Lý do không lãnh đạo Boeing nào bị kết tội
Dù Boeing đồng ý nhận tội âm mưu gian lận, không lãnh đạo nào trong tập đoàn này phải đối mặt với án tù.
Collen Clark, người sáng lập văn phòng luật Schmidt & Clark ở Washington D.C (Mỹ), giải thích thỏa thuận nhận tội là với toàn bộ tập đoàn Boeing, không phải với bất kỳ cá nhân nào trong tập đoàn. Các thủ tục pháp lý nhắm vào cả doanh nghiệp chứ không nhắm vào cá nhân cụ thể.
Collen cho biết rào cản luật doanh nghiệp Mỹ khiến việc buộc cá nhân chịu trách nhiệm là vô cùng khó khăn.
Trường hợp Boeing là ví dụ điển hình cho những thách thức trong việc yêu cầu các tập đoàn kinh tế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ngày 8/7, Boeing đồng ý nhận tội âm mưu lừa đảo các cơ quan quản lý Mỹ về hệ thống tăng cường đặc tính cơ động (MCAS) trên mẫu máy bay 737 MAX và không tổ chức chương trình đào tạo để sử dụng hệ thống này.
MCAS được cho là nguyên nhân gây ra 2 vụ rơi máy bay tại Indonesia và Ethiopia, khiến 346 người thiệt mạng.
Trước đó vào ngày 30/6, Bộ Tư pháp Mỹ cho Boeing chọn một trong hai phương án: Đồng ý với thỏa thuận nhận tội, hoặc cùng nhau ra tòa để xét xử cáo buộc lừa đảo.
Boeing chọn đồng ý thỏa thuận nhận tội. Nó giúp Boeing tránh phải ra toà đối mặt với công tố viên, nơi mà có thể Boeing bị phơi bày thêm các tội danh khác.
Bộ Tư pháp Mỹ sẽ đệ trình thỏa thuận này lên thẩm phán liên bang. Nếu được thẩm phán chấp nhận, Boeing bị coi là tội phạm nghiêm trọng, phải nộp phạt hơn 243 triệu USD, cam kết đầu tư 455 triệu USD cải tiến chất lượng và bị giám sát viên quản chế trong 3 năm.
Thỏa thuận này chỉ trao cho Boeing quyền miễn trừ với các vụ tai nạn, không cho họ quyền miễn trừ đối với các sự cố khác, điển hình như vụ bung tấm bịt cửa ngày 5/1.