Khách Việt đang thắt chặt hầu bao hơn khi đi du lịch
Bên cạnh việc đề cao các trải nghiệm độc đáo, mang tính địa phương, du khách Việt quan tâm đến chi phí chuyến đi khi có kế hoạch du lịch trong nước và quốc tế.
Báo cáo của Klook (nền tảng thương mại điện tử dành cho trải nghiệm và dịch vụ du lịch) vừa công bố chỉ ra người Việt có xu hướng ngày càng thắt chặt chi tiêu, đặc biệt là khi du lịch.
Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, khách Việt thể hiện rõ mong muốn được trải nghiệm hoạt động du lịch đáng tiền nhưng với chi phí hợp lý. Có 66% du khách Việt tham gia khảo sát sẵn sàng chi nhiều hơn để có các "trải nghiệm đáng tiền" cho cả chuyến đi trong nước và quốc tế.
Song, giá cả vẫn luôn là yếu tố được quan tâm hàng đầu của du khách, có khoảng 51% du khách cân nhắc kỹ về chi phí và khả năng chi trả cho các chuyến di.
Điều này dẫn đến việc nhiều du khách Việt Nam thường chờ đợi các đợt giảm giá hoặc ưu đãi trước khi lên kế hoạch du lịch. Ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Klook Việt Nam, nhận định việc "săn" khuyến mại đã trở thành xu hướng mới của người tiêu dùng, không chỉ riêng với nhu cầu du lịch.
Báo cáo từ Statista cũng cho thấy các mã giảm giá và voucher đóng vai trò quan trọng trong quyết định sử dụng các nền tảng và dịch vụ trực tuyến để đặt vé của người Việt.
Điều này có sự khác biệt so với xu hướng ưu tiên trải nghiệm hơn chi phí của du khách châu Á - Thái Bình Dương hồi đầu năm. Trước đó, cứ 3 trong số 5 người trả lời sẵn lòng chi tiêu thêm ít nhất từ 30% đến 50% ngân sách cho kỳ nghỉ, so với mức chi tiêu du lịch trung bình ước tính là 2.000 USD mỗi người vào năm 2023.
Khảo sát cũng chỉ ra một thay đổi về mặt hành vi tiêu dùng của du khách Việt trong giai đoạn nửa đầu năm khi đang chuyển hướng sang đi "nhiều, nhanh, gọn, gần" thay vì một chuyến đi đến những địa điểm xa, trong nhiều ngày và chi phí cao hơn.
Giám đốc Klook Việt Nam lý giải sự thay đổi này đến từ việc các chuyến đi ngắn ngày không chỉ giúp du khách tiết kiệm chi phí, phù hợp với nhu cầu và mức thu cá nhân mà còn giúp họ có nhiều trải nghiệm hơn ở những địa điểm khác nhau.
Cụ thể, khoảng 58% du khách cho biết họ ưu tiên thực hiện những chuyến đi ngắn ngày đến các địa điểm gần nơi cư trú. Đây cũng là xu hướng chung của nhóm khách khu vực châu Á - Thái Bình Dương, có 68% du khách yêu thích điều này. Những chuyến đi ngắn thường là những hành trình ngẫu hứng, diễn ra chủ yếu vào cuối tuần, mang đến trải nghiệm mới mẻ.
Khảo sát cũng chỉ ra du khách Việt Nam đều muốn đi du lịch như "thổ địa" khi ưu tiên lựa chọn những trải nghiệm du lịch độc đáo, chân thực và khác biệt thay vì hoạt động truyền thống.
Theo đó, hơn 64% du khách đặc biệt quan tâm đến tính độc đáo của trải nghiệm khi lựa chọn điểm đến. Riêng với nhóm khách gen Z, hơn 30% du khách có nhu cầu tìm hiểu, hòa mình vào văn hoá bản địa. Điều này càng thể hiện rõ hơn khi có 62% du khách khẳng định họ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn dành cho những trải nghiệm du lịch độc đáo.
Ngoài ra, xu hướng du lịch khám phá lịch sử cũng được ghi nhận ngày càng trở nên phổ biến. Các di tích lịch sử, địa danh di sản đón lượng khách tham quan tăng lên đáng kể. Sự thu hút này một phần đến từ nỗ lực cải thiện trải nghiệm du lịch, số hóa khâu bán vé, nhiều hoạt động quảng bá các địa danh nổi tiếng như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hay Đền Quán Thánh.
Dữ liệu của Klook cho thấy thêm nhu cầu du lịch của du khách Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định ở mức hai con số so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á đang là điểm đến được nhiều du khách trẻ yêu thích với hơn 54% người tham gia khảo sát cho biết họ đang có kế hoạch khám phá khu vực này, trong khi 67% du khách ưu tiên du lịch nội địa.
Nhật Bản, Thái Lan, Singapore và Hàn Quốc là những điểm đến nhận được sự quan tâm mạnh mẽ của khách Việt trong 6 tháng đầu năm.
Các địa điểm tham quan, tour du lịch và hoạt động trải nghiệm vẫn dẫn đầu về số lượng đặt vé bởi du khách Việt Nam. Đáng chú ý, dịch vụ thuê xe hơi, gồm thuê xe có tài xế và tự lái, cũng ghi nhận mức phát triển tăng vọt trong độ phổ biến đối với du khách Việt. Điều này phản ánh mong muốn ngày càng tăng về xu hướng du lịch tự túc và có được những trải nghiệm địa phương độc đáo.
Báo cáo của Klook được thực hiện trên 2.600 người tại 13 thị trường bao gồm Hong Kong, Đài Loan, Singapore, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Trung Quốc đại lục, Ấn Độ và Indonesia.