Sân bay Ấn Độ tăng gấp đôi công suất lắp đặt điện mặt trời
Sân bay quốc tế Cochin (CIAL) ở Ấn Độ sẽ tăng gấp đôi công suất lắp đặt điện mặt trời trong 5-10 năm tới, nhằm giảm lượng phát thải carbon dioxide và khí nhà kính.
Tại cuộc họp lần thứ 8 của Tiểu nhóm Khai thác và Quy hoạch Cảng hàng không (Eighth Meeting of the Aerodromes Operations and Planning Sub-Group) đang diễn ra tại trụ sở ICAO châu Á - Thái Bình Dương ở Bangkok (Thái Lan), đại diện Cảng hàng không Quốc tế Cochin (CIAL) cho biết dự kiến tăng gấp đôi công suất lắp đặt điện mặt trời trong 5-10 năm tới.
CIAL là sân bay Ấn Độ sử dụng 100% năng lượng mặt trời đầu tiên trên thế giới. Tại đây, 7 nhà máy năng lượng mặt trời, một bãi đỗ xe năng lượng mặt trời và các tấm pin mặt trời đã được lắp đặt. Hiện tại, CIAL có công suất thiết kế là 50 MW.
"Chúng tôi sẵn sàng phát triển thêm nhiều nhà máy sản xuất điện mặt trời nếu nhu cầu năng lượng tăng cao", ông Shri. S. Suhas, Giám đốc điều hành CIAL, cho hay.
Ông Suhas cho biết công ty sẽ lắp đặt các nhà máy điện mặt trời mới ở những địa điểm cách xa trung tâm, ít dân cư, tương tự như nhà máy ở Payyanur.
"Khoản đầu tư để mở rộng công suất điện mặt trời rất lớn, phản ánh mục tiêu đầy tham vọng mà chúng tôi đặt ra. Khoản đầu tư này sẽ được lên kế hoạch tỉ mỉ, có sự đóng góp từ các quỹ nội bộ và nguồn trợ cấp năng lượng xanh", ông nói thêm.
Ngoài các dự án điện mặt trời, CIAL còn có kế hoạch đầu tư vào dự án thuỷ điện. Hiện công ty này có một dự án vận hành tại thác Arippara (Ấn Độ).
"Việc xác định các địa điểm phù hợp cho dự án điện mặt trời và thuỷ điện đang được tiến hành, nơi được chọn sẽ đảm bảo tối ưu hoá sản xuất năng lượng, đồng thời giảm thiểu tác động đến môi trường. Năng lượng điện dư thừa sẽ đóng góp vào lưới điện nhà nước", ông Suhas cho biết.
Vào tháng 2, CIAL đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) với công ty lọc dầu Bharat Petroleum Corp (BPCL) để thành lập nhà máy hydro xanh đầu tiên ở sân bay quốc tế Cochin.
Theo thoả thuận, BPCL sẽ đầu tư 30 crore rupee (gần 3,6 triệu USD) để trang trải chi phí công nghệ, cơ sở hạ tầng và quản lý hoạt động của nhà máy. Trong khi đó, CIAL sẽ cung cấp nguồn năng lượng xanh phù hợp cho nhà máy, dự kiến hoàn thành vào đầu năm 2025.
"Chúng tôi đang tích cực theo dõi tiến độ giải pháp lưu trữ năng lượng, năng lượng địa nhiệt và năng lượng sinh học để bổ sung cho cơ sở hạ tầng hiện có. Ngoài ra, chúng tôi đang khai phá tiềm năng hệ thống lưới điện thông minh bằng cách tích cực đánh giá và thử nghiệm các công nghệ mới, nhằm cải thiện hiệu quả năng lượng và quản lý", ông Suhas nói.
CIAL có năng lực sản xuất 200.000 kW/ngày, vượt quá nhu cầu của sân bay. Đến đầu tháng 4, công ty này đã tạo ra 350 triệu kW, cắt giảm 28.000 tấn lượng khí thải carbon mỗi năm.