Sân bay quốc tế Paro (Bhutan) được coi là một trong những nơi hạ cánh máy bay khó nhất về mặt kỹ thuật.
Yếu tố khó khăn đầu tiên, đường băng của Paro chỉ dài 2.226 m và được bao quanh bởi hai ngọn núi cao. Do đó, phi công chỉ có thể nhìn thấy đường băng từ trên không khi họ sắp hạ cánh xuống đó.
Việc điều khiển máy bay trên đường băng ngắn giữa hai đỉnh núi cao 5.486 m đòi hỏi cả kiến thức kỹ thuật và thần kinh thép. Sự độc đáo của địa hình khiến sân bay không tiếp nhận máy bay phản lực cỡ lớn.
Sân bay và điều kiện đầy thách thức của nó làm tăng thêm sự hấp dẫn quanh chuyến du lịch đến Bhutan, một vương quốc ở chân núi Himalaya với khoảng 800.000 dân.
“Đây là một thách thức đối với kỹ năng của phi công, nhưng không nguy hiểm. Vì nếu nguy hiểm, tôi đã không bay”, Cơ trưởng Chimi Dorji, người đã làm việc tại hãng hàng không quốc gia Bhutan Druk Air (hay còn gọi là Royal Bhutan Airlines) trong 25 năm cho biết.
Thứ hai, sân bay này không có radar, nên phi công phải hạ cánh thủ công. Paro là sân bay loại C, có nghĩa là phi công phải được đào tạo đặc biệt để bay đến đó. Theo Dorji, điều quan trọng là phi công phải biết địa hình xung quanh sân bay, chỉ cần lệch một chút, máy bay có thể hạ cánh trên nóc nhà của ai đó.
Bhutan nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ, có hơn 97% là núi. Thủ đô Thimpu của Bhutan cao 2.350 m so với mực nước biển, nhưng Paro thấp hơn một chút với độ cao 2.250 m.
Theo Dorji, càng lên cao không khí càng loãng, vì vậy máy bay di chuyển tốc độ cao hơn nhiều so với phương tiện trên mặt đất. Điều này đồng nghĩa với việc hạ cánh ở sân bay cao hơn nhiều so với mực nước biển khó hơn bình thường.
Thứ ba là biến số thời tiết. Các chuyến bay đến Paro hầu hết hoạt động vào buổi sáng để đảm bảo điều kiện tối ưu về gió và luồng nhiệt. Đặc biệt, không có chuyến bay đêm nào ở Paro, bất kể trong mùa nào do thiếu radar. Mùa mưa bão thường bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 8, đi kèm với giông bão, mưa đá có thể to bằng quả bóng chơi golf.
Hiện, các chuyến bay quốc tế đến Paro có từ New Delhi (Ấn Độ), Bangkok (Thái Lan) và Kathmandu (Nepal).
Mặc dù Bhutan chỉ có vài chục phi công được cấp phép, quốc gia này vẫn mong muốn tuyển dụng và đào tạo thêm nhiều phi công trẻ trong nước, thay vì chỉ tuyển từ nước ngoài. Những phi công đầy triển vọng phải chứng minh khả năng bay của mình trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Bhutan.
“Hiện nay chỉ có 50 phi công được cấp phép ở Bhutan, nhưng con số đó có thể tăng gấp đôi trong vài năm tới và tôi rất mong chờ điều đó”, Dorji nói.