Mở đường bay thẳng Trùng Khánh, kích cầu du lịch 2 chiều
Đường bay thẳng Trùng Khánh (Trung Quốc) - Hà Nội chỉ mất 2 giờ bay giúp du khách Việt Nam và Trung Quốc tiết kiệm thời gian di chuyển, qua đó kích cầu du lịch 2 chiều.
Trong tháng 6, nhiều đường bay giữa Việt Nam và các thành phố của Trung Quốc được khởi động trở lại. Điển hình như đường bay charter từ sân bay Cát Bi (Hải Phòng) đi Lệ Giang, Hà Nội - Thành Đô, Hà Nội - Hải Khẩu, gần đây nhất là đường bay mới giữa Hà Nội - Trùng Khánh (Trung Quốc).
Theo các doanh nghiệp lữ hành, đường bay này là cơ hội để du khách Việt Nam khám phá các điểm đến phía tây nam Trung Quốc, đồng thời thúc đẩy thị trường khách ở khu vực này đến Việt Nam, nhờ rút ngắn thời gian di chuyển.
Ông Hồ Xuân Phúc - Tổng giám đốc Hanotours - nhận định trước dịch Covid-19, Trung Quốc là thị trường gửi khách lớn nhất Việt Nam và hiện tại thị trường này vẫn là nguồn khách quan trọng đối với du lịch Việt.
Do đó, việc khôi phục các đường bay từ Việt Nam đến các tỉnh, thành của Trung Quốc sẽ giúp lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam tăng nhanh chóng trong năm nay và sang năm 2025.
"Với người dân Trung Quốc, Việt Nam vẫn là điểm đến tiềm năng, gần gũi, có sự tương đồng về văn hóa, ẩm thực", ông Phúc nói.
Trước đó, khi chưa có đường bay, du khách thường đi theo đường bộ từ Hà Nội đến cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) làm thủ tục xuất cảnh. Tiếp đó, du khách đến Bằng Tường (Trung Quốc), đi ôtô với quãng đường khoảng 200 km đến TP Nam Ninh để chuyển chặng bay đến TP Trùng Khánh.
Nếu tính cả đi cả về du khách đã mất gần 2 ngày chỉ để di chuyển, thời gian trải nghiệm không nhiều. Còn hiện nay, khi di chuyển bằng đường bay thẳng, du khách chỉ mất khoảng 7 giờ (gồm cả thời gian xuất, nhập cảnh).
Đánh giá về ngành du lịch Việt Nam, ông Dương Hải Quân, đại diện Hãng hàng không West Air (Trung Quốc), cho biết Việt Nam sở hữu nhiều cảnh quan, điểm du lịch hấp dẫn và giàu truyền thống văn hóa. Do đó, Việt Nam thu hút đông đảo du khách quốc tế, trong đó có Trung Quốc.
"Tôi nhận thấy ngày càng có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đến đầu tư tại Việt Nam. Rất nhiều khách hàng của chúng tôi đến Việt Nam để tìm kiếm cơ hội hợp tác, du lịch, tìm hiểu thị trường… Tôi tin rằng đường bay Hà Nội - Trùng Khánh sẽ giúp du khách hai nước thuận tiện hơn khi đi du lịch, hợp tác", ông Hải Quân nhận định.
Theo ông Quân, ở Hà Nội, du khách Trung Quốc rất thích các điểm đến mang đậm màu sắc văn hóa, lịch sử như lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, các công trình kiến trúc Pháp cổ hay đường tàu hỏa trong lòng phố.
Tương tự, ông Phạm Tiến Dũng, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội, nhận định đường bay Trùng Khánh - Hà Nội là cơ hội để Việt Nam khai thác nguồn khách rộng lớn ở phía Tây của Trung Quốc.
Cũng theo ông, năm nay sự phục hồi nguồn khách từ thị trường Trung Quốc sẽ là cơ hội để du lịch Việt Nam "cất cánh".
"Tất cả các quốc gia, đặc biệt tại Đông Nam Á, đều tìm mọi chính sách để thu hút khách Trung Quốc. Vì vậy, Việt Nam không thể đứng ngoài việc thúc đẩy đón khách Trung Quốc. Tuy nhiên, các điểm đến tại Việt Nam khi thu hút khách Trung Quốc cần hướng tới thị trường tốt hơn, bền vững hơn và có mức chi trả cao hơn", ông Dũng chia sẻ.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm, lượng khách Trung Quốc đến Việt Nam đã đạt gần 1,9 triệu lượt, tăng hơn 200% so với cùng kỳ năm 2023. Trung Quốc hiện là thị trường gửi khách lớn thứ 2 của Việt Nam trong nửa đầu năm nay và chiếm hơn 20% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong giai đoạn này.
Riêng trong tháng 5/2024, Trung Quốc là nguồn khách quốc tế lớn nhất của Việt Nam, đạt 357.190 lượt.