Trung Quốc ngày càng có ảnh hưởng lớn với Airbus
Airbus đang có những động thái thể hiện cam kết của họ với Trung Quốc. Ở chiều ngược lại, Trung Quốc cũng ngày càng tạo ảnh hưởng sâu sắc tới Airbus.
Airbus đặt 2 nhà máy lắp ráp tại Trung Quốc
Ngày 8/7, Airbus bàn giao tàu bay A320 thứ 700 được lắp ráp tại dây chuyền Thiên Tân, Trung Quốc (FALA Thiên Tân).
Khánh thành vào năm 2008, FALA Thiên Tân là dây chuyền Airbus đầu tiên thành lập bên ngoài châu Âu. Đến nay, đây vẫn là dây chuyền lắp ráp Airbus duy nhất đặt tại châu Á.
Trải qua 16 năm hoạt động, FALA trở thành hình mẫu cho sự hợp tác thành công giữa Trung Quốc và châu Âu.
Sau khi giao chiếc A320 đầu tiên vào năm 2009, FALA giao chiếc thứ 500 cuối tháng 10/2020. Chỉ trong vòng chưa đầy 4 năm sau, dây chuyền đạt cột mốc chiếc A320 thứ 700.
Christoph Schrempp, Tổng giám đốc Trung tâm giao hàng Airbus Thiên Tân, cho biết máy bay lắp ráp ở FALA hiện chiếm một phần ba lượng máy bay A320 thuộc sở hữu của hàng không Trung Quốc.
"Con số này nêu bật sự hợp tác lâu dài, sâu sắc giữa Airbus và ngành hàng không Trung Quốc", George Xu, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Airbus Trung Quốc, nhận xét.
Không chỉ cung cấp trong nước, FALA Thiên Tân còn vận chuyển máy bay cho Wizz Air (Hungary) và Cebu Pacific (Philippines).
Airbus đang từng bước mở rộng dấu ấn công nghiệp của mình tại đất nước 1,4 tỷ dân, tích hợp chuỗi cung ứng với Trung Quốc, dẫn đến sự hiện diện ngày càng tăng của cấu phần linh kiện Trung Quốc trên máy bay Airbus.
Chuỗi công nghiệp hàng không ổn định của đất nước này cho phép Airbus cung ứng sản phẩm đều đặn ra toàn cầu.
Hiện nay, dự án FALA thứ hai tại Thiên Tân - khởi công tháng 9/2023 - đang được xây dựng với tốc độ tối đa và dự kiến đi vào hoạt động đầu năm 2026.
Sau khi hoàn thành dự án, mạng lưới sản xuất toàn cầu của Airbus gồm 10 dây chuyền lắp ráp: 2 ở Thiên Tân, 2 ở Toulouse (Pháp), 2 ở Mobile (Alabama, Mỹ) và 4 ở Hamburg (Đức).
Công suất tại Trung Quốc dự kiến chiếm 20% tổng công suất A320 toàn cầu.
Trong những năm qua, Airbus cam kết tăng cường hợp tác chiến lược để đóng góp vào sự phát triển chất lượng cao của hàng không Trung Quốc, đồng thời xây dựng cầu nối trao đổi, hợp tác Trung Quốc - châu Âu.
Nền kinh tế số 2 thế giới là thị trường quốc gia đơn lẻ lớn nhất với Airbus. Số lượng máy bay chuyển cho Trung Quốc hàng năm chiếm 20% tổng máy bay Airbus bàn giao trên toàn cầu.
Thị phần máy bay Airbus tại đất nước 1,4 tỷ dân cũng tăng mạnh từ khoảng 20% vào năm 2008 lên hơn 50% năm nay.
Nhu cầu máy bay tại Trung Quốc ngày càng tăng cũng là cơ hội với Airbus. Hàng không nước này đã phục hồi thành công. Dữ liệu từ Flight Master, một nền tảng du lịch hàng không, cho thấy trong nửa đầu năm, Trung Quốc ghi nhận khoảng 2,7 triệu chuyến bay, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái và vượt 1,2% so với 2019.
Theo dự báo thị trường của Airbus, tốc độ tăng trưởng trung bình năm của vận tải hàng không Trung Quốc sẽ đạt 5,3% trong 20 năm tới, cao hơn mức trung bình toàn cầu 3,6%.
Đến năm 2042, toàn thế giới cần khoảng hơn 40.000 máy bay mới, riêng Trung Quốc chiếm 9.000 chiếc trong số này.
Trung Quốc tham gia cứu Airbus A330neo
Ngoài lắp ráp máy bay Airbus, Trung Quốc còn từng bước nâng cao vị thế đặc quyền của khách mua hàng số lượng lớn, nhằm phục vụ cho những mục đích khác.
Đầu tháng 6, truyền thông quốc tế đưa tin Airbus đang tổ chức thảo luận với các hãng hàng không Trung Quốc về khả năng bán hơn 100 chiếc A330neo. Đây là kết quả cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Nếu thành công, đơn đặt hàng 100 máy bay là chiếc phao cứu sinh để chương trình A330neo bám vào. Còn nếu đàm phán thất bại, khả năng Airbus phải sớm chấm dứt A330neo. Đây là mẫu máy bay bán chậm của nhà sản xuất châu Âu.
Năm 2023, chỉ có 8 chiếc A330neo được đặt hàng. Trong khi đó, hãng chế tạo máy bay thương mại số một thế giới bán được 1.689 chiếc A320neo và 281 chiếc A350.
Ra mắt năm 2017, tính đến nay A330neo mới bán được 299 chiếc cho 25 khách hàng.
Trung Quốc nhiều khả năng chốt thương vụ giải cứu này. Họ muốn lấy thêm tiếng nói, vị thế và sức ảnh hưởng giúp máy bay Trung Quốc sản xuất sớm được châu Âu công nhận.
Đến nay, Cơ quan An toàn Hàng không châu Âu (EASA) vẫn chưa công nhận các mẫu máy bay C919 và ARJ21 của Công ty Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC).
Việc giải cứu cả một dòng máy bay của Airbus - niềm tự hào châu Âu - có thể sẽ giúp Trung Quốc đẩy nhanh tiến trình EASA phê duyệt hồ sơ cấp phép cho máy bay COMAC sải cánh trên bầu trời châu Âu.