Lý do máy bay nghiêng khi hạ cánh
Bình thường phi công sẽ cố gắng giữ cho máy bay cân bằng khi hạ cánh. Nhưng trong một số trường hợp, họ buộc phải nghiêng máy bay.
Khi tác nghiệp tại sân bay quốc tế Nội Bài, phóng viên quan sát thấy có máy bay tiếp cận đường băng với trạng thái nghiêng về một phía. Một số máy bay khác lại có hướng mũi lệch khỏi đường cất hạ cánh. Tuy nhiên khi tiếp đất, những máy bay này nhanh chóng đạt trạng thái cân bằng.
Các chuyên gia giải thích hiện tượng này là kỹ thuật tiếp cận đường băng của phi công khi gặp gió cạnh (cross wind).
Tại đường băng, hướng gió không phải lúc nào cũng cố định. Mặc dù các kỹ sư đã tính toán để hướng đường cất hạ cánh ngược lại với hướng gió, vẫn có những thời điểm gió thổi vuông góc khiến máy bay có nguy cơ lệch khỏi đường băng.
Trong hàng không, có 2 phương pháp hạ cánh khi gặp gió cạnh nổi bật là "crab approach" (tiếp cận hướng mũi tàu bay vào gió) và "slide slip approach" (tiếp cận nghiêng cánh về phía gió).
Với phương pháp "slide slip", trục dọc của máy bay vẫn thẳng hàng với đường băng trong suốt quá trình tiếp cận. Để chống lại gió ngược, phi công cố gắng điều khiển cánh máy bay nghiêng về phía gió thổi.
Kỹ thuật này tạo ra góc hạ độ cao tối ưu hơn phương pháp "crab angle", giúp phi công kiểm soát chính xác tốc độ hạ độ cao và vị trí máy bay với đường băng. Khi máy bay gần chạm đất, phi công căn chỉnh thân máy bay song song với đường băng ngay trước khi càng đáp chạm mặt đất.
Phương pháp "crab" cũng là kỹ thuật hữu hiệu để chống lại gió cạnh. Khi hạ cánh, mũi máy bay quay sang hướng gió thổi, tạo cảm giác máy bay đang bay lệch khỏi đường băng khi nhìn từ mặt đất.
Trạng thái này tồn tại cho đến trước khi máy bay chạm đất, phi công thực hiện thao tác tinh vi được gọi là "cua xuống đất". Trong quá trình chuyển đổi này, mũi máy bay được điều chỉnh thẳng hàng với tâm đường băng, đảm bảo các bánh xe tiếp xúc theo trục dọc như thông thường.
Những kỹ thuật này thể hiện tính chuyên môn và năng lực kỹ thuật trong ngành hàng không. Quyết định được đưa ra trong quá trình tiếp cận có ảnh hưởng lớn đến sự an toàn và độ chính xác của việc hạ cánh, đặc biệt là trong điều kiện gió cạnh đầy thách thức.
Các phi công, thông qua đào tạo và kinh nghiệm, sẽ lựa chọn khéo léo giữa các phương pháp này dựa trên các yếu tố như cường độ gió, đặc điểm máy bay, thói quen bản thân...