Văn minh hàng không

Thảm họa hàng không do nhầm lẫn hệ đo lường

Thắng Nguyễn 03/07/2024 07:37

Nhiều thảm họa tồi tệ nhất ngành hàng không bắt nguồn từ khác biệt trong cách sử dụng hệ đo lường của các quốc gia.

Đơn vị đo lường trong ngành hàng không là một vấn đề gây “đau đầu” cho giới phi công. Chính Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) cũng thừa nhận hệ thống hỗn loạn hiện tại đang được sử dụng rộng rãi đến mức khó có thể thay đổi.

Va chạm máy bay do nhầm lẫn độ cao

Ngày 12/11/1996, chiếc Ilyushin Il-76 chở hàng mang số hiệu 1907 của Kazakhstan Airlines, khởi hành từ Shymkent (Kazakhastan) đến New Delhi (Ấn Độ). Khi vừa vượt qua đám mây, nó đâm thẳng vào chiếc Boeing 747 của Saudi Arabian Airlines vừa cất cánh được 7 phút.

Ngay sau đó, cả hai máy bay lao thẳng xuống một khu vực canh tác và bốc cháy. Một nhân chứng cho biết: “Ánh sáng màu cam xuất hiện bên trong đám mây. Sau đó hai quả cầu lửa khổng lồ xuất hiện. Một tiếng nổ lớn vang lên, 2 máy bay rơi xuống mặt đất chỉ trong vài phút”.

19961112_il76_un-76435_16161.jpg
Máy bay Ilyushin Il-76 của Kazakhstan Airlines. Ảnh: Aviation Safety Network.

Theo báo cáo của nhà chức trách Ấn Độ, 351 người gồm cả hành khách và phi hành đoàn trên 2 máy bay đã thiệt mạng. 312 nạn nhân trên chuyến bay của Saudi Arabian Airlines đa phần là người Hồi giáo Ấn Độ đang trên đường hành hương tới thánh địa Mecca.

Tỷ lệ 2 máy bay va vào nhau trên bầu trời là rất thấp. Mỗi ngày có hàng triệu lượt máy bay cất cánh trên toàn cầu. Tính đến thời điểm xảy ra vụ tai nạn, lịch sử hàng không cũng chỉ ghi nhận một vài vụ tương tự.

Nhiều nguyên nhân đã được các chuyên gia đưa ra. Eric Moody, cựu cơ trưởng máy bay Boeing 747 của hàng không Anh, cho rằng hệ thống kiểm soát không lưu của Ấn Độ lúc bấy giờ khá lạc hậu. Cách duy nhất để trạm không lưu theo dõi độ cao của máy bay là chờ đợi phản hồi từ phi công.

Cựu cơ trưởng nhấn mạnh máy bay Ilyushin 76 do Liên Xô chế tạo có máy đo độ cao tính bằng mét thay vì feet. Do đó, phi công phải đổi đơn vị độ cao mà trạm không lưu gửi đến. Theo những dữ liệu thu nhận được, khả năng phi công nhầm lẫn khi quy đổi là rất cao.

Báo cáo chỉ ra máy bay Kazakhstan đã hạ độ cao xuống dưới độ cao được chỉ định. Khi đang bay ở độ cao 14.500 ft, sau vài giây Ilyushin đã hạ xuống thêm 310 ft. Ngay sau đó, cả hai máy bay va chạm nhau.

Nhầm đơn vị thể tích, máy bay hết nhiên liệu giữa chừng

Ngày 23/7/1983, chuyến bay 143 của hãng Air Canada cánh từ thành phố Montréal đến Edmonton (Canada), chở 61 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn. Khi đang bay ở độ cao 12.500 m, chuông cảnh báo cho thấy máy bay đang thiếu nhiên liệu cho động cơ trái. Lúc này, phi công nghĩ máy bơm bị hỏng nên tạm tắt chuông.

Chỉ vài giây sau, chuông cảnh báo áp suất thấp ở khoang nhiên liệu bên phải cũng reo lên. Phi hành đoàn nhận ra máy bay đã thực sự sắp hết nhiên liệu. Họ lập tức chuyển hướng bay, tìm cách hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay quân sự ở thành phố Winnipeg cách đó gần 200 km.

Máy bay bắt đầu giảm độ cao. Hai động cơ lần lượt ngừng hoạt động. Chiếc máy bay đang lơ lửng trên không trung với không một động cơ nào có thể vận hành. Hai phi công của hãng Air Canada chưa bao giờ được huấn luyện cho tình huống này.

photo-2-1687254382406125255727-1687256186750-16872561873401379124838-1687270702809-16872707049871641179194.jpg
Máy bay Air Canada hết nhiên liệu khi bay được nửa đường. Ảnh: Robert Pearson/CBC.

Bộ đôi phi công đã thực hiện một việc chưa có tiền lệ trong lịch sử hàng không: lượn chiếc máy bay chở khách 100 km để hạ cánh xuống đường băng như một chiêc thủy phi cơ. Chiếc Boeing 767 đã dừng lại khi chỉ còn cách đám đông dưới sân bay khoảng 30 m. Tất cả hành khách trên chuyến bay an toàn.

Ủy ban An toàn hàng không Canada thông báo nguyên nhân của vụ tai nạn nằm ở khâu tiếp nhiên liệu. Khi đó ngành hàng không của Canada đang trong quá trình chuyển đổi hệ đo lường. Chiếc Boeing 767 là máy bay đầu tiên được hiệu chuẩn cho các đơn vị hệ SI (lít và kilogam) thay cho đơn vị imperial (gallon và pound).

Thay vì bơm thêm 20.088 lít nhiên liệu, đội kỹ thuật mặt đất đã tính toán nhầm và chỉ chuẩn bị 4.917 lít. Tổng lượng nhiêu liệu mà chiếc máy bay mang theo là 10.100 kg thay vì 22.300 kg.

Thắng Nguyễn