6 lý do khiến máy bay phải hạ cánh khẩn cấp
Thay vì bay thẳng đến sân bay đích, đây là những lý do chính khiến máy bay phải chuyển hướng hạ cánh ở sân bay khác.
Chuyển hướng chuyến bay là hành động quan trọng để đảm bảo an toàn cho hành khách hoặc duy trì hiệu quả khai thác.
Việc chuyển hướng chuyến bay được phi hành đoàn và đài kiểm soát không lưu phối hợp cẩn thận, đảm bảo máy bay hạ cánh an toàn tại sân bay thay thế, đủ năng lực xử lý ổn thoả những sự việc phát sinh.
Những lý do khiến chuyến bay phải chuyển hướng
Có 6 lý do chính khiến máy bay phải chuyển hướng hạ cánh ở sân bay khác, thay vì bay thẳng đến sân bay đích.
Thứ nhất: Điều kiện thời tiết. Đây là lý do phổ biến hàng đầu khiến chuyến bay chuyển hướng. Những kiểu thời tiết khắc nghiệt như giông bão, tuyết rơi dày, sương mù hoặc gió mạnh có thể khiến việc hạ cánh như chơi đùa với tử thần.
Trong ngành hàng không dân dụng, 3 phút sau khi cất cánh và 8 phút trước khi hạ cánh là khoảng thời gian nguy hiểm nhất, chiếm đến 80% các vụ tai nạn máy bay.
Do đó, kiểm soát viên không lưu cùng phi công có thể quyết định cho máy bay chuyển hướng hạ cánh nơi khác để tránh những mối nguy hiểm nêu trên.
Thứ hai: Trường hợp y tế khẩn cấp. Máy bay được trang bị bộ dụng cụ y tế cơ bản để xử lý những trường hợp đơn giản. Nhưng với những tình trạng bệnh lý phức tạp, phi công phải hạ cánh khẩn cấp để đưa hành khách hoặc thành viên phi hành đoàn đến bệnh viện.
Thứ ba: Vấn đề kỹ thuật. Sự cố động cơ, cảm biến bị lỗi… có thể khiến máy bay phải chuyển hướng.
Thứ tư: Hành khách gây rối. Những hành động thiếu kiểm soát của hành khách có khả năng đe dọa an toàn bay. Trong trường hợp như vậy, tổ lái thường xem xét chuyển hướng máy bay để nhà chức trách loại bỏ mầm mống hỗn loạn và duy trì trật tự.
Quyết định này đưa ra dựa trên sự phối hợp với các cơ quan chức năng ở mặt đất.
Thứ năm: Lý do hoạt động và hậu cần. Đôi khi việc chuyển hướng xảy ra do đóng cửa sân bay hoặc quá tải sân bay. Tình trạng này đến từ tình huống bất ngờ như máy bay khác hạ cánh khẩn cấp hoặc đóng cửa đường băng tạm thời để bảo trì.
Do đó, các chuyến bay được chuyển hướng đến sân bay thay thế để tránh sự chậm trễ và đảm bảo quản lý không lưu hiệu quả.
Thứ sáu: Nhiên liệu. Quản lý nhiên liệu là một việc quan trọng của hoạt động bay. Máy bay có thể cần chuyển hướng nếu dự trữ nhiên liệu sắp hết do sự chậm trễ phát sinh hoặc gió ngược làm giảm tốc độ máy bay, tăng thời gian đến đích.
Để tránh hết nhiên liệu, phi công có thể hạ cánh tại một sân bay thay thế, nơi tiếp nhiên liệu an toàn để tiếp tục hành trình bay đến đích.
Những sân bay chuyển hướng nổi tiếng nhất Âu - Mỹ
Có 3 sân bay Âu - Mỹ nổi tiếng với vai trò sân bay chuyển hướng: sân bay Bangor ở bang Maine (Mỹ), sân bay Gander ở tỉnh bang Newfoundland & Labrador (Canada) và sân bay Shannon ở Cộng hòa Ireland.
Sân bay Bangor nằm ở vùng Đông Bắc nước Mỹ. Vị trí chiến lược khiến sân bay này trở thành điểm chuyển hướng hạ cánh của các chuyến bay qua Đại Tây Dương gặp sự cố kỹ thuật, hoặc có trường hợp cần chăm sóc y tế khẩn cấp.
Sân bay Bangor có cơ sở vật chất đủ tiếp đón nhiều loại máy bay, có uy tín trong việc quản lý hiệu quả các chuyến hạ cánh không theo lịch trình.
Sân bay Gander đã có lịch sử lâu đời làm điểm dừng tiếp nhiên liệu và hạ cánh khẩn cấp. Từ thuở bình minh của các chuyến bay xuyên Đại Tây Dương, sân bay Gander là điểm dừng chân quan trọng.
Trong vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, Gander tiếp đón 38 máy bay chuyển hướng, cho thấy năng lực cao trong việc tiếp nhận máy bay hạ cánh không theo lịch trình.
Sân bay Shannon nằm ở phía tây CH Ireland. Đường băng dài và các dịch vụ toàn diện giúp nó trở thành điểm đến ưu tiên cho máy bay gặp sự cố kỹ thuật hoặc cần tiếp nhiên liệu khi vượt đại dương.
Vị trí gần châu Âu lục địa, khả năng tiếp nhận nhiều loại máy bay khác nhau củng cố vị thế điểm hạ cánh khẩn cấp quan trọng của Shannon.