Ukraine phải dùng máy bay thời Liên Xô cho đến khi nhận được F-16
Thực tế phi đội máy bay chiến đấu của Ukraine hầu hết là các mẫu có tuổi đời trên dưới 40 năm.
Vào đầu năm 2022, Ukraine có 71 máy bay chiến đấu Su-27 và MiG-29, 14 máy bay ném bom Su-24M và 31 máy bay tấn công Su-25, theo báo cáo của NATO.
Đây là những chiếc máy bay Ukraine kế thừa từ Liên Xô.
Sau hơn 2 năm giao tranh, Ukraine thông báo chỉ còn 78 chiếc có khả năng chiến đấu. Trong khi đó phía Nga có khoảng 1.169 máy bay chiến đấu các loại.
Dựa trên số liệu được các bên công nhận, máy bay bị phá hủy và hư hại chủ yếu của cả Nga và Ukraine là Su-25 (54 chiếc), MiG-29 (46 chiếc), Su-24 (38 chiếc), Su-27 (27 chiếc) và trực thăng Mi-8 (69 chiếc).
Có thể thấy rằng cả Nga và Ukraine đang dùng nhiều chiến đấu cơ cùng loại trong các cuộc giao tranh.
Mặc dù có những thế hệ máy bay tiên tiến hơn như MiG-35, Su-35 hay Su-57 nhưng Nga vẫn chủ yếu sử dụng các máy bay thế hệ cũ trong các phi vụ nhắm vào quân đội Ukraine.
Với lực lượng không quân hiện tại của Ukraine, việc Nga đưa những máy bay hiện đại và đắt tiền vào tham chiến được đánh giá là chưa cần thiết.
Không có nguồn cung phụ tùng thay thế khiến năng lực sẵn sàng chiến đấu của không quân Ukraine gặp thách thức nghiêm trọng.
Đó là lý do chính khiến nước này phải rời xa MiG và Sukhoi để hướng tới các máy bay chiến đấu của phương Tây, tướng C.Q Brown, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ, cho biết.
Những chiếc F-16 mà các nước phương Tây chuyển giao được coi là giải pháp giúp Ukraine giành lại sự chủ động trên bầu trời.
Trong một tuyên bố hôm 10/7, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết, lô máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên do Mỹ chế tạo đang được chuyển từ Đan Mạch và Hà Lan đến Ukraine.
Trước đó, Na Uy, Đan Mạch, Hà Lan và Bỉ hứa cung cấp cho Ukraine hơn 60 chiếc F-16 đáp lại lời yêu cầu giúp đỡ từ Kiyv để chống lại lực lượng không quân Nga.
Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự vẫn đặt nhiều nghi vấn về thời điểm Không quân Ukraine có thể sử dụng F-16 trong các nhiệm vụ của mình.
Việc các nước thành viên NATO chuyển giao máy bay chiến đấu hạng nhẹ do Mỹ chế tạo cho Ukraine vẫn chỉ dừng lại ở lời hứa. Trong khi nước này vẫn chưa thực sự sẵn sàng vận hành loại máy bay mới.
Tom Richter, cựu phi công Thủy quân lục chiến Mỹ, người từng lái F-16, cho rằng Ukraine không đủ khả năng để bảo trì F-16. Linh kiện của máy bay này quá đắt đỏ, cần thường xuyên bảo dưỡng.
Những chú "chim cắt" (biệt danh của F-16) thực sự cần đường băng “trơn tru và sạch sẽ”. Động cơ F-16 thấp hơn đáng kể so với MiG-29 khiến nguy cơ bị hỏng hóc do các mảnh vỡ tăng cao. Việc đường cất hạ cánh luôn được làm sạch trong thời gian giao tranh xảy ra là không dễ dàng.
Mặt khác, Nga có khoảng 370 máy bay chiến đấu MiG-29, MiG-31 và MiG-35 cũng như 350 máy bay chiến đấu Su-27, Su-30 và Su-35, theo niên lịch của Flight International.
Các máy bay chiến đấu như MiG-35 và Su-35 trong phi đội Nga tiên tiến hơn máy bay Ukraine với hệ thống radar và hỏa lực mạnh hơn đáng kể.
Nga cũng có máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm trên không, thứ mà Ukraine thiếu. Đó là chưa kể những hệ thống phòng không trên mặt đất mạnh mẽ như S-300, S-350, S-400 và đặc biệt S-500.
Chính tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng bày tỏ lo ngại về năng lực phi đội của nước mình.
Phát biể tại Washington (Mỹ) người đứng đầu Ukraine cho rằng số lượng nhỏ F-16 không thể tạo ra khác biệt.
“Vấn đề là số lượng và thời điểm. Ngay cả khi chúng tôi có 50 chiếc thì cũng chưa thấm vào đâu. Họ có tới 300 máy bay”, ông Zelensky nói.
Tổng tống Ukraine lo ngại lời hứa cung cấp F-16 cũng sẽ diễn ra giống cách Mỹ cung cấp xe tăng Abrams sau nhiều tháng kể từ khi lời tuyên bố được đưa ra.
Trong thời gian chờ đợi, MiG-29 hay Su-25 của Ukraine vẫn sẽ phải xuất kích để chống lại đội quân am hiểu về chúng hơn cả.