Quốc tế

Tương lai nào cho Boeing sau kỷ lục giao hàng trong tháng 6?

Hoàng Anh 11/07/2024 15:55

Khả quan trong thời gian ngắn sắp tới, Boeing có thể được Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) dỡ lệnh cấm, từ đó tăng năng suất lắp ráp.

Báo cáo đặt hàng và giao hàng mà Boeing công bố ngày 10/7 hầu hết là những sự suy giảm. Nửa đầu năm nay, Boeing chỉ nhận được 115 đơn đặt hàng, giảm 70% so sánh cùng kỳ năm ngoái. Riêng tháng 6, Boeing nhận 14 đơn đặt hàng, giảm 95% so với tháng 6/2023.

Về mặt giao hàng, quý II Boeing giao được 92 máy bay, giảm 32% so với cùng kỳ 2023.

Tuy nhiên, có một con số đáng lưu ý. Tính riêng tháng 6, Boeing giao 44 máy bay, gồm 35 chiếc thân hẹp và 9 chiếc thân rộng, trị giá 3,3 tỷ USD. Đây là số lượng giao hàng cao nhất từ đầu năm.

Liệu đây có phải tín hiệu tích cực cho thấy Boeing sắp thoát khỏi cơn khủng hoảng vì giao hàng chậm?

Lý do số lượng máy bay bàn giao tăng

44 máy bay bàn giao tương đương mức tăng 20 đơn vị so với tháng 5. Nhà phân tích hàng không vũ trụ Dhierin-Perkash Bechai tin thành tích này đạt được nhờ khai thông chuỗi cung ứng bộ phận, linh kiện của Boeing 777.

Ảnh chụp Màn hình 2024-07-11 lúc 14.35.10
Số lượng máy bay thương mại Boeing bàn giao sau 6 tháng đầu năm.

Nhưng quan trọng nhất là loạt 737 MAX chế tạo trong nửa đầu năm được lấy ra khỏi nhà chứa để mang đi giao cho khách hàng. Nói cách khác, lượng giao hàng tháng 6 tăng đột biến nhờ dọn bớt hàng tồn kho.

Vì vậy, Bechai nhận định không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy tỷ lệ sản xuất thực sự phục hồi.

Những tín hiệu tích cực

Vẫn có lý do để tin tình hình giao hàng của Boeing tiếp tục khởi sắc. Nhà sản xuất này đã cam kết gia tăng sản lượng từ cuối năm nay.

Trước đó, xuất hiện thông tin cho rằng bắt đầu từ tháng 9, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) sẽ dỡ lệnh hạn chế năng suất lắp ráp 737 MAX. Thông tin này là có cơ sở. Boeing đang từng bước chứng minh sự tiến bộ bằng những nỗ lực toàn diện để cải thiện chất lượng và an toàn, nhằm thuyết phục nhà chức trách.

Nhà phân tích hàng không Bechai tin thay đổi tích cực nhất là sự ra đi của CEO David Calhoun cuối năm nay, cùng với thương vụ tái sáp nhập nhà thầu Spirit AeroSystems công bố đầu tháng 7.

Nó giúp Boeing có nhiều hơn quyền giám sát và khả năng kiểm soát chất lượng của đơn vị sản xuất thân máy bay - một trong những bộ phận quan trọng nhất.

Boeing giờ đây phối hợp với FAA kiểm tra chặt chẽ nhà thầu Spirit AeroSystems. Từ tháng 1, khoảng 150 nhân viên Boeing được phân công đến hoạt động ở nhà máy Spirit AeroSystems ở Wichita (bang Kansas, Mỹ), nơi chế tạo phần thân 737 MAX.

Chuyến công tác của nhóm "đặc phái viên" Boeing góp phần cải thiện hiệu quả công việc. Họ giúp giảm phần lớn khiếm khuyết trên thân máy bay chỉ trong 3 tháng và giảm hơn 50% tần suất công việc chậm trễ ở Spirit.

Kết quả, số lượng thân máy bay Boeing phải trả lại Spirit giảm xuống, lượng đạt chuẩn tăng lên. Nhiều thân máy bay “sạch” hơn (không có lỗi) được đưa vào dây chuyền lắp ráp 737 MAX, dẫn đến chất lượng và năng suất lắp ráp gia tăng.

Về phía nhà máy của Boeing, họ đã và đang triển khai cải tiến trên toàn bộ 3 dây chuyền lắp ráp, được chia thành 10 trạm. Công nhân Boeing hiện phải kiểm tra kỹ ở mỗi trạm xem hoạt động có đáp ứng tiêu chuẩn hay không, rồi mới được chuyển sang trạm tiếp theo.

Họ cần xem xét kỹ lưỡng các chi tiết và báo cáo nếu một bộ phận bị lỗi hoặc bị tháo ra sai cách. Kể từ sự cố bung tấm bịt cửa hồi tháng 1, nhà máy ở Renton áp dụng việc theo dõi mã vạch và người quản lý trực tiếp giám sát quy trình theo dõi đó.

Nhà sản xuất máy bay thương mại lớn thứ nhì thế giới còn lâu mới đạt tốc độ giao hàng từng có, nhưng ít nhất hệ thống lắp ráp của Boeing đã suôn sẻ hơn với ít yêu cầu làm lại hơn.

d40738dfff007333f571ba51087cb94f_11zon.jpeg
Katie Ringgold, Phó chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Chương trình 737 MAX, phát biểu trước giới truyền thông tại nhà máy Boeing. Ảnh: Seattle Times.

Sau vụ bung tấm bịt cửa chiếc 737 MAX hôm 5/1, FAA giới hạn sản lượng 737 MAX xuống còn 38 chiếc mỗi tháng.

Nhưng Tổng giám đốc chương trình 737 MAX, bà Katie Ringgold, cho biết Boeing đang sản xuất ít hơn thế rất nhiều vì họ giờ không chú trọng vào năng suất. Boeing tập trung vào việc ổn định nhà máy qua những thay đổi về an toàn và chất lượng. Trọng tâm của họ giờ là lắp ráp chính xác từng bulông và đinh tán.

Những thay đổi rốt ráo từ Boeing rồi sẽ sớm thuyết phục FAA, khả quan là trong vài tháng sắp tới. Nếu Boeing có thể sớm tăng năng suất, các hãng hàng không đang trông chờ “một cơn mưa rào giữa trời nắng hạn" là những người vui nhất. Thời gian qua, họ đã liên tục ca thán vì thiếu máy bay mới.

Hoàng Anh