Vietnam Airlines báo lãi kỷ lục quý I là nhờ đâu?
Giá vé nội địa neo cao, bay quốc tế phục hồi, Pacific Airlines trả tàu bay kéo theo doanh thu và lợi nhuận của hãng hàng không Vietnam Airlines “cất cánh” trong 3 tháng đầu năm.
Hãng hàng không Vietnam Airlines công bố kết quả kinh doanh quý I với doanh thu gần 28.300 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức doanh thu trong một quý cao nhất kể từ khi Vietnam Airlines chuyển mô hình thành công ty cổ phần từ năm 2015.
Tổng doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines (bao gồm doanh thu thuần, doanh thu hoạt động tài chính và thu nhập khác) đạt hơn 31.700 tỷ đồng, tăng trưởng 32,8% so với cùng kỳ năm 2023; lợi nhuận sau thuế đạt 4.441 tỷ đồng, chấm dứt chuỗi 16 quý thua lỗ liên tiếp.
Lãi lớn từ quốc tế và thu nhập đột biến từ Pacific Airlines
Nguồn thu của Vietnam Airlines tăng mạnh trong bối cảnh thị trường hàng không thiếu máy bay, nhu cầu đi lại dịp cao điểm tết lớn đẩy giá vé máy bay nội địa lên cao. Bamboo Airways, đối thủ cạnh tranh trực tiếp với phân khúc khách hàng ở thị trường trong nước của Vietnam Airlines vài năm gần đây, hiện đã suy yếu phải thực hiện tái cấu trúc.
Trong quý I/2024, doanh thu vận tải hàng không quốc tế của Vietnam Airlines đạt hơn 13.800 tỷ đồng, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, giá vốn hàng bán tăng ít hơn doanh thu giúp công ty lãi gộp hơn 4.000 tỷ đồng trong quý vừa qua, gấp đôi cùng kỳ năm 2023.
Cùng với việc thị trường hồi phục, Vietnam Airlines cũng ghi nhận khoản thu khác tới 3.630 tỷ đồng phát sinh từ việc xóa nợ theo thỏa thuận trả tàu bay của công ty con Pacific Airlines.
Trước đó, do tình hình tài chính khó khăn, dòng tiền thiếu hụt, nợ quá hạn lớn đe dọa mất khả năng thanh toán, Vietnam Airlines cùng các cổ đông đã quyết định trả hết toàn bộ đội tàu bay của Pacific Airlines để đạt được thỏa thuận xóa nợ từ các bên cho thuê tàu bay.
Với việc trả lại toàn bộ 6 tàu bay Airbus A320, Pacific Airlines đã được các bên cho thuê xóa khoản nợ 220 triệu USD (khoảng 5.000 tỷ đồng). Không sở hữu bất kỳ tàu bay nào, hãng hàng không giá rẻ này buộc phải nhờ đến sự “cứu trợ” từ công ty mẹ là Vietnam Airlines.
Theo lộ trình tái cấu trúc đội bay, Pacific Airlines sẽ thuê khô (chỉ thuê tàu bay) 3 tàu bay từ Vietnam Airlines. Đây cũng là điều kiện tối thiểu với một hãng hàng không để duy trì giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không theo quy định của pháp luật.
Xu thế chung toàn ngành cùng nỗ lực tái cơ cấu
Ngoài ra, Vietnam Airlines cũng sẽ hỗ trợ và phối hợp với công ty con trong việc sử dụng chung một số cơ sở hạ tầng, nguồn lực phục vụ hành khách như quầy thủ tục, phương tiện phục vụ mặt đất…
Đại diện Pacific Airlines cho biết tái cơ cấu doanh nghiệp là một trong những giải pháp tự thân hữu hiệu, được nhiều hãng bay trên thế giới và trong nước áp dụng trong bối cảnh ngành hàng không phải đương đầu với những ảnh hưởng nặng nề và dai dẳng mà đại dịch Covid-19 để lại.
Bên cạnh đó việc Vietnam Airlines nâng cấp chất lượng dịch vụ và chuyển đổi số đã giúp gia tăng phân khúc khách thu nhập cao. Tổng số khách của Vietnam Airlines trong quý I đạt hơn 5,74 triệu lượt khách, tăng trưởng 12,7% so với cùng kỳ năm 2023. Tỷ lệ lấp đầy chuyến bay của Vietnam Airlines là 86% với thị trường nội địa, 80% với thị trường quốc tế, đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh xu thế chung toàn ngành cùng nỗ lực tái cơ cấu, Vietnam Airlines thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng đội bay và nguồn nhân lực, tăng tải cung ứng, thuê ướt (thuê cả tàu bay lẫn nhân lực phục vụ) nhằm đáp ứng nhu cầu hành khách, cắt giảm tối đa chi phí, đàm phán giảm giá dịch vụ và lãi suất…
Lý giải kết quả kinh doanh tăng đột biến, đại diện hãng hàng không quốc gia cho hay quý I hàng năm là giai đoạn kinh doanh cao điểm trong ngành hàng không. Nhờ thị trường vận tải phục hồi mạnh, Vietnam Airlines đã khôi phục lại toàn bộ mạng bay nội địa và hầu hết các đường bay quốc tế đã được khai thác, tăng tần suất bay và mở thêm các đường bay mới.
Báo lãi kỷ lục, lỗ luỹ kế vẫn hơn 36.700 tỷ đồng
Ghi nhận lợi nhuận sau thuế ở mức kỷ lục 4.441 tỷ đồng nhưng tính đến hết ngày 31/3, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines vẫn âm hơn 12.500 tỷ đồng. Chính vì vậy chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của hãng vẫn âm 35,36%. Tổng nợ vay tài chính của hãng ở mức hơn 24.400 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản hơn 56.300 tỷ đồng.
Nhiều tổ chức tài chính đánh giá triển vọng kinh doanh của các hãng hàng không, bao gồm Vietnam Airlines, sẽ tiếp tục ở mức tích cực trong thời gian tới khi thị trường bước vào cao điểm du lịch hè và tình trạng thiếu hụt tàu bay khiến giá vé neo ở mức cao.
Trên thị trường chứng khoán, nối mạch dài hưng phấn sau khi công bố lợi nhuận quý I/2024 cao kỷ lục, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines ngày 7/5 có phiên tăng điểm thứ ba liên tiếp để leo lên mức 20.450 đồng, qua đó xác lập vùng giá cao nhất hai năm. Ngoài ra, HVN còn ghi nhận khối lượng khớp lệnh lớn với hơn 13,29 triệu cổ phiếu (tương ứng 275 tỷ đồng).
Trong đợt cao điểm nghỉ lễ 30/4-1/5, Vietnam Airlines cung ứng khoảng 2.900 chuyến bay với 575.000 ghế để phục vụ nhu cầu di chuyển của hành khách. Ngoài ra hãng còn mở bán tăng cường hơn 2.000 chuyến bay khai thác vào khung giờ giờ muộn từ sau 21h hàng ngày để thêm lựa chọn cho hành khách trong bối cảnh tải cung ứng giảm do ảnh hưởng của việc triệu hồi động cơ.