An toàn

Quy trình sửa chữa máy bay EVA Air sau sự cố ở Tân Sơn Nhất

Vân Khanh 05/07/2024 15:28

Vụ cánh máy bay của EVA Air tông gãy cột đèn tại sân bay Tân Sơn Nhất hôm 3/7 được đánh giá là sự cố hàng không nghiêm trọng.

Chia sẻ với OpenSky về việc máy bay hãng EVA Air húc đổ cột đèn tại sân bay Tân Sơn Nhất, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết tổ lái của chuyến bay không yêu cầu dịch vụ dẫn đường (follow me car). Bước đầu cơ quan quản lý đánh giá đây là sự cố hàng không nghiêm trọng, ở mức B.

“Dịch vụ xe dẫn đường không phải là yêu cầu bắt buộc với các hãng. Tuy nhiên, việc EVA Air không sử dụng dịch vụ này có thể đánh giá hãng chưa thật sự hiểu về sân bay khai thác", ông Thắng nhận định.

Đây là dịch vụ mà sân bay cung cấp cho các hãng hàng không có nhu cầu nhằm trợ giúp tổ lái di chuyển tàu bay trên đường lăn, sân đỗ để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho tàu bay và hành khách.

Quy trình kiểm tra

Theo một nguồn tin của OpenSky, đoàn chuyên gia của EVA Air đã đến Việt Nam ngày 4/7 để đánh giá về sự cố.

Cánh trái máy bay bị móp sau va chạm. Ảnh: TIA.
Cánh trái máy bay bị móp sau va chạm. Ảnh: TIA.
Cận cảnh vết móp trên cánh máy bay sau va chạm. Ảnh: TIA.
Cận cảnh vết móp trên cánh máy bay sau va chạm. Ảnh: TIA.

“Bước đầu trong quy trình kiểm tra tàu bay khi gặp sự cố thuộc về chuyên gia của hãng bay. Tùy thuộc mức độ nghiêm trọng mà các bước tiếp theo được tiến hành. Thậm chí, nếu sự cố nghiêm trọng, chuyên gia của hãng phải kết hợp với nhà sản xuất máy bay để sửa chữa”, chuyên gia này nói.

Trước mắt, trong thời gian chờ kết luận chính thức, tàu bay của EVA Air được kéo vào bãi đỗ theo chỉ định. Phía cơ quan quản lý của Đài Loan (Trung Quốc) tiến hành thành lập bộ phận có thẩm quyền sang Việt Nam để điều tra hiện trường. Nếu phía Đài Loan uỷ quyền, Cục Hàng không Việt Nam sẽ đứng ra chủ trì điều tra.

Việc điều tra và kết luận sự cố của EVA Air sẽ cần xem xét trên một số yếu tố như cơ sở hạ tầng của sân bay, khu vực bay có vạch sơn hay tín hiệu rõ ràng và trình độ chuyên môn, đã cấp huấn lệnh cho kiểm soát viên không lưu và phi công đội bay khi xảy sự cố có nhận được hướng dẫn không.

Bên cạnh đó, sự cố này còn phải được đánh giá dựa trên việc tàu bay có đủ điều kiện bay không. Cục Hàng không Đài Loan sau khi sang Việt Nam kiểm tra mới đưa đến quyết định cho tàu tiếp tục vận hành hay chuyển sân về sửa chữa. Từ đó, Cục Hàng không Việt Nam mới xem xét và dựa vào đề nghị của EVA Air để cấp phép bay.

Khi có kết luận điều tra, đánh giá thiệt hại chính thức và được Cục Hàng không Đài Loan phê duyệt, EVA Air mới có thể tổ chức sửa chữa và phục hồi sự cố.

Trên thực tế, những thiệt hại khi máy bay đang ở mặt đất như EVA Air vừa gặp không mới.

Brandon Popovich, Giám đốc an toàn và đào tạo của NATA (Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc gia, Mỹ), chia sẻ với Aviation Pros rằng thiệt hại khi máy bay đang ở mặt đất gồm bất kỳ sự cố có thiệt hại nào xảy ra với máy bay khi đang trên mặt đất, bao gồm nhiều khu vực và nhiều tình huống khác nhau. Một số khu vực thường xảy ra sự cố là đường băng hoặc sân đỗ. Vụ việc của EVA Air là một ví dụ về sự cố xảy ra ở bến đậu.

Thiệt hại mặt đất được định nghĩa là bất kỳ sự biến dạng nào của cấu trúc, thành phần, kết cấu hoặc các bộ phận của máy bay. Nguyên nhân của điều này có thể là máy bay va chạm với vật thể khác hoặc bị một vật thể đâm vào.

Dù ở trường hợp nào, theo ông Popovich, yếu tố con người vẫn là tác nhân chính gây ra những sự cố thiệt hại mặt đất. Phần cánh và đầu máy bay là điểm dễ bị hư hỏng nhất trong các sự cố này.

Một số trường hợp vấn đề hư hỏng có thể thấy rõ. Tuy nhiên, để có kết quả cuối cùng, các hãng sẽ tiến hành kiểm tra và bảo dưỡng toàn bộ máy bay.

Chi phí sửa chữa đắt đỏ

Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) ước tính chi phí cho những sự cố như vậy lên tới khoảng 5 tỷ USD/năm. Trong tương lai, chi phí sửa chữa và số lượng sự cố tương tự được dự báo tiếp tục gia tăng.

Cụ thể, chi phí này bao gồm việc xử lý và khắc phục sự cố, khấu hao thời gian tạm ngưng hoạt động. Popovich cho biết tùy vào mức độ hư hỏng, thiết bị chuyên dụng hay linh kiện thay thế cần thời gian dài để sửa chữa hoặc đặt hàng.

Chi phí sửa chữa có thể lên tới 50.000-100.000 USD mỗi vụ. Tuy nhiên, nếu tính toán kỹ càng, các hãng còn phải chịu nhiều “chi phí ẩn khác" gồm giảm hiệu suất của nhân viên, quá trình dọn dẹp và tái khởi động sau thời gian gián đoạn, đào tạo lại đội bay, thời gian sửa chữa, mức phạt nếu sự cố nghiêm trọng hay nguy cơ mất đi khách hàng.

Theo các chuyên gia, đối với các hãng hàng không khi gặp sự cố, chi phí thiệt hại họ quan tâm không phải là kinh phí sửa chữa mà ở phía khách hàng. Rất khó để lấy lại niềm tin của họ với hãng sau những sự cố như vậy. Mất đi hành khách mới là tổn thất và chi phí lớn nhất mà hãng bay phải chịu trong trường hợp tương tự.

Khoảng 16h ngày 3/7, máy bay Boeing 777 của hãng Eva Air mang số hiệu BR396 (SGN-TPE) khởi hành từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đi sân bay quốc tế Đào Viên (Đài Loan, Trung Quốc), trong lúc lăn ra đường băng để chuẩn bị cất cánh thì xảy ra sự cố đâm trúng cột đèn chiếu sáng.

Nguyên nhân ban đầu được xác định là phi công lăn bánh nhầm vào bến đậu, khiến cánh trái máy bay húc vào cột đèn chiếu sáng và bị móp.

Vân Khanh