Công nghệ

5 điều cần biết về SAF - liều thuốc chữa lành cho bầu trời

Hoàng Anh 04/05/2024 11:18

Nhiên liệu bền vững là tương lai của ngành hàng không thế giới, nhưng cần nhiều nhà sản xuất vào cuộc, ưu đãi lớn về tín dụng và xây dựng khung pháp lý để có thể thực sự được áp dụng rộng rãi.

Khi lĩnh vực hàng không đang chạy đua để đạt mức phát thải ròng carbon bằng 0 vào năm 2050, nhiên liệu hàng không bền vững (sustainable aviation fuel - SAF) được cho là giải pháp khử carbon hàng đầu. Dưới đây là những điều cần biết về SAF.

avioninsurance.jpeg
SAF có thể tích hợp luôn vào động cơ máy bay và cơ sở hạ tầng sân bay mà không cần sửa đổi hay bổ sung thiết bị. Ảnh: ShutterStock.

SAF là gì?

SAF, hay nhiên liệu máy bay bền vững, được làm từ vật liệu hữu cơ hoặc chất thải. Nó có thể được sản xuất từ ​​nhiều nguồn, bao gồm:

  • Nhiên liệu sinh học tinh khiết từ cây trồng như mía, ngô, dầu cọ và đậu nành.
  • Nhiên liệu dựa trên chất thải: dư lượng lâm nghiệp, chất thải nông nghiệp, rác thải đô thị, dầu ăn tái chế.
  • Nhiên liệu điện tử tổng hợp: sử dụng CO2, hoặc CO được thu thập, cùng với hydro thu được từ các nguồn điện “sạch” bền vững như gió, năng lượng mặt trời và điện hạt nhân.

Ưu điểm

SAF sở hữu tất cả đặc tính của nhiên liệu hoá thạch nên nó đảm bảo cung cấp năng lượng cho máy bay hoạt động ổn định. SAF tương tự về mặt hóa học nên có thể tích hợp vào động cơ máy bay và cơ sở hạ tầng sân bay hiện có mà không cần sửa đổi hay bổ sung thiết bị.

Sự khác biệt lớn nhất là lượng khí thải carbon. SAF mang tính tái chế, có thể giảm lượng khí thải tới 80% so với nhiên liệu hóa thạch.

Cuối năm 2023, hãng bay Virgin Atlantic thử nghiệm thành công chuyến bay từ London (Anh) tới New York (Mỹ) được cung cấp năng lượng hoàn toàn bởi SAF. Theo tính toán, tàu bay Boeing 787 của hãng sử dụng nhiên liệu làm từ mỡ thải và đường mía đã cho ra kết quả phát thải ít hơn 70% so với nhiên liệu hoá thạch.

SAF được xem là giải pháp tức thời và có thể nhân rộng để khử carbon trong ngành hàng không. Khác với các lựa chọn như năng lượng hydro hoặc năng lượng điện, máy bay dùng SAF không cần đại tu động cơ phản lực và hệ thống tiếp nhiên liệu.

Một trong những điểm hấp dẫn của SAF là nó pha trộn thoải mái với nhiên liệu thông thường. SAF đang được pha với tỷ lệ lên tới 50% và sẽ hướng tới thay thế 100% nhiên liệu hoá thạch trong tương lai. Đơn cử như việc hãng Boeing đang chế tạo tất cả máy bay mới của mình để hoàn toàn tương thích với SAF vào năm 2030.

Theo ước tính của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), SAF có thể đóng góp khoảng 65% mức giảm phát thải cần thiết để đạt được mục tiêu khí thải bằng 0 vào năm 2050. Nhưng mục tiêu tham vọng này đòi hỏi sản lượng phải thực hiện cú nhảy vọt lên tới khoảng 450 tỷ lít mỗi năm.

Điều gì đang cản trở việc áp dụng SAF?

Sản lượng SAF toàn cầu vẫn đang tăng. Tổng sản lượng SAF sản xuất năm 2023 gấp đôi năm 2022 và năm nay dự kiến ​tăng gấp ba lần năm ngoái. Nhưng chừng đó vẫn là quá ít. Nguồn cung SAF toàn cầu khoảng 600 triệu lít năm 2023 chỉ đáp ứng được 1% tổng nhu cầu nhiên liệu của ngành hàng không.

anh-chup-man-hinh-2024-05-02-luc-16.55.09.png
Công ty Neste của Phần Lan - nhà sản xuất SAF lớn nhất thế giới. Ảnh: Neste.

Tạo ra khối lượng SAF khổng lồ như trên sẽ cần diện tích đất và tài nguyên thiên nhiên tương ứng. Điều đó dẫn đến mối lo ngại về môi trường ngày càng tăng vì thay đổi mục đích sử dụng đất và nạn phá rừng khi SAF trở thành "cơn sốt". Các hãng hàng không đã cam kết mua 40 tỷ lít đến nay và nhu cầu tăng lên 30 tỷ lít mỗi năm từ năm 2030.

Do nguồn cung hạn chế, SAF có thể đắt gấp 3-5 lần so với nhiên liệu máy bay thông thường. Nhiên liệu vốn là chi phí lớn nhất của các hãng hàng không, do đó bất kỳ chính sách nào về SAF được chính phủ đưa ra đều có thể ảnh hưởng mạnh đến các công ty trong lĩnh vực này. Dự tính khi áp dụng 100% SAF, giá vé máy bay sẽ tăng đến 50%.

Các chính phủ đang làm gì?

Từ 2026, tất cả chuyến bay khởi hành từ Singapore được yêu cầu sử dụng ít nhất 1% SAF, sau đó đặt mục tiêu tăng lên 3% đến 5% vào năm 2030.

Anh và Nhật Bản đang đặt mục tiêu sử dụng nhiên liệu có hàm lượng carbon thấp để đáp ứng 10% nhu cầu nhiên liệu máy bay vào năm 2030.

Liên minh Châu Âu đã quy định tỷ lệ SAF tối thiểu có sẵn tại các sân bay EU tăng từ 2% vào năm 2025 lên 70% vào năm 2050.

Mỹ đặt mục tiêu cung cấp đủ SAF để đáp ứng 100% nhu cầu nhiên liệu hàng không vào năm 2050.

Cần ưu đãi tín dụng, xây dựng khung pháp lý để SAF thực sự cất cánh

Các hãng hàng không cần tín dụng và ưu đãi để giúp giảm giá nhiên liệu bền vững. “Nếu hãng bay không mua SAF thì nhà sản xuất cũng sẽ không sản xuất. Các chính phủ cần khuyến khích sản xuất SAF bằng cách trợ cấp cho cả công ty nhiên liệu và hãng hàng không để bù đắp chi phí”, ông Driskill, biên tập viên của Asian Aviation, cho biết.

Phó chủ tịch phụ trách hàng không tái tạo của Neste ở Châu Á - Thái Bình Dương, ông Sami Jauhiainen, kêu gọi xây dựng khung chính sách pháp lý dài hạn cho SAF.

Ông Sami cho biết: “Chắc chắn nhu cầu đối với SAF là rất quan trọng để kích hoạt các khoản đầu tư nhằm nâng cao năng lực sản xuất cho ngành, đồng thời tạo điều kiện cho các hãng bay có một thị trường cạnh tranh để yên tâm sử dụng SAF mà không gặp bất lợi trước các đối thủ có thể không sử dụng SAF".

Khi nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường và việc sản xuất SAF hiệu quả hơn, giá của loại nhiên liệu này sẽ giảm.

Robert Boyd, người đứng đầu bộ phận phát triển bền vững khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của Boeing, cho biết: “Yếu tố chính sách thực sự thúc đẩy việc áp dụng SAF. Giá sẽ giảm khi có nhiều nhà đầu tư tham gia cuộc chơi. Đang có sự tiến bộ đáng kể về khối lượng sản phẩm. Nó có vẻ ít so với lượng chúng ta cần nhưng so với hai hoặc ba năm trước, đó là một bước nhảy vọt khổng lồ”.

Trong khi các biện pháp xanh khác cũng cần được áp dụng để hướng tới mục tiêu năm 2050, vị lãnh đạo Neste nhận định nhiên liệu bền vững vẫn là giải pháp khả thi nhất trong tương lai gần.

Ông Sami chia sẻ thêm: “Chúng ta cần nhiều máy bay tiết kiệm nhiên liệu hơn, quản lý không lưu tốt hơn và thậm chí cả máy bay chạy bằng điện hoặc hydro cũng có thể đóng vai trò nào đó. Tuy nhiên, phần lớn máy bay vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu lỏng. Do đó, vai trò của nhiên liệu bền vững là thiết yếu đối với các mục tiêu về khí hậu của ngành hàng không”.

Hoàng Anh