Thế khó của Boeing và công tố viên Mỹ nếu đưa nhau ra toà
Bộ Tư pháp Mỹ cho Boeing thời hạn đến ngày 7/7 để phản hồi về thỏa thuận nhận tội. Nếu Boeing từ chối, công tố viên có kế hoạch đưa công ty ra xét xử.
Bộ Tư pháp Mỹ sẽ buộc tội hình sự Boeing vì hành vi gian lận trong 2 vụ tai nạn chết người năm 2018 và 2019. Cơ quan này đang yêu cầu nhà sản xuất máy bay chấp nhận thỏa thuận nhận tội hoặc cùng nhau ra tòa.
Boeing có thời hạn đến ngày 7/7 để phản hồi đề nghị nhận tội từ Bộ Tư pháp. Một thỏa thuận như vậy sẽ giúp tập đoàn thoát khỏi cuộc chiến với các công tố viên liên bang tại toà án. Nhưng nó có thể phức tạp hóa nỗ lực của Boeing để vượt qua cuộc khủng hoảng sau vụ bung tấm bịt cửa hôm 5/1.
Thỏa thuận nhận tội được đề xuất sau khi Bộ Tư pháp phát hiện Boeing vi phạm thỏa thuận tránh truy tố năm 2021, thứ vốn bảo vệ hãng này khỏi bị truy tố về các vụ tai nạn chết người vào năm 2018 và 2019 khiến 346 người thiệt mạng.
Thoả thuận tránh truy tố ban đầu
Năm 2021, Bộ Tư pháp Mỹ đồng ý hoãn truy tố Boeing và yêu cầu thẩm phán bác bỏ cáo buộc Boeing âm mưu lừa đảo Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA). Điều kiện đặt ra là tập đoàn này phải tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận trong thời hạn 3 năm.
Boeing đồng ý cải tổ hoạt động để tránh vi phạm luật gian lận của Mỹ và gửi báo cáo thường xuyên cho nhà chức trách. Nhưng đen đủi cho Boeing là sự cố bung tấm bịt cửa 737 MAX giữa không trung xảy ra hôm 5/1, chỉ 2 ngày trước khi thỏa thuận tránh truy tố hết hạn.
Trở ngại gì nếu lôi nhau ra toà?
Boeing không đồng ý với cáo buộc của các công tố viên rằng hãng vi phạm thỏa thuận tránh truy tố. Nhà sản xuất máy bay quả quyết họ luôn tôn trọng các điều khoản của thỏa thuận.
Bộ Tư pháp Mỹ cho Boeing thời hạn đến ngày 7/7 để phản hồi về thỏa thuận nhận tội. Nếu Boeing từ chối, công tố viên có kế hoạch đưa tập đoàn ra xét xử.
Một cuộc chiến tại tòa án mang lại rủi ro cho cả đôi bên.
Công tố viên phải chứng minh Boeing đã thông đồng lừa dối FAA về hệ thống điều khiển bay, sau khi bồi thẩm đoàn năm 2022 tuyên bố một phi công Boeing trắng án khỏi các cáo buộc liên quan.
Dẫu vậy, các công ty như Boeing thường không muốn mạo hiểm ra tòa vì một khi bị kết án, họ có nguy cơ chịu hình phạt nặng hơn. Thủ tục tố tụng kéo dài có thể ảnh hưởng đến tâm lý các nhà đầu tư, nhà cung cấp và nhân viên Boeing.
Giá cổ phiếu Boeing đã giảm 24,75% từ đầu năm. Thông tin xấu như việc bị kết tội sẽ đánh tụt nó xuống sâu hơn nữa.
Điều gì xảy ra nếu Boeing bị kết luận có tội?
Theo các chuyên gia pháp lý, đây là khía cạnh rủi ro nhất với Boeing. Một bản án có thể phá vỡ khả năng hãng này đảm bảo các hợp đồng của chính phủ như hợp đồng với quân đội Mỹ, vốn chiếm một phần đáng kể trong doanh thu của Boeing.
Franklin Turner, luật sư về hợp đồng chính phủ tại công ty luật McCarter & English (bang New Jersey, Mỹ) cho biết trong thế giới hợp đồng với chính phủ, một bản cáo trạng hoặc phán quyết về trách nhiệm hình sự có thể tác động đáng kể đến các công ty.
Boeing có thể xin miễn trừ từ các bộ và cơ quan chính phủ để tiếp tục ký hợp đồng với họ.
Vikramaditya Khanna, giảng viên luật tại Đại học Michigan, cho biết nếu lời đề nghị nhận tội không đề cập đến vấn đề này, các quan chức chính phủ sẽ phải quyết định xem Boeing - với tư cách tội phạm bị kết án - có đủ điều kiện được miễn trừ hay không.
Boeing có bị phạt tài chính không?
Thỏa thuận nhận tội bao gồm khoản tiền phạt tài chính 487,2 triệu USD, trong đó Boeing phải trả khoảng một nửa vì chính phủ sẽ khấu trừ khoản tiền phạt trước đó. Boeing có khả năng phải trả thêm tiền bồi thường. Số tiền do thẩm phán quyết định.
Trước đó, tập đoàn này đã trả 2,5 tỷ USD tiền phạt và tiền bồi thường vào năm 2021 cho cáo buộc âm mưu lừa đảo ban đầu. Khoản này bao gồm cả bồi thường cho khách hàng và người thân của nạn nhân trong 2 vụ tai nạn 737 MAX khiến 346 người chết.
Thỏa thuận nhận tội có điều khoản cho Boeing chịu án treo trong 3 năm và yêu cầu hội đồng quản trị tập đoàn này gặp gỡ gia đình nạn nhân.
Ai sẽ giám sát Boeing?
Bộ Tư pháp dưới thời Tổng thống Joe Biden tiếp tục chính sách sử dụng giám sát viên doanh nghiệp để giám sát một công ty chịu cáo buộc về hành vi sai trái. Chính sách này từng không được ưa chuộng dưới thời Tổng thống Trump.
Do đó, thỏa thuận nhận tội của Boeing bao gồm điều khoản bổ nhiệm một giám sát viên độc lập để kiểm tra các hoạt động an toàn và tuân thủ của hãng trong 3 năm.
Các công ty thường phản đối điều khoản này. Họ phải trả tiền cho bên thuê ngoài nhưng bên này lại đóng vai trò tai mắt của Bộ Tư pháp.