Ý kiến trái chiều về Michelin Guide
Một số thực khách, chuyên gia ẩm thực cho rằng danh sách Michelin Guide công bố chỉ hợp khẩu vị với người châu Âu, ban giám khảo "cưỡi ngựa xem hoa", chưa tìm hiểu sâu về ẩm thực Việt Nam.
Lần đầu tiên về Việt Nam năm 2023, danh sách quán ăn, nhà hàng của cẩm nang Michelin Guide gây nhiều tranh luận. Nhiều tín đồ ẩm thực kỳ vọng năm nay các thanh tra dành thêm thời gian trải nghiệm, lắng nghe ý kiến phản hồi, đồng thời mở rộng phạm vi đánh giá.
Năm nay, Michelin trao một sao cho 3 nhà hàng mới gồm Akuna của khách sạn Le Méridien Saigon, The Royal Pavilion (Long Triều - khách sạn The Reverie Saigon) cùng ở TP.HCM và La Maison 1988 tại Đà Nẵng. Trong đó, Long Triều được nâng hạng từ danh sách Michelin Selected năm ngoái.
"Danh sách nhà hàng khiến tôi khó hiểu khi có nơi vẫn giữ được sao, nhà hàng xứng đáng như La Vila lại không có sao. Không thấy các nhà hàng Nhật Bản trong Michelin Guide 2024?", Nghiêm Minh Đức, chủ nhà hàng NP Bistro (TP.HCM), bếp trưởng với nhiều năm kinh nghiệm tại Autralia, đặt câu hỏi.
Xếp hạng thiếu rõ ràng
Ông Đức cho rằng nếu chỉ đánh giá dựa trên cả 5 tiêu chí mà Michelin công khai rộng rãi, ở Hà Nội và TP.HCM, nhiều nhà hàng xứng đáng nhận được sao hơn.
Ngoài việc chưa thấy thuyết phục về việc trao sao Michelin, ông Đức cũng đặt câu hỏi về sự khác biệt về "thứ hạng" chất lượng của 2 danh sách Selected và Bib Gourmand. Theo đầu bếp này, ngay trên trang chủ của Michelin Guide, hai khái niệm này không được giải thích rõ. Họ chỉ đơn giản nói rằng sự tồn tại của cả 3 hạng mục Selected, Bib Gourmand, Star là cần thiết, hợp lý và không mâu thuẫn.
"'Được vào danh sách nào thì tốt hơn?', 'Có tên trong danh sách nào thì vinh dự hơn?'", ông Đức đặt câu hỏi.
Theo quan sát của đầu bếp này, sang năm thứ hai, một số nhà hàng đã đổi ngôi trong danh sách. Điển hình như Sol Kitchen & Bar chuyển từ Selected sang Bib Gourmand, Long Triều từ Selected lên một sao Michelin.
Do đó, ông Đức cho rằng các nhà hàng ở Selected sẽ là những ứng cử viên sao Michelin cho năm sau nếu họ tiếp tục tiến bộ. Còn Bib Gourmand dường như chỉ cần 2 tiêu chí là "ăn ngon", "giá phải chăng", chứ không cần hội tụ cả 5 tiêu chí như với sao Michelin và Selected".
Bếp trưởng này cho rằng Michelin cần phân định rạch ròi và tìm hiểu sâu hơn về các quán ăn Việt Nam.
Đồng quan điểm, ông Trần Trung Hiếu (Ricky Trần), founder một trung tâm đào tạo kinh doanh nhà hàng, nhận xét "cuộc chơi nào cũng có tiêu chí riêng". Thanh tra Michelin có lý do để lựa chọn, nhưng họ cần tìm hiểu nhiều hơn nữa về văn hoá ẩm thực Việt Nam.
"Để có thể trải nghiệm và đề xuất đa dạng quán ăn Việt Nam kèm giá cả hợp lý, ban giám khảo nên bỏ thêm thời gian tìm hiểu", ông Hiếu cho biết.
Chỉ là kênh tham khảo
Lê Duy (42 tuổi, TP.HCM) đánh giá danh sách Michelin Guide đưa ra chỉ nên tham khảo và tin 50%. Thực khách này lấy ví dụ Taste Atlas chọn bánh mì Việt Nam là một trong 10 loại bánh mì ngon nhất thế giới, trong khi Michelin Guide không hề đề cập tới bánh mì.
"Tôi là người Việt, ăn món Việt hơn 40 năm. Tôi thấy những người thẩm định chỉ 'cưỡi ngựa xem hoa', có thể họ chưa đủ thông tin để có sự lựa chọn xác đáng và thuyết phục", ông Duy bày tỏ.
Trọng Khôi (25 tuổi, Hà Nội) cũng cho rằng Michelin Guide chỉ là một trong những danh sách quán ăn tham khảo. Năm ngoái, sau khi Michelin Guide công bố danh sách, anh đã thử các quán nhưng đều phải xếp hàng lâu, chất lượng không vượt trội. Vì vậy, Khôi gọi danh sách Michelin năm nay là "danh sách các quán cần né".
"Danh sách này chắc chỉ hợp với khẩu vị châu Âu. Có những quán tôi đã từng ăn và thấy bình thường, còn nhiều quán khác ngon hơn. Ở Việt Nam các quán địa phương ngon thường trong ngõ, không quảng cáo nhiều", Khôi cho hay.
Ông Hiếu cũng cho rằng danh sách này chỉ là một kênh tham khảo. Mỗi thực khách sẽ có đánh giá riêng sau khi thưởng thức bữa ăn thực tế ở những nhà hàng được đề xuất.
Trước câu hỏi liệu các quán trong danh sách không đảm bảo chất lượng 100% có ảnh hưởng đến cảm nhận của khách quốc tế hay không, ông Hiếu nhận định sẽ không ảnh hưởng nhiều. Theo người này, ẩm thực Việt Nam rất đa dạng, khách quốc tế có nhiều kênh để tham khảo, lựa chọn, mà Michelin chỉ là một trong số đó.
"Nếu khách quốc tế ăn quán không phù hợp với họ theo danh sách của Michelin đề xuất thì ảnh hưởng đến chất lượng đánh giá của Michelin, chứ khó có thể ảnh hưởng đến ẩm thực Việt Nam", ông Hiếu nói.
Theo ông Hiếu, việc Michelin năm nay mở rộng thêm ở Đà Nẵng hay thêm các quán ăn với món mới cho thấy ẩm thực Việt Nam đang trên đà phát triển và thu hút được sự quan tâm của giới chuyên gia uy tín.
Nhà hàng nào được thực khách cho là phù hợp thì sẽ có cơ hội tồn tại. Michelin là một trong các "cánh cửa lớn" mở ra cơ hội để thu hút thêm khách hàng đến trải nghiệm.