'Năm 2023 các hãng hàng không có 223 máy bay, nay chỉ còn 173 chiếc'
Theo Chủ tịch Vietnam Airlines, hàng loạt khó khăn khiến đội máy bay của các hãng hàng không trong nước giảm mạnh, từ 223 chiếc năm 2023, tới quý 1/2024 chỉ còn 173 chiếc, giảm 25%.
Chia sẻ tại hội nghị điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ sáng 14.3, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, cho biết dù ảnh hưởng của dịch Covid-19 rất lớn, song thị trường hàng không đang phục hồi.
Trong năm 2023, dù chưa được như trước đại dịch, song nhờ sự hỗ trợ quyết liệt của Chính phủ, như chính sách visa, đã giúp Vietnam Airlines phục hồi khoảng 80 - 90% so với trước dịch (năm 2019).
Lãnh đạo Vietnam Airlines cũng cho biết nhiều yếu tố tác động tới ngành hàng không như xung đột địa chính trị tại Trung Đông, Nga - Ukraine, khiến chi phí tăng lên rất cao. So với đỉnh điểm năm 2023, các hãng hàng không cả nước có 223 máy bay, thì nay đã giảm 25%, quý 1/2024 chỉ còn 173 máy bay.
Ngoài lý do phải thu hồi máy bay để sửa chữa, một số hãng khó khăn, do chủ nợ siết nợ, đưa máy bay về nước ngoài.
Cho rằng mức lãi suất cho vay vẫn cao và rất khó tiếp cận, ông Hòa kiến nghị có thể hỗ trợ được lãi suất cho vay, đặc biệt là lãi suất cho vay trung và dài hạn. Về tỷ giá, thay đổi 1% thì chi phí tăng thêm của Vietnam Airlines là 300 tỉ đồng, thay đổi 5% thì chi phí tăng thêm 1.500 tỉ đồng. Do đó, hãng mong muốn tỷ giá ổn định ở mức thấp nhất có thể.
"Trong đề án tái cơ cấu, Vietnam Airlines có giải pháp tăng vốn điều lệ trong năm nay. Rất mong Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các định chế tài chính để hỗ trợ phần tăng vốn này…", Chủ tịch Vietnam Airlines nói và dẫn chứng Temasek của Singapore hỗ trợ vay vốn kích cầu cho Singapore Airlines 15 tỉ USD.
Ông Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), thì cho rằng việc điều hành chính sách tiền tệ giữ rất vai trò rất quan trọng, đặc biệt trong điều kiện tỷ lệ dư nợ tín dụng trên GDP là một trong những nước cao nhất thế giới.
Với Petrovietnam, cơ cấu khoản tín dụng trong toàn tập đoàn hợp nhất đến nay khoảng 240.000 tỉ đồng. Nếu tăng 1% lãi suất thì chi phí vốn của tập đoàn sẽ tăng lên khoảng 2.400 tỉ đồng/năm.
Do đó, việc cơ cấu lại vốn, tài chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc biệt trong các dự án đầu tư của Petro Việt Nam rất quan trọng, giúp giảm chi phí sử dụng vốn bình quân trong từng dự án.
Petrovietnam đang trong quá trình đàm phán với các ngân hàng để tái cấu trúc lại các khoản vay này, bằng các khoản vay mới có chi phí vốn sử dụng bình quân thấp hơn, giúp cho chi phí sản xuất kinh doanh của công ty liên doanh này tối ưu hơn, từng bước vượt qua khó khăn.
"Trong điều kiện thị trường khó khăn, khi các doanh nghiệp sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, chúng ta cần phải áp dụng các mô hình như là mô hình lợi nhuận trước lãi vay và khấu hao để cân đối, tính toán việc sản xuất kinh doanh và tối ưu các chi phí, trong đó có chi phí tài chính, thông qua việc tái cấu trúc các nguồn vốn sử dụng cho doanh nghiệp", ông Hùng nêu.
Theo kế hoạch 2021 - 2025, Petrovietnam có kế hoạch huy động khoảng 250.300 tỉ đồng từ tín dụng để cho đầu tư phát triển. Lãnh đạo tập đoàn này đề nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giữ chính sách về lãi suất tối ưu và ổn định.
Dư nợ vay ngoại tệ của PVN là 38.000 tỉ đồng, tương đương khoảng 1,5 tỉ USD. Do đó, biến động và rủi ro tỷ giá ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn.
Cạnh đó, các dự án đầu tư của Petrovietnam có quy mô rất lớn, khối lượng vay rất lớn như dự án Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn lên đến gần 5 tỉ USD…
"Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ các ngân hàng, đặc biệt là với các tập đoàn lớn, các dự án lớn, nâng trần hạn mức cho vay. Đồng thời, các dự án siêu lớn có thể tiếp cận và sử dụng nguồn tín dụng trong nước", ông Hùng đề xuất.