Chuyện gì xảy ra với Boeing kể từ bước ngoặt ngày 5/1?
6 tháng qua ghi nhận những sóng gió mới ập lên đầu Boeing. Họ đang quyết tâm thay đổi, nhưng những cơn đau của quá khứ liên tục dội về.
Boeing là gã khổng lồ kinh tế, nhà xuất khẩu lớn nhất nước Mỹ và tấm gương sáng về sức mạnh công nghiệp của xứ cờ hoa.
Hãng máy bay này từng đạt danh tiếng vô song về độ an toàn và chất lượng, đến mức người ta truyền tai nhau câu nói “Nếu không phải Boeing thì tôi không đi máy bay".
Nhưng giờ điều đó không còn nữa.
Từ cuối năm 2018, một loạt sự cố ập đến tập đoàn. Nghiêm trọng nhất là 2 vụ tai nạn làm 346 người chết, khiến Boeing lâm vào kiện cáo nhiều năm, mẫu máy bay 737 MAX bán chạy nhất bị cấm bay trong 20 tháng.
Vì vụ việc này, Boeing thiệt hại hàng chục tỷ USD, cổ phiếu mất một nửa giá trị. Hãng tụt xuống xếp sau Airbus về thị phần máy bay thương mại.
Ngày 5/1 năm nay, chỉ 2 ngày trước khi Boeing mãn “án treo" là thoả thuận tránh truy tố hình sự, chiếc 737 MAX 9 của Alaska Airlines bung tấm bịt cửa giữa trời.
Thoả thuận tránh truy tố yêu cầu Boeing trong 3 năm không được để xảy ra sự cố liên quan đến an toàn, chất lượng, nếu không có thể bị truy tố hình sự.
Dù may mắn không ai bị thương trong vụ bung tấm bịt cửa, sự cố này kích hoạt chuỗi rắc rối mới ập lên Boeing. Các cơ quan quản lý vào cuộc kiểm soát chặt, duy trì thanh tra thường xuyên ở nhà máy Boeing, đồng thời hạn chế họ tăng năng suất lắp ráp máy bay.
Dưới đây là cách Boeing lâm vào tình trạng rắc rối như hiện nay.
Ngày 5/1
Chỉ sau 20 phút cất cánh, chiếc 737 MAX 9 của hãng hàng không Alaska Airlines bị bung tấm bịt cửa giữa độ cao khoảng 4.800 m. Một lỗ hổng to như cửa thoát hiểm lộ ra, khiến áp suất trong cabin giảm mạnh, đồ đạc bị hút ra ngoài. May mắn không có ai ngồi gần vị trí này.
Tấm bịt cửa không phải khung cửa sổ thông thường. Nó là phương pháp để bịt cửa thoát hiểm dành cho các hãng hàng không đặt máy bay với số ghế ít hơn công suất tối đa.
Với những hãng khai thác tối đa 220 ghế, họ cần thêm 4 cửa thoát hiểm: 2 cửa trên 2 cánh và 2 cửa khác ở vị trí giữa cánh và đuôi nhằm đảm bảo nguyên tắc toàn bộ hành khách phải được sơ tán ra khỏi máy bay trong 90 giây.
Với những hãng như Alaska Airlines chỉ khai thác 189 ghế, họ không cần 2 cửa thoát hiểm ở vị trí giữa cánh và đuôi. Boeing xử lý bằng cách bịt vị trí này bằng tấm bịt cửa.
Tấm bịt cửa cố định vào thân máy băng bằng vít hãm, đệm hãm và chốt ngăn chặn sự di chuyển dọc.
Sự cố khiến 737 MAX 9 ngay lập tức bị cấm bay khẩn cấp trong 19 ngày. Boeing mất hàng trăm triệu USD đền bù cho Alaska Airlines vì đội bay 737 MAX không thể cất cánh.
Ngày 24/1
FAA cho phép biến thể 737 MAX 9 trở lại bầu trời, nhưng chính thức cấm Boeing mở rộng sản xuất toàn bộ dòng máy bay 737 MAX. Cơ quan này sẽ duy trì sự hiện diện thường trực của thanh tra viên tại cả nhà máy của Boeing và Spirit.
Ngày 6/2
Uỷ ban An toàn giao thông Mỹ (NTSB) xác nhận chiếc máy bay của Alaska Airlines rời nhà máy hồi tháng 10/2023 mà thiếu mất 4 bulông. Những chiếc bulông này chưa bao giờ được lắp đặt.
Báo cáo của NTSB bao gồm một bức ảnh chụp tháng 9/2023, hơn một tháng trước khi máy bay được giao cho Alaska Airlines.
Bức ảnh được lấy từ tin nhắn giữa 2 nhân viên Boeing mà các nhà điều tra của NTSB thu thập được, cho thấy các bulông không được lắp đặt trong quá trình lắp ráp.
Điều đó đồng nghĩa chiếc 737 MAX 9 này đã bay trong vài tháng trước sự cố 5/1 mà không có bulông cần thiết.
Ngày 26/2
Sau cuộc điều tra kéo dài 1 năm, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) chỉ trích gay gắt văn hoá an toàn của Boeing. Giữa các giám đốc và nhân viên Boeing không có sự gắn kết về an toàn, các nhân viên sợ bị trả thù nên không dám lên tiếng tố giác.
FAA cho Boeing 90 ngày để lập kế hoạch khắc phục vấn đề về an toàn và chất lượng.
Ngày 1/3
Bộ Ngoại giao Mỹ phạt Boeing vì vi phạm đạo luật kiểm soát xuất khẩu vũ khí, cho phép nhân viên ở Trung Quốc và các quốc gia khác tải xuống dữ liệu nhạy cảm từ nhiều máy bay và tên lửa.
Ngày 11/3
Chiếc Boeing 787 của LATAM Airlines từ Sydney, Australia đến Auckland, New Zealand bị giảm độ cao đột ngột, khiến hàng chục hành khách bay lên trần cabin và bị thương.
Vài ngày sau sự cố, Boeing gửi thông báo tới các hãng hàng không đang vận hành 787, cảnh báo họ xem xét công tắc trên ghế của phi công.
Nếu vô tình kích hoạt, nó có thể đẩy phi công về phía trước, lao vào bộ điều khiển, sau đó máy bay có thể bổ nhào.
Ngày 13/3
John Barnett, cựu quản lý chất lượng tại nhà máy Boeing, được phát hiện chết trong xe bán tải.
John về hưu năm 2017 sau hơn 3 thập kỷ làm việc tại Boeing. Năm 2019, John tố cáo nhà máy Boeing tại bang Nam Carolina buộc nhân viên làm việc quá sức khiến họ lắp phụ tùng không đạt tiêu chuẩn, đồng thời cho biết hệ thống cung cấp oxy trên máy bay bị lỗi có thể khiến 25% số mặt nạ dưỡng khí không hoạt động bình thường.
Ngày 25/3
Boeing thông báo CEO Dave Calhoun sẽ ra đi vào cuối năm nay. Đây là vị CEO Boeing đầu tiên làm việc trong giai đoạn hãng này không cho ra mắt mẫu máy bay mới nào.
Ngày 9/4
FAA công bố một cuộc điều tra về khiếu nại của người tố cáo, rằng công ty đã đi đường tắt khi sản xuất 777 và 787 Dreamliner. Khi máy bay sử dụng lâu, có thể xảy ra những rủi ro thảm khốc.
Ngày 2/5
Chỉ vài tuần sau khi John Barnett tử vong, một người tố giác Boeing khác cũng qua đời. Joshua Dean, cựu nhân viên Spirit AeroSystems qua đời vì nhiễm khuẩn nặng.
Những ngày cuối đời của Joshua là địa ngục. Anh bị viêm phổi cấp, phải can thiệp bằng ECMO (máy chạy tim - phổi nhân tạo).
Tình trạng nhiễm khuẩn nghiêm trọng đến mức bác sĩ từng tính đến chuyện cưa bỏ 2 tay 2 chân của Joshua để giành giật sự sống cho cựu kỹ sư Spirit. Sau 2 tuần kể từ lúc nhập viện, Joshua qua đời.
Người đàn ông 45 tuổi từng tố cáo sai sót nghiêm trọng về lỗ khoan không hợp chuẩn trên vách kháng áp 737 MAX vào tháng 10/2022, nhưng không được khắc phục. Joshua cũng phát hiện một lỗi khác trong quá trình lắp cánh đuôi đứng vào khung thân máy bay.
Joshua bị sa thải sau khi lỗi này được công bố vào tháng 4/2023 khiến đơn giao hàng tại nhà máy của Boeing bị hoãn lại. Sau đó anh gửi đơn tới Cơ quan Hàng không Liên bang (FAA), cáo buộc nhà cung cấp của Boeing có sai phạm trắng trợn ở quản lý cấp cao về chất lượng của dòng máy bay 737.
Cái chết liên tiếp của 2 người tố giác làm dấy lên nghi vấn về sự dính líu của Boeing.
Ngày 15/5
Bộ Tư pháp thông báo Boeing có thể đối mặt với tội hình sự vì vi phạm các điều khoản của thỏa thuận hoãn truy tố. Khi đó, Boeing được hoãn truy tố cáo buộc lừa đảo FAA. Đổi lại, họ cam kết cải thiện tính minh bạch và an toàn chất lượng.
Thỏa thuận này có thời hạn 3 năm. Nhưng sự cố bung tấm bịt cửa Alaska Airlines xảy ra chỉ 2 ngày trước khi thoả thuận khép lại, khiến Boeing một lần nữa lại khiến các cơ quan giám sát liên bang phẫn nộ.
Ngày 30/5
Boeing thuyết trình với FAA những việc họ đã làm để cải thiện an toàn chất lượng sản xuất, trong một cuộc gặp kéo dài 3 giờ.
Kế hoạch này bao gồm các cải tiến trong đào tạo nhân viên, làm rõ hướng dẫn dành cho nhân viên trong dây chuyền lắp ráp và các bước nhằm ngăn chặn nhà cung cấp vận chuyển bộ phận bị lỗi đến nhà máy Boeing.
Sau cuộc gặp, FAA nói bản thuyết trình của Boeing toàn diện nhưng họ vẫn còn nhiều việc chưa làm được. Nhà chức trách hàng không Mỹ quyết định duy trì lệnh cấm mở rộng sản xuất.
Ngày 18/6
CEO Dave Calhoun phải đối mặt với những lời chỉ trích gay gắt trong buổi điều trần trước tiểu ban điều tra Thượng viện Mỹ.
Calhoun, trong phiên điều trần đầu tiên của mình trước Thượng viện, thừa nhận văn hóa an toàn của Boeing “còn lâu mới hoàn hảo”, nhưng tập đoàn cam kết khắc phục vấn đề. Lời hứa đó không thể làm giảm bớt những chỉ trích dữ dội từ Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa.
Ngày 25/6
Tại cuộc gặp với báo giới ở nhà máy 737 Max, đại diện Boeing cho biết việc thiếu giấy tờ ghi lại quy trình là lý do tại sao 4 bulông cần thiết để giữ chốt cửa chưa bao giờ được lắp đặt. Việc thiếu bulông là nguyên nhân khiến tấm bịt cửa bung ra.
Công nhân chưa bao giờ nhận được lệnh làm việc nhắc họ biết phải lắp lại bulông.
Hai đội khác nhau làm việc với chốt tấm bịt cửa, một đội tháo chốt để khắc phục sự cố đinh tán do nhà cung cấp Spirit AeroSystems lắp đặt. Một đội khác đặt cửa trở lại vị trí mà họ cho rằng chỉ là tạm thời khi máy bay di chuyển dọc theo dây chuyền lắp ráp.
Do không có giấy tờ quy trình cần thiết, các công nhân ở vị trí khác trên dây chuyền không biết việc phải lắp lại bulông.
Bất kể cách giải thích nào đều dẫn đến một kết luận: quy trình kiểm soát chất lượng của Boeing quá lỏng lẻo.
Ngày 1/7
Boeing công bố thâu tóm nhà thầu Spirit AeroSystems với giá 4,7 tỷ USD để kiểm soát chất lượng. Thương vụ bán Spirit năm 2005 bị cho là sai lầm, giờ Boeing mua lại để sửa sai. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng đây không phải thương vụ sáng suốt.
Ngày 7/7 tới là hạn chót để Boeing đồng ý thỏa thuận nhận tội hoặc bị công tố viên đưa ra toà xét xử. Cả hai con đường đều có những ưu điểm, khuyết điểm riêng.