Hàng không vũ trụ

NASA chi tỷ USD để SpaceX phá hủy ISS

Thắng Nguyễn 28/06/2024 06:19

Trạm vũ trụ ISS sẽ bị phá hủy sau năm 2030 sau khi hoàn thành sứ mệnh của mình.

Hợp đồng của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) với SpaceX có khả năng trị giá tới 843 triệu USD, Independent đưa tin. Với số tiền trên, công ty của Elon Musk phải chế tạo một phương tiện đẩy trạm vũ trụ ra khỏi quỹ đạo ổn định quanh Trái Đất.

Cả hai sẽ vỡ và bốc cháy khi đi vào bầu khí quyển. Những mảnh vụn còn lại dự kiến rơi xuống Thái Bình Dương. Quá trình này phải đảm bảo an toàn cho khu vực đông dân cư trên Trái Đất và các vệ tinh thương mại khác.

210422104651-international-space-station-file.jpg
Trạm vũ trụ ISS sẽ hoàn thành sứ mệnh của mình sau năm 2030. Ảnh: CNN.

Ken Bowersox, nhân sự cấp cao tại NASA, cho biết: “Việc giao cho SpaceX phá hủy ISS đảm bảo NASA và các đối tác quốc tế thực hiện quá trình chuyển đổi an toàn và trách nhiệm trên quỹ đạo Trái Đất khi trạm kết thúc hoạt động”.

ISS là cấu trúc đơn lẻ lớn nhất từng được xây dựng trong không gian. Quá trình xây dựng bắt đầu từ những năm 1980. ISS được phóng lên quỹ đạo cuối thập niên 1990 đến đầu những năm 2000.

Trạm vũ trụ này đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu khoa học quốc tế, với hơn 3.300 thí nghiệm được thực hiện trong môi trường vi trọng lực.

Sau hơn 20 năm hoạt động, NASA đã ghi nhận những dấu hiệu hao mòn trên ISS, phần lớn do điều kiện khắc nghiệt. Bức xạ vũ trụ đã đốt cháy kính trên pin mặt trời, thứ cung cấp năng lượng cho ISS, trong khi việc lắp ghép và tháo dỡ liên tục đã dẫn đến sự xuống cấp dần về cấu trúc.

Một báo cáo của NASA chỉ ra rằng mọi nỗ lực bảo tồn hoặc tái sử dụng ISS đều không khả thi về mặt kỹ thuật hoặc kinh tế.

ISS tiêu tốn khoảng 150 tỷ USD để phát triển và xây dựng. Mỗi năm NASA chi khoảng 4 tỷ USD để vận hành trạm này. NASA coi các trạm vũ trụ do tư nhân xây dựng là một cách để thay thế ISS với chi phí thấp hơn.

Mỹ, Nhật Bản, Canada và các quốc gia thành viên của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, cam kết vận hành ISS đến năm 2030. Bất chấp căng thẳng với phương Tây, Nga cho biết họ sẽ tiếp tục tham gia hoạt động trạm vũ trụ đến ít nhất là năm 2028.

Thắng Nguyễn