khi các máy bay di chuyển trên đó. Chúng cũng được thiết kế với các đèn tiêu chuẩn và hệ thống cảnh báo để hỗ trợ cho các phi công trong quá trình cất cánh và hạ cánh.

Vị trí của đường cất hạ cánh chính thường nằm ở khu vực trung tâm của sân bay, gần nhất với nhà ga và các khu vực phục vụ khách hàng. Trong khi đó, đường cất hạ cánh phụ thường được xây dựng ở các vị trí xa hơn, để giảm thiểu tình trạng ùn tắc trên đường cất hạ cánh chính và tăng cường khả năng phục vụ cho các máy bay.

Tổng thể, vị trí của đường cất hạ cánh trong sân bay được thiết kế sao cho thuận tiện cho việc di chuyển các máy bay và đảm bảo an toàn cho các chuyến bay.

Tuỳ theo hướng gió thổi, mỗi sân bay sẽ chọn hướng xây đường cất hạ cánh khác nhau. Máy bay cất cánh ngược chiều gió sẽ có lực nâng tốt hơn. Ngược lại máy bay hạ cánh ngược chiều gió cũng tận dụng được lực cản lớn để giảm tốc độ.

Khi xây đường cất hạ cánh Nội Bài, các kỹ sư đã đo hướng gió thổi là Đông - Đông Nam, tương ứng với góc 110 độ nên 2 đường cất hạ cánh Nội Bài có số hiệu 11L và 11R.

z62_7891-1-.jpg
Biển báo chỉ đường cất hạ cánh ở cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Ảnh: Thắng Nguyễn.

Do 2 đầu đường cất hạ cánh tạo thành góc 180 độ, số hiệu chênh nhau là 18 đơn vị.

Trong trường hợp gió thổi từ hướng Đông - Đông Nam, máy bay hạ cánh ở đường cất hạ cánh 11L. Trường hợp gió thổi hướng Tây - Tây Bắc, máy bay hạ cánh theo chiều 29L và 29R.

Chính vì vậy, tại Nội Bài có cặp đường cất hạ cánh 11L/29R và 11R/29L.

Tương tự, sân bay Changi (Singapore) có 3 đường cất hạ cánh với số hiệu 2C/20C, 2L/20R, 2R/20L. Sân bay Frankfurt (Đức) có 4 đường cất hạ cánh với số hiệu 7R/25L, 18/36, 7L/25R, 7C/25C.

Tại sao sân bay có nhiều đường băng?

Các sân bay thường có nhiều hơn một đường cất hạ cánh vì chúng cho phép tiếp nhận nhiều chuyến bay hơn và có thể xử lý gió đổi hướng tốt hơn.

Việc sân bay có nhiều đường cất hạ cánh giống như các xa lộ nhiều làn. Bằng cách có nhiều làn hơn, các xa lộ có thể xử lý được nhiều ôtô và xe tải hơn.

Thiết kế chưa có tên (4)
Sân bay Amsterdam Schiphol có 6 đường cất hạ cánh. Ảnh: Snelweg_A15/Infinite Flight Community.

Tại Hà Lan, sân bay Amsterdam Schiphol có tới 6 đường băng. Những đường cất hạ cánh tại đây không song song mà giao cắt với nhau, cho phép các chuyến bay tiếp cận với gió thổi từ mọi hướng và máy bay không phải di chuyển quá xa.

Theo báo cáo thường niên của Royal Schiphol Group, năm 2023 sân bay này kết nối với 327 điểm đến trực tiếp và phục vụ hơn 71,7 triệu hành khách, và 1,4 triệu tấn hàng.

Tại Việt Nam, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất có hai đường cất hạ cánh song song. Trong đó, đường cất hạ cánh 07L/25R dài 3.048 m rộng 45 m, đường cất hạ cánh 07R/25L dài 3.800 m rộng 45 m. Sân bay có thể phục vụ các chuyến bay của loại máy bay code E như Boeing B747-400, B787, Airbus A350...

Tương tự, sân bay quốc tế Nội Bài cũng có hai đường cất hạ cánh được gọi là 11L/29R và 11R/29L. Hai đường cất hạ cánh này nằm cách nhau 250 m (tính từ trung tâm của mỗi đường) và không được sử dụng đồng thời cho việc cất hạ cánh. Đường cất hạ cánh 11L/29R có chiều dài 3200 m và chiều rộng 45 m. Đường cất hạ cánh 11R/29L có chiều dài 3800 m và chiều rộng 45 m.

opensky_mm
Sân bay quốc tế Nội Bài cũng có hai đường cất hạ cánh nằm cách nhau 250m. Ảnh: Phan Công.

Ngược lại, với lưu lượng khách ít hơn, sân bay quốc tế Vân Đồn chỉ có một đường cất hạ cánh có kích thước 3.600 m x 45 m, hướng 03-21, đạt chuẩn ILS CAT II.

Mới đây, chủ đầu tư hạng mục nhà ga và đường cất hạ cánh sân bay Long Thành cũng đề xuất triển khai xây dựng đường cất hạ cánh số 2 trong giai đoạn 1. Chủ đầu tư đánh giá việc có 2 đường cất hạ cánh sẽ dự phòng cho tình huống một đường cất hạ cánh gặp trục trặc, đặc biệt với sân bay có công suất lớn như Long Thành.

Cách bảo trì đường cất hạ cánh

Đường cất hạ cánh là một mắt xích quan trọng của sân bay. Việc duy trì an toàn trên đường cất hạ cánh là một quá trình phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa phi hành đoàn và nhân viên sân bay.

Vết cao su đen dính trên đường cất hạ cánh và vật thể lạ là hai trường hợp điển hình nhất.

Khi máy bay tiếp đất ở tốc độ cao, lốp máy bay ma sát mạnh với bề mặt đường băng, tạo ra nhiệt độ cao khiến cao su bám chắc vào mặt đất. Theo thời gian, lớp cao su này tích tụ dày lên, tạo thành những vết đen giống như vệt phanh gấp của ôtô.

Chúng bám trên đường băng lâu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình hạ cánh của máy bay. Hệ số ma sát giữa lốp máy bay và đường cất hạ cánh giảm, làm tăng nguy cơ máy bay bị trượt khi hạ cánh.

 Thắng Nguyễn.
Xe tải MAN TGM 26.320 gắn thiết bị xử lý chuyên dụng để tẩy các vệt lốp càng đáp máy bay trên đường băng. Ảnh: Thắng Nguyễn.

Để giải quyết vấn đề này, các sân bay sử dụng xe tẩy đường băng, sử dụng dòng nước áp lực cao để loại bỏ vệt cao su.

Ngoài ra, các phương pháp khác cũng được áp dụng như dùng máy mài để loại bỏ lớp cao su, hoặc dung môi hữu cơ hay xăng để hòa tan và lau sạch lớp keo. Đối với các lớp cao su "cứng đầu", nhân viên có thể dùng đèn khò hơ nóng để làm mềm lớp keo trước khi xử lý, giúp việc loại bỏ dễ dàng hơn.

Nơi cất hạ cánh là khu vực ngoài trời, dễ xuất hiện các vật thể lạ như đá, mảnh kim loại. Máy bay va phải đá khi hạ cánh có thể chệch hướng và gặp nguy hiểm. Các vật thể nhỏ có thể bị hút vào động cơ, gây hỏng hóc nghiêm trọng.

Hiện nay, nhiều cảng hàng không triển khai hệ thống phát hiện vật thể lạ (Foreign Object Debris - FOD). Hệ thống này sử dụng công nghệ radar và nhận dạng hình ảnh video để giám sát đường cất hạ cánh, phát hiện và chụp ảnh các vật thể lạ, sau đó tải lên trung tâm chỉ huy và đưa ra cảnh báo.

Trong trường hợp đường cất hạ cánh bị xuống cấp, hết tuổi thọ theo thiết kế, Bộ GTVT sẽ xem xét việc sửa chữa triệt để.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sân bay thường có bao nhiêu đường cất hạ cánh?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO