Trung Quốc, Ấn Độ ảnh hưởng lớn đến hàng không 20 năm tới
Airbus dự đoán đội bay toàn cầu sẽ tăng hơn gấp đôi trong hai thập kỷ tới, lên mức 48.230 máy bay.
Bob Lange, người đứng đầu bộ phận phân tích và dự báo thị trường của Airbus cho biết hãng này nhận thấy du lịch hàng không sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt ở châu Á và Trung Đông, trong đó Ấn Độ và Trung Quốc dẫn đầu.
“Lưu lượng giao thông nội địa Trung Quốc sẽ vượt Mỹ”, Bob Lange cho biết.
Ngoài ra, nhu cầu di chuyển hàng không tiếp tục tăng khi các dự báo kinh tế cho thấy 1,7 tỷ người sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu trong 20 năm tới.
Trước nhận định trên, Airbus đã tăng dự báo về nhu cầu sử dụng máy bay phản lực trong 20 năm tới, đặt trong bối cảnh các hãng hàng không ngày càng hiện đại hóa đội bay đường dài, người dân chọn du lịch đường dài bằng máy bay còn chặng ngắn thì lái xe hơi.
Theo đó, Airbus chia dự báo nhu cầu thành 2 phân khúc khác nhau, gồm máy bay phản lực thân hẹp và thân rộng. Nhà sản xuất máy bay dự báo đội bay toàn cầu sẽ tăng hơn gấp đôi trong 20 năm tới, lên mức 48.230 máy bay. Ngành hàng không cũng sẽ giao 42.430 máy bay mới trong tương lai.
Cụ thể, phạm vi và hiệu suất của loại máy bay một lối đi sẽ được cải thiện đều đặn, dần chiếm lĩnh thị trường trước đây của các máy bay lớn hơn và giúp thay đổi hoạt động du lịch xuyên Đại Tây Dương.
Trước nhu cầu này, Airbus đang nỗ lực nhằm đạt được chứng nhận cho dòng máy bay một lối đi A321XLR, nhằm phục vụ chặng bay dài trong tương lai. Về phía Boeing, họ cũng đang phát triển một phiên bản tầm xa hơn của 737 MAX.
Nằm trong tổng dự báo nhu cầu về máy bay phản lực thân rộng là 940 chuyên cơ vận tải cỡ lớn, tăng 2% so với báo cáo trước đó. Nhu cầu ở phân khúc máy bay chở khách một lối đi như Airbus A320 và Boeing 737, loại máy bay có tầm bay ngắn đến trung bình, đã được điều chỉnh tăng 3% lên 33.510 chiếc.
Nhu cầu đối với máy bay thân rộng cũng sẽ tăng mạnh trở lại. Theo đó, Airbus tăng dự báo nhu cầu máy bay thân rộng thêm 9%, lên 8.920 chiếc, với mức tăng đáng kể ở Nam và Bắc Mỹ. Trong khi đó, khu vực Trung Đông lại giảm nhẹ do khả năng dư thừa năng lực.
Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng rất lớn với ngành hàng không. Airbus cho rằng các dòng máy bay phản lực đời mới sẽ góp phần giảm lượng khí thải, giảm tác động của ngành hàng tới môi trường.
Dự báo này cũng phản ánh sự cạnh tranh khốc liệt giữa Airbus và đối thủ Boeing. Cả hai nhà sản xuất đều đang phát triển các dòng máy bay mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành hàng không toàn cầu.
Có thể thấy, sau đại dịch, nhu cầu đi lại bùng nổ, giúp hàng không tạo đà tăng trưởng dài hạn. Tuy nhiên, các hãng bay lẫn nhà sản xuất vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới, cần sớm giải quyết nhằm đáp ứng nhu cầu của hành khách.