Tàu khách

Airbus sắp ra mắt A321XLR

Nguyệt Quỳnh 02/07/2024 16:06

Airbus A321XLR là dòng tàu bay một lối đi có tầm bay siêu xa lên tới 8.704 km - hơn 15% so với A321LR với cùng hiệu quả tiêu thụ nhiên liệu vượt trội.

A321XLR - DESKTOP - 02
Airbus A321XLR bay siêu xa thu hút nhiều hãng hàng không. Ảnh: Airbus.

Tại triển lãm Hàng không quốc tế Farnborough (Anh) năm nay, hãng sản xuất máy bay của Mỹ Boeing không đưa bất kỳ dòng máy bay chở khách nào tới tham dự do đang tập trung xử lý các lùm xùm liên quan đến các sự cố trên 737 MAX. Mọi mối quan tâm sẽ dành cho dòng tàu bay mới A321XLR của Airbus.

Trước đó vào tháng 5, Airbus thông báo A321XLR đang trong giai đoạn chứng nhận cuối cùng để sẵn sàng hoạt động. Tuy nhiên quá trình kéo dài hơn dự kiến ban đầu do vướng các thủ tục pháp lý.

Airbus kỳ vọng tháng 11, A321XLR sẽ đi vào hoạt động. Hiện, công ty nhận được hơn 550 đơn đặt hàng cho mẫu "Xtra Long Range" từ các hãng hàng không như American Airlines, Frontier Airlines, JetBlue Airways, United Airlines (Mỹ), Iberia Airlines (Tây Ban Nha), IndiGo Airlines (Ấn Độ), Qantas Airways (Australia), Air Asia (Malaysia), Sky Airline (Chile), Czech Airlines (CH Czech) và các hãng khác.

rq2f4eb36jmetnubywtddj4u7y.jpg
Nhiều hãng hàng không đặt hàng chiếc Airbus A321XLR với tầm bay siêu xa để thực hiện những chuyến bay thẳng đến các thành phố cách nhau 7.242 km với giá vé vừa phải. Ảnh: Reuters.

Airbus A321XLR là thành viên mới của dòng máy bay A321neo được ưa chuộng. A321XLR là bước phát triển tiếp theo nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường đòi hỏi tầm bay xa hơn, tạo ra nhiều giá trị hơn cho các hãng bằng việc giảm 30% tiêu thụ nhiên liệu trên mỗi ghế so với máy bay đối thủ thế hệ trước.

Bắt đầu từ năm 2023, máy bay đem đến tầm bay siêu xa chưa từng có, lên tới 8.704 km, tương đương 11 giờ bay - xa hơn 15% so với A321LR với cùng hiệu quả tiêu hao nhiên liệu vượt trội.

Với tầm bay mở rộng này, các hãng hàng không có thể khai thác máy bay một lối đi với chi phí thấp hơn trên các đường bay dài nhưng ít khách. Nhiều đường bay trong số đó hiện nay chỉ có thể được khai thác bởi máy bay thân rộng và kém hiệu quả hơn.

Điều này sẽ giúp các nhà khai thác mở các đường bay mới trên toàn thế giới như từ Ấn Độ đến châu Âu hoặc từ Trung Quốc đến Australia, cũng như mở rộng phạm vi tiếp cận liên tục của dòng máy bay trên các chặng xuyên Đại Tây Dương giữa châu Âu và châu Mỹ.

Đối với hành khách, cabin Airspace mới của A321XLR cung cấp chỗ ngồi thoải mái như trên máy bay thân rộng.

xlr-j-suite-scaled.jpg
Hạng ghế thương gia trên chiếc A321XLR của American Airlines. Ảnh: Business Insider.

A321XLR được thiết kế để tối đa hóa tính tương đồng với A321LR và các thành viên còn lại của dòng máy bay A320neo, đồng thời có những thay đổi cần thiết để có tầm bay siêu xa với tải trọng tối ưu.

Các thay đổi bao gồm thùng nhiên liệu trung tâm cố định phía sau (RCT); một thiết bị hạ cánh bổ sung phù hợp với trọng lượng cất cánh tối đa (MTOW) tăng lên đến 101 tấn; cải tiến cánh tà ở đuôi máy bay để duy trì hiệu suất cất cánh và lực đẩy động cơ như máy bay A321neo hiện nay.

p_13094.jpeg
Thùng nhiên liệu phụ được tích hợp ở phía sau thân máy bay A321XLR. Ảnh: Simple Flying.

RCT được tối ưu để chứa nhiều nhiên liệu hơn so với thùng nhiên liệu trung tâm bổ sung (ACT) tùy chọn trước đây, trong khi chiếm ít không gian hơn trong khoang hàng. Thay đổi này giúp máy bay có thêm không gian cho hàng hóa và hành lý trên các đường bay dài.

Nguyệt Quỳnh