9 máy bay ba động cơ lớn nhất từng hoạt động
Mặc dù những chiếc máy bay phản lực 3 động cơ không còn xuất hiện thường xuyên, chúng từng là phương tiện vận tải chủ lực của ngành hàng không.
Máy bay phản lực 3 động cơ ban đầu được chế tạo cho mục đích ném bom. Tuy nhiên không ít dòng máy bay sử dụng trong hàng không dân dụng cũng sử dụng loại động cơ này.
Dassault Falcon 8X
Dassault Falcon là máy bay 3 động cơ duy nhất vẫn đang được sản xuất. Máy bay của Dassault được thiết kế chủ yếu cho các chuyến bay cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ.
Vì phục vụ cho những ông chủ giàu có, Falcon 8X được trang bị công nghệ hiện đại như dịch vụ như Wi-Fi tốc độ cao trên máy bay. Cabin máy bay rộng rãi được trang bị bàn, giường và thậm chí cả minibar.
Hiện tại, Falcon 8X là máy bay 3 động cơ lớn nhất của Dassault. Nó có hình dáng giống như một chiếc máy bay thương mại thông thường với chiều dài 25 m, cao 8 m và sải cánh dài 26,3 m. Cabin máy bay có sức chứa tối đa 16 người, trọng lượng cất cánh tối đa là khoảng 33 tấn.
Một số máy bay Falcon được chuyển đổi cho các nhiệm vụ trinh sát tín hiệu (SIGINT) và sơ tán y tế.
Yakovlev Yak-42
Ykovlev Yak-42 được Liên Xô sản xuất để thay thế Tupolev Tu-73, máy bay 3 động cơ đầu tiên trên thế giới.
Đây là máy bay tầm ngắn trang bị động cơ turbine cánh quạt kế thừa các ưu điểm của Tupolev Tu-134 và Antonov An-24. Yak-42 có thể chở tới 120 hành khách.
Máy bay này có 2 biến thể chính gồm Yak-42D với tầm bay được cải thiện và Yak-42T, một máy bay chở hàng thay vì máy bay chở khách thương mại.
Trong khi đó Yak-142 là một phiên bản đặc biệt được chế tạo với màn hình điều khiển điện tử thay vì màn hình cơ điện tiêu chuẩn lúc bấy giờ.
Tất cả những phiên bản Yak-42 đều có hình dáng cơ bản giống nhau. Máy bay có chiều dài 36,4 m, cao 9,8 m, sải cánh dài 34,9 m.
Tuy nhiên có sự khác biệt về trọng lượng giữa những phiên bản. Những chiếc Yak-42 với 104 chỗ ngồi có trọng lượng rỗng 34,5 tấn, trong khi một chiếc Yak-42D có thể nặng tới 57 tấn.
Hawker Siddeley Trident
Hawker Siddeley Trident cất cánh lần đầu tiên vào năm 1962, nhưng mãi đến năm 1964 nó mới thực sự chở hành khách.
Đây là máy bay chở khách đầu tiên có khả năng hạ cánh tự động hoàn toàn trong bóng tối, không có đèn đường băng nhờ một loạt hệ thống điện tử hàng không tiên tiến. Hơn nữa, nó còn sử dụng hệ thống Doppler độc quyền để báo cáo vị trí của mình.
Máy bay Hawker Siddeley Trident có nhiều kích thước khác nhau. Chiếc lớn nhất đo được dài 42,3 m và cao 8,2 m với sải cánh dài 29,9 m. Khi không có hành khách, hành lý và nhiên liệu, Trident nặng 33,2 tấn.
Mặc dù ấn tượng về kích thước và hiệu suất, Trident bị lép vế khi Boeing giới thiệu máy bay 3 động cơ của mình.
Boeing 727
Khi nói tới máy bay 3 động cơ, người ta thường nghĩ đến Boeing 727. Các phi công coi đây là một trong những máy bay thương mại tốt nhất do tốc độ và khả năng hạ cánh dễ dàng.
727 là máy bay duy nhất của Boeing có thiết kế 3 động cơ phản lực. Hãng sản xuất máy bay hàng đầu thế giới nhanh chóng từ bỏ máy bay 3 động cơ để tập trung sản xuất các dòng tàu bay 2 động cơ 737 và 757.
Boeing 727 có hai thế hệ 727-100 và 727-200. Dòng 727-200 dài 46,7 m, cao 10,64 m, sải cánh dài 33 m. Sức chứa của 727 từ 134 đến 155 hành khách tùy cấu hình ghế.
Trọng lượng cất cánh tối đa của 727-200 có thể lên tới 95 tấn.
Tupolev Tu-154/155
Tupolev Tu-154 từng là máy bay chủ lực của hàng không Liên Xô. Chiếc máy bay chở khách tầm trung này đáng tin cậy đến mức nó vẫn được sử dụng từ những năm 1960 đến những năm 2000.
Tupolev thậm chí còn sửa đổi một chiếc Tu-154 thành Tu-155, giống hệt bản gốc về cấu trúc ngoại trừ sử dụng nhiên liệu khác. Cuộc thử nghiệm trên Tu-155 mở đường cho ngành hàng không thế giới trong việc sử dụng nhiên liệu thay thế như hydrogen hay khí hóa lỏng.
Tupolev Tu-154 có nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau. Tất cả các biến thể Tu-154 đều dài 48 m, cao 11,4 m và sải cánh 37,5 m. Tu-154M là biến thể nặng nhất với trọng lượng 55,3 tấn khi trống và 103,8 tấn khi chở tối đa 180 hành khách.
Lockheed L-1011 Tristar
Giống như Hawker Siddeley Trident, Lockheed L-1011 Tristar đi trước thời đại nhưng vẫn thất bại.
Theo nhà sản xuất, đây là "máy bay thương mại đầu tiên có khả năng tự bay từ khi cất cánh đến khi hạ cánh".
Tristar không chỉ có công nghệ tiên tiến mà còn cung cấp sự sang trọng cho hành khách. Nhiều người ví chuyến bay của họ giống như ở trong khách sạn hoặc tàu du lịch.
Các vấn đề tài chính đã gây khó khăn cho Lockheed Martin cũng như Rolls-Royce, nhà sản xuất động cơ của Tristar.
Do đó, L-1011 Tristar là máy bay thương mại cuối cùng của Lockheed Martin trước khi công ty chuyển trọng tâm sang máy bay phản lực quân sự.
L-1011 Tristar là một chiếc máy bay sang trọng có 2 tầng và một thang máy để di chuyển giữa các tầng.
Tristar dài 54,5 m, cao 16,86 m và sải cánh dài 47,34 m. Máy bay có thể chở tổng cộng 250 hành khách với tải trọng tối đa 195 tấn.
McDonnell Douglas DC-10
McDonnell Douglas DC-10 là một trong số ít máy bay phản lực 3 động cơ vẫn còn hoạt động. DC-10 bay chuyến đầu vào năm 1971 với nhiệm vụ chở khách tầm xa.
Hình ảnh của máy bay bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi 2 vụ tai nạn của American Airlines và Air New Zealand vào tháng 5 và tháng 11 năm 1979.
Chiếc máy bay này đã dừng vận chuyển hành khách vào năm 2014, nhưng nó vẫn được sử dụng cho mục đích chở hàng và cải tạo để tiếp nhiên liệu trên không.
McDonnell Douglas DC-10 có ba loại là DC-10-10, DC-10-30 và DC-10-40. DC-10-10 là máy bay lớn nhất với chiều dài 55,55 m, cao 17,52 m và sải cánh 47,34 m. Tất cả các máy bay DC-10 đều có thể chở được 270-399 hành khách.
McDonnell Douglas KC-10 Extender
Khi một chiếc máy bay cần nạp nhiên liệu giữa chuyến bay, đó là lúc McDonnell Douglas KC-10 Extender phát huy tác dụng.
Đây là bản sửa đổi McDonnell Douglas DC-10 để vận chuyển nhiên liệu và hàng hóa. Hệ thống dây dẫn được bổ sung vào KC-10 cho phép nó chuyển nhiên liệu sang một máy bay gần đó, do đó máy bay có tên "Extender".
KC-10 Extender là một máy bay DC-10 đã được sửa đổi nên chúng có cấu trúc giống nhau. Có cùng độ dài và sải cánh nhưng chiều cao của KC-10 đã tăng thêm gần 20 cm và có thể nặng tới 267 tấn.
KC-10 có đủ chỗ cho 75 hành khách nhưng nhiệm vụ chính của nó là vận chuyển hàng hóa và nhiên liệu.
McDonnell Douglas MD-11
McDonnell Douglas MD-11 là sản phẩm kế thừa của McDonnell Douglas MD-10. Đối với MD-11, McDonnell Douglas tập trung vào những cải tiến như hiệu suất động cơ cao hơn và tiết kiệm nhiên liệu, đồng thời mở rộng không gian khoang hàng hóa và hành lý xách tay.
McDonnell Douglas đã làm lại buồng lái để MD-11 có thể được điều khiển bởi 2 phi công, trong khi những chiếc máy bay 3 động cơ trước đây cần có 3 phi công.
Vài năm sau khi MD-11 cất cánh lần đầu tiên, Boeing đã mua lại McDonnell Douglas và cho máy bay nghỉ hưu sớm.
MD-11 có thể chở nhiều hàng hóa hơn các máy bay khác vào thời điểm nó ra đời. Máy bay có chiều dài 61,2 m, cao 17,6 m, sải cánh 51,66 m. Khi đầy chỗ, máy bay nặng 276,7 tấn và có thể chở được 248 hành khách.
Máy bay có một biến thể MD-11F, được chế tạo để chuyên chở hàng hóa. Ngoài một cửa hàng lớn để bốc dỡ hàng hóa, MD-11F giống hệt MD-11 tiêu chuẩn.