Cảng hàng không

Lào Cai mỏi mắt chờ nhà đầu tư sân bay Sa Pa

Thắng Nguyễn 10/07/2024 13:38

Tỉnh Lào Cai đã giải phóng mặt bằng cho giai đoạn 1 dự án Cảng hàng không Sa Pa nhưng vẫn chưa thể khởi công xây dựng.

Mới đây, trong quyết định phê duyệt danh mục 5 dự án thu hút đầu tư lĩnh vực giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự án.

Trao đổi với OpenSky, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Lào Cai cho biết đến nay cảng hàng không Sa Pa vẫn chưa tìm được nhà đầu tư nên chưa xác định được thời gian khởi công xây dựng. Nguyên nhân dự án khó thu hút đầu tư không được nói rõ.

Theo kế hoạch ban đầu, giai đoạn 1 của dự án khởi công vào năm 2023. Tuy nhiên đến nay sau hơn một năm, việc khởi công vẫn chưa được thực hiện do chưa tìm được đối tác đầu tư.

Chủ trương đầu tư dự án cảng hàng không Sa Pa được Thủ tướng phê duyệt ngày 21/10/2021 với tổng mức đầu tư 6.948 tỷ đồng theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Ban đầu Sở Giao thông Vận tải Lào Cai là đơn vị mời thầu và ký kết hợp đồng dự án. Trong năm 2022, Sở phát hành hồ sơ mời thầu 2 lần: lần 1 từ ngày 21/5 đến ngày 25/7; lần 2 từ ngày 29/9 đến ngày 20/12. Cả hai lần phát hành hồ sơ đều không có nhà đầu tư dự thầu.

pc-37-photo-min.jpg
Phối cảnh sân bay Sa Pa. Ảnh: VNB Tech.

Ngày 24/5 vừa qua, trong hội nghị tại Phú Thọ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết cảng hàng không Sa Pa là một trong những dự án được Thủ tướng ưu tiên nguồn lực đầu tư. Tháng 8/2022, Thủ tướng đã có chuyến khảo sát, kiểm tra tiến độ dự án.

Tổng vốn Nhà nước tham gia vào dự án là 2.730 tỷ đồng (gần 40% tổng mức đầu tư) để giải phóng mặt bằng, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống hạ tầng; còn lại huy động từ nhà đầu tư 4.218 tỷ đồng.

Sân bay Sa Pa dự kiến được xây dựng trên khu đất rộng 371 ha tại xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Với cấp 4C và 9 vị trí đỗ, sân bay có khả năng khai thác các loại máy bay như Airbus A320, A321 và tương đương.

Trong khi chờ đợi đối tác, Lào Cai đã có nhiều biện pháp tăng sức hút cho dự án. Tỉnh đã cơ bản hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư cho giai đoạn 1 với tổng kinh phí là 420 tỷ đồng.

Ngày 7/3, Sở Giao thông Vận tải Lào Cai đã có tờ trình UBND tỉnh về việc nghiên cứu điều chỉnh bổ sung vốn nhà nước tham gia dự án từ 2.730 tỷ đồng lên 3.456,420 tỷ đồng (khoảng 50% tổng mức đầu tư). Tuy nhiên, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư cần được Thủ tướng phê duyệt.

Ngoài cảng hàng không Sa Pa, đến nay trên cả nước đã có 2 sân bay được đầu tư theo hình thức PPP là Vân Đồn và Quảng Trị.

Cùng được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư vào cuối năm 2021 và cùng có chuẩn 4C, dự án cảng hàng không quốc tế Quảng Trị đã khởi công ngày 6/7. Dự án có quy mô trên 265 ha, tổng mức đầu tư 2 giai đoạn là 5.833,9 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng chia sẻ đây dự án này là kết tinh của ý chí, khát vọng, sự trăn trở và nỗ lực không mệt mỏi của bao thế hệ lãnh đạo và người dân Quảng Trị.

T&T Group, doanh nghiệp đầu tư dự án, cam kết sẽ huy động tối đa mọi nguồn lực để hoàn thành cảng hàng không Quảng Trị, đưa dự án trở thành động lực phát triển kinh tế địa phương.

Có quy mô đầu tư tương đương sân bay Sa Pa, sân bay Vân Đồn đã đi vào hoạt động từ năm 2018 sau 2 năm rưỡi thi công trở thành sân bay đầu tiên do tư nhân đầu tư xây dựng. Chủ đầu tư là tập đoàn Sun Group.

Không chỉ xây dựng trong thời gian ngắn kỷ lục, sân bay Vân Đồn còn được đầu tư bài bản hướng tới hoạt động lâu dài. Chỉ sau 1 năm hoạt động sân bay đã được World Travel Awards trao ba giải thưởng lớn: Sân bay khu vực hàng đầu thế giới; Sân bay khu vực hàng đầu châu Á và Sân bay có hệ thống phòng chờ thương gia hàng đầu châu Á.

Thắng Nguyễn