Tàu bay

Nỗi ám ảnh dị vật trên đường băng từ thảm họa Concorde

Thắng Nguyễn 19/07/2024 05:07

24 năm trước, chiếc Concorde bị rơi khiến toàn bộ 109 người trên máy bay thiệt mạng, đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên máy bay thương mại siêu thanh.

Vụ rơi máy bay Concorde ngày 25/7/2000 là một tai nạn hàng không bi thảm. Chiếc máy bay mang số hiệu 4590 của Air France cất cánh từ sân bay Charles de Gaulle ở Paris (Pháp) đã bốc cháy ngay sau khi cất cánh.

Dải kim loại là thủ phạm

Vụ tai nạn đáng tiếc đã gây nỗi ám ảnh về các vật ngoại lai (Foreign Object Debris- FOD) trên đường cất hạ cánh cho ngành hàng không thế giới.

Chuyến bay 4590 chở hầu hết khách du lịch Đức đến Nam Mỹ. Khi gần đạt tốc độ cất cánh, chiếc Concorde va phải một dải kim loại mỏng trên đường băng, khiến một trong các lốp của nó bị nổ.

Các mảnh vỡ đã va chạm vào cánh của máy bay với vận tốc lớn, tạo ra làn sóng xung kích cực mạnh bên trong khoang nhiên liệu. Khi máy bay tiếp tục bay lên, nhiên liệu bắt đầu bị rò rỉ.

fire-flight-air-france-engine-paris-plane-july-25-2000.jpg
Chiếc máy bay siêu thanh bốc cháy khi đang tăng tốc cất cánh. Ảnh: Getty Images.

Một trong các động cơ bốc cháy làm suy giảm nghiêm trọng khả năng hoạt động và độ ổn định của máy bay. Tổ bay đã cố gắng lấy lại cân bằng, nhưng tình hình nhanh chóng vượt ngoài tầm kiểm soát.

Bị mất điện và không thể điều khiển, tổ bay đã cố gắng đưa máy bay quay trở lại sân bay Charles de Gaulle để hạ cánh khẩn cấp. Tuy nhiên, máy bay không thể đạt đủ độ cao. Các động cơ lần lượt ngừng hoạt động.

Chiếc Concorde đâm vào một khách sạn ở thị trấn Gonesse gần đó. Máy bay bốc cháy khi va chạm. Toàn bộ 100 hành khách và 9 người thuộc phi hành đoàn thiệt mạng.

Cuộc điều tra của nhà chức trách Pháp chỉ ra dải kim loại trên đường băng được phát hiện là một bộ phận động cơ phản lực rơi ra từ chiếc máy bay DC-10 của hãng hàng không Continental Airlines vừa cất cánh vài phút trước đó.

Động cơ chiếc DC-10 mới được thay thế trong đợt bảo dưỡng định kỳ. Người thợ thực hiện công việc này đã sử dụng một dải hợp kim có hàm lượng titan 90% trong khi phải dùng thép không gỉ như nhà sản xuất chỉ định.

Những chuyên gia hàng không cho rằng bản kết luận điều tra bỏ qua nhiều chi tiết quan trọng có thể gây ra vụ tai nạn. Máy bay đã vượt quá trọng lượng cất cánh khuyến nghị và thiếu miếng đệm trong cơ cấu càng đáp.

Ngoài ra đã có sự thay đổi hướng gió trước khi cất cánh, dẫn đến gió giật không mong muốn. Trong quá trình điều tra, có giả thuyết cho rằng tổ lái đã tắt động cơ số hai (Concorde có 4 động cơ) sớm hơn so với quá trình khai thác tiêu chuẩn (Standard Operating Procedure - SOP) khiến máy bay không đủ tốc độ để lấy độ cao cần thiết.

Năm 2010, tòa án ở Pháp đã ra phán quyết rằng Continental Airlines (lúc này đã sáp nhập với United Airlines) và thợ máy của hãng đã phạm tội ngộ sát không tự nguyện, với lý do tay nghề kém và sử dụng vật liệu không phù hợp.

Tòa án đã bác bỏ tuyên bố của các luật sư bào chữa rằng đám cháy đã bắt đầu trước khi lốp chạm vào dải kim loại. Tòa phúc thẩm đã hủy bỏ các bản án hình sự hai năm sau đó nhưng vẫn giữ nguyên mức phạt đối với hãng hàng không Mỹ.

180227155525-concorde-getty1.jpg
Concorde từng là biểu tượng của ngành hàng không. Ảnh: CNN.

Vụ tai nạn là một đòn giáng mạnh vào ngành hàng không Anh và Pháp, dẫn đến việc đội máy bay Concorde phải ngừng hoạt động ngay lập tức. Cuộc điều tra về vụ tai nạn đã tiết lộ những sai sót nghiêm trọng về thiết kế trong khoang nhiên liệu và các biện pháp an toàn của máy bay.

Sự thoái trào của Concorde

Sau vụ tai nạn, phi đội Concorde đã có những sửa đổi để giải quyết các lỗ hổng thiết kế. Máy bay được phép quay trở lại hoạt động vào năm 2001. Tuy nhiên, vụ tai nạn đã có tác động lâu dài đến nhận thức của công chúng. Mối quan tâm của hành khách đến các chuyến bay tốc độ siêu thanh bắt đầu giảm dần.

Vụ tai nạn trên chuyến bay 4590 của Air France là một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của các biện pháp an toàn trên đường cất hạ cánh, nơi chỉ một dị vật nhỏ cũng có thể gây ra những tai nạn thảm khốc.

Concorde là máy bay chở khách siêu âm đầu tiên ra đời từ sự hợp tác giữa Anh và Pháp. Máy bay thực hiện chuyến bay xuyên Đại Tây Dương đầu tiên vào ngày 26/9/1973 và khai trương dịch vụ chở khách siêu thanh đầu tiên trên thế giới vào ngày 21/1/1976.

British Airways ban đầu sử dụng Concorde cho những chuyến bay từ London (Anh) đến Bahrain trong khi hãng Air France sử dụng để bay từ Paris (Pháp) đến Rio de Janeiro (Brazil).

Cả hai hãng hàng không đều thiết lập đường bay thường lệ bằng Concorde đến Washington, D.C. (Mỹ) vào tháng 5/1976 và đến New York (Mỹ) vào tháng 11/1977.

passenger-transport-service-airframe-aerospatiale-france-engines-1976.jpg
Chiếc Concorde được trưng bày tại sân bay tại Pháp như lời nhắc nhở về việc đảm bảo an toàn trên đường băng. Ảnh: Britannica.

Tuy nhiên, tiếng ồn và chi phí vận hành của máy bay đã hạn chế khả năng hoạt động của nó. Tổn thất tài chính khiến cả hai hãng hàng không phải cắt giảm đường bay.

Cuối cùng New York trở thành điểm đến thường lệ duy nhất của 2 hãng bay. Air France chấm dứt hoạt động của Concorde vào tháng 5/2003. British Airways làm điều tương tự vào tháng 10/2003, đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên máy bay thương mại siêu thanh. Chỉ có 14 chiếc Concorde thực sự được đưa vào sử dụng.

Dù di sản bị lu mờ bởi bi kịch tháng 7/2000, Concorde vẫn là tàu bay mang tính biểu tượng cho sự sang trọng của hàng không vào thời đó. Nó cũng đại diện cho sự tiến bộ và thành tựu công nghệ của ngành hàng không.

Thắng Nguyễn