Chính sách

Quy hoạch Đồng Nai đi đầu phát triển kinh tế hàng không

Thắng Nguyễn 04/07/2024 17:05

Tỉnh Đồng Nai trong thời gian tới tập trung khai thác vị trí trung tâm giao thương của vùng và hệ thống cảng hàng không, cảng biển.

Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phê duyệt ngày 3/7 nêu rõ đến năm 2030 Đồng Nai trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại, tốc độ tăng trưởng cao, vượt qua ngưỡng thu nhập cao trong nhóm đầu của cả nước.

Tỉnh phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) bình quân khoảng 10% mỗi năm, đến năm 2030 đạt khoảng 14.650 USD/người và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thông minh, hiện đại vào năm 2050.

d1431f19bf577d092446-1665663054544601594618.jpg
Sân bay Long Thành là điểm nhấn trong Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ tới. Ảnh: Báo Chính phủ.

Để đạt được mục tiêu này, Đồng Nai cần thực hiện nhiều giải pháp như đi đầu trong phát triển kinh tế hàng không, công nghiệp công nghệ cao, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong đó, việc xây dựng đô thị sân bay, đô thị sinh thái đẳng cấp quốc tế là hướng phát triển hạ tầng của tỉnh để đón lợi ích từ sân bay Long Thành mang lại.

Một trong những điểm mấu chốt trong bản Quy hoạch tỉnh Đồng Nai là phát triển dịch vụ trở thành ngành kinh tế quan trọng. Trong lĩnh vực này, dịch vụ thương mại, logistics, du lịch… được chú trọng.

Chính phủ muốn Đồng Nai tăng cường liên kết vùng, quốc gia và quốc tế, với vai trò là một trong những trung tâm giao thương quan trọng của Đông Nam Bộ. Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sân bay lưỡng dụng Biên Hòa, cảng biển Phước An là cơ sở để tỉnh để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, sản xuất công nghiệp, thương mại điện tử và vận chuyển hành khách.

Đồng Nai thời gian tới cũng cần chủ động hội nhập, tận dụng khai thác thế mạnh trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia, từ đó phát triển hệ thống vận tải đa phương thức cùng các dịch vụ logistics. Tỉnh cần tận dụng thế mạnh địa phương để phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị (MICE)...

Sân bay Long Thành rộng 5.000 ha, tổng mức đầu tư 336.630 tỷ đồng, được chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 bắt đầu khai thác từ cuối năm 2025, sân bay Long Thành có công suất phục vụ 25 triệu hành khách và 1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Khi hoàn thành toàn bộ, sân bay Long Thành có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Quy hoạch Đồng Nai đi đầu phát triển kinh tế hàng không
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO