Hàng không vũ trụ

Elon Musk và tham vọng kiến tạo thuộc địa trên sao Hỏa

Hà Nguyễn 18/07/2024 10:24

Suốt 2 thập kỷ qua, tỷ phú Elon Musk luôn tập trung vào công ty tên lửa tư nhân SpaceX với mục tiêu xuyên suốt cuộc đời là đặt chân tới sao Hỏa.

musk-mars-teeshirt-tplm-jumbo.jpg
Tỷ phú Musk và chiếc áo đồng phục mang nội dung hướng về kế hoạch trên sao Hỏa truyền cảm hứng cho nhân viên công ty SpaceX. Ảnh: Getty.

Thời điểm hơn một năm qua là giai đoạn tỷ phú Elon Musk tăng cường nghiên cứu về cuộc sống trên sao Hỏa theo định hướng tương lai của mình.

Cụ thể, hầu hết nhân viên làm việc tại công ty SpaceX được chỉ đạo tập trung vào thiết kế dự án về một thành phố trên sao Hỏa. Thành phố tương lai này được cho là bao gồm các khu sinh sống hình mái vòm, đồ du hành vũ trụ và những cách thức, dịch vụ giúp con người có thể sinh sống và duy trì nòi giống trên hành tinh ngoài Trái Đất.

Mục tiêu kiến tạo thuộc địa mới, bảo vệ loài người

Theo nguồn tin của NY Times, đội ngũ chuyên gia y tế làm việc tại SpaceX đang nghiên cứu xem liệu con người có thể sinh con tại môi trường sống trên sao Hỏa hay không. Ông Musk còn tuyên bố sẵn sàng hiến tinh trùng của mình phục vụ cho công tác nghiên cứu, tạo tiền đề cho sự xuất hiện của con người trên hành tinh này.

Sáng kiến về thành phố trên sao Hỏa một lần nữa thể hiện tinh thần chinh phục những điều không tưởng của tỷ phú Musk. Ông từng chia sẻ dự định nếu qua đời sẽ ra đi trên hành tinh đỏ.

the-boring-companys-prufrock-3-in-position-to-dig-at-tesla-giga-texas-.jpg
Công ty The Boring Company của tỷ phú Musk phát triển hệ thống công cụ đào hầm phục vụ cho dự án trên sao Hỏa. Ảnh: Teslarati.

Năm 2016, ông Musk từng dự đoán phải mất 40-100 năm để kiến tạo một nền văn minh tự cung tự cấp trên sao Hỏa. Tuy nhiên đến tháng 4, ông đặt kỳ vọng với nhân viên SpaceX bởi một lộ trình ngắn hơn, 20 năm nữa sẽ có khoảng một triệu người sống ở nền văn minh mới.

Tầm nhìn của Musk về cuộc sống trên sao Hỏa có phần cực đoan, thậm chí hoang tưởng khi thực tế chưa có ai đặt chân lên hành tinh này. Ý tưởng này được cho là truyền cảm hứng cho mọi hoạt động kinh doanh Musk nỗ lực phát triển tại Trái Đất.

Theo tài liệu từ những người nghiên cứu về mục tiêu này của Musk, tầm nhìn hướng về sao Hỏa của vị tỷ phú cũng được coi như giá trị cốt lõi của hầu hết 6 công ty mà ông Musk đang sở hữu. Mỗi công ty đều hoạt động, phát triển với mục tiêu đóng góp cho quá trình kiến tạo một thuộc địa ngoài vũ trụ.

Điển hình là công ty đào hầm The Boring Company được Musk thành lập với mục tiêu phát triển thiết bị phục vụ cho hoạt động đào hang dưới bề mặt sao Hỏa. Việc tỷ phú Musk mua mạng xã hội X (trước đây là Twitter) cũng là một thử nghiệm về một chính phủ được quản lý bởi công dân dưới sự đồng thuận có thể hoạt động thế nào trên sao Hỏa. Ông Musk cũng nghĩ về hình ảnh cư dân trên nền văn minh mới này sử dụng phương tiện đi lại là xe Cybertruck phiên bản ốp thép, sản phẩm mà Tesla sản xuất.

tesla-cybertruck.jpg
Phiên bản Cybertruck được tỷ phú Elon Musk mong đợi trở thành phương tiện cho cộng đồng sống trên sao Hỏa. Ảnh: The Financal Express.

Để theo đuổi mục tiêu này, mọi tài sản tích lũy của Musk được huy động để chuẩn bị cho những kế hoạch của ông trên sao Hỏa. Hiện, tài sản ước tính của Elon Musk đạt khoảng 270 tỷ USD. Tỷ phú ước tính quá trình chuẩn bị cho kế hoạch xây dựng thành phố trên sao Hỏa tiêu tốn rất nhiều nguồn lực kinh tế.

Song, tầm nhìn về một thành phố trên sao Hỏa có khả thi hay không vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Chuyên gia nghiên cứu về hàng không vũ trụ Robert Zubrin sau 20 năm thân thuộc với Elon Musk cũng nhận định bất kỳ hành tinh nào trải qua quá trình thuộc địa hóa đòi hỏi quá trình chuẩn bị lên đến hàng thập kỷ.

Nhiều năm qua, ông Musk luôn nhắc về sao Hỏa khi công ty SpaceX công bố 2 bản thiết kế cơ bản về thành phố trên hành tinh này từ năm 2018. Trước đó, chưa có báo cáo liên quan đến kế hoạch chuyển hướng quy hoạch nền văn minh này của SpaceX. Một số nguồn tin am hiểu về SpaceX cho biết ông Musk vẫn luôn giữ im lặng về kế hoạch chinh phục sao Hỏa vì về cơ bản SpaceX vẫn còn một hợp đồng trị giá 2,9 tỷ USD với NASA, phải đưa được tên lửa lên Mặt Trăng trước.

Tham vọng bền vững đến cực đoan?

Elon Musk bị mê hoặc bởi sao Hỏa sau khi đọc cuốn tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Foundation khi ông 10 tuổi. Trong cuốn sách xuất bản năm 1951, nhân vật chính xây dựng một thuộc địa xuyên suốt dải ngân hà để cứu nhân loại.

00musk-mars-mars-base-alpha-jumbo.jpg
Bản thiết kế về căn cứ trên sao Hỏa của SpaceX. Ảnh: SpaceX.

Trong nhiệm vụ vươn tới sao Hỏa, Musk muốn mua lại một vài tên lửa cũ của Nga nhưng không thành công. Sau đó, SpaceX đã chế tạo tên lửa Starship được cho là có thể tái sử dụng, với mục tiêu trước mắt là đưa các phi hành gia của NASA lên Mặt Trăng. Tên lửa này được kỳ vọng sau đó có thể đưa thêm cư dân lên sao Hỏa và hoạt động như một trạm vũ trụ thu nhỏ.

Ông Musk từng chia sẻ Starship có thể chở cùng lúc 100 hành khách tới sao Hỏa với hành trình sau mỗi 2 năm. Trong khi đó theo các chuyên gia từ NASA, một chuyến đi tới sao Hỏa có thể kéo dài tới 9 tháng. Hồi tháng 6, Starship đã thành công trong chuyến bay thử nghiệm vào không gian.

Tương tự Musk, nhiều nhân viên của SpaceX tin vào khả năng có cuộc sống ở một hành tinh khác. Nhân viên của công ty thậm chí còn mặc trang phục với dòng chữ “Occupy Mars” hay “Rocket Parent” để làm việc với niềm cảm hứng. Công ty của những nhân viên làm việc cho dự án tương lai này có trụ sở ở Boca Chica (Texas, Mỹ). Những người này được cho là có khả năng làm việc hơn 100 giờ/tuần.

Sự hiện diện của ông Musk tại Boca Chica không còn thường xuyên như trước. Tuy nhiên, tham vọng về dự án dành cho sao Hỏa của Elon Musk chưa bao giờ “hạ nhiệt”.

Tháng 5, một cán bộ của NASA nhận định cơ quan này không mong đợi có thể đưa con người lên sao Hỏa được trước năm 2040. Cùng thời điểm đó, Elon Musk tuyên bố trên mạng xã hội X rằng sẽ có một thành phố trên sao Hỏa trong khoảng 20 năm nữa với lộ trình chưa đến 10 năm để có thể đưa con người lên hành tinh đỏ.

Hà Nguyễn