Đại biểu Quốc hội nói về giải pháp căn cơ cho Vietnam Airlines
Với giá cổ phiếu HVN đang diễn biến tích cực, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng việc phát hành cổ phiếu ở thời điểm này là thuận lợi.
Quốc hội ngày 26/6 thảo luận tại hội trường về phương án gia hạn trả nợ đối với các khoản vay tái cấp vốn cho Vietnam Airlines theo Nghị quyết 135 ngày 17/11/2020.
Nhiều đại biểu Quốc hội tán thành gia hạn 4.000 tỷ đồng khoản vay tái cấp vốn cho Vietnam Airlines, song đề nghị tổng công ty triển khai mạnh hơn giải pháp tự thân để cải thiện tình hình tài chính. Các giải pháp được nhấn mạnh là thoái vốn, phát hành cổ phiếu tăng vốn hay phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Gia hạn nợ không quá 3 lần
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết năm 2020, trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đặc biệt là tại các nước trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình vận tải quốc tế, du lịch quốc tế. Nhiều hãng hàng không trên thế giới đã rơi vào khủng hoảng.
Doanh thu của Vietnam Airlines giảm sút nghiêm trọng, năm 2020 hãng hàng không quốc gia lỗ 8.743 tỷ. Trước tình hình này, Vietnam Airlines có khả năng mất khả năng thanh toán và có thể bị hủy niêm yết, ảnh hưởng đến nguồn vốn của Nhà nước tham gia trong Vietnam Airlines (khoảng 19.000 tỷ đồng).
Tại kỳ họp thứ 10 khóa XIV, Quốc hội đã đồng ý với tờ trình của Chính phủ và cho phép Ngân hàng Nhà nước thực hiện tái cấp vốn, gia hạn không quá 2 lần. Tuy nhiên, đến năm 2021 đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và gây hậu quả nặng nề ở Việt Nam thì Vietnam Airlines tiếp tục lỗ nặng trên 11.800 tỷ đồng; năm 2022 lỗ 8.841 tỷ đồng, dù kế hoạch đưa ra lỗ chỉ 35 tỷ. Năm 2023 kế hoạch dự kiến là lãi nhưng cuối cùng tiếp tục lỗ 4.789 tỷ.
Qua 4 năm Vietnam Airlines lỗ tổng cộng trên 32.000 tỷ. Với tình hình này theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, nếu không cho tổng công ty gia hạn nợ thì sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình thanh khoản, đến khả năng duy trì hoạt động cũng như có khả năng phá sản.
Để bảo vệ thương hiệu quốc gia và đặc biệt là vốn nhà nước tại Vietnam Airlines, đại biểu đề nghị Quốc hội cho gia hạn nợ không quá 3 lần.
Song, để có giải pháp căn cơ đảm bảo Vietnam Airlines phát triển bền vững trong thời gian tới đại biểu TP.HCM đề nghị Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn cũng như Tổng công ty Hàng không Việt Nam phải tái cơ cấu nợ và trong đó phải giảm nợ ngắn hạn. Điều đó đồng nghĩa phải tiếp tục tạo điều kiện cho Vietnam Airlines tăng vốn chủ sở hữu, phát hành thêm cổ phiếu.
Cải thiện năng lực tài chính
Đại biểu Đặng Bích Ngọc (tỉnh Hòa Bình) nhất trí với báo cáo và đề xuất của Chính phủ về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135.
Đại biểu cho rằng hãng hàng không quốc gia đã có nhiều nỗ lực triển khai thực hiện các giải pháp tự thân, cơ cấu lại tổ chức, hoạt động cũng như tiết giảm chi phí, cơ cấu lại nợ vay, nhờ đó góp phần giảm lỗ. Tuy nhiên, khủng hoảng kép từ đại dịch Covid-19 và những bất ổn địa chính trị trên thế giới, chi phí đầu vào tăng cao, biến động rất lớn so với dự báo khi báo cáo Quốc hội năm 2020 đã để lại hậu quả nghiêm trọng cho tổng công ty.
Theo bà Ngọc trong bối cảnh này, Vietnam Airlines cần có các giải pháp tổng thể mới đảm bảo vượt qua khó khăn, sớm phục hồi và phát triển bền vững. Nhất trí với đề xuất của Chính phủ về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn, song đại biểu Bích Ngọc lưu ý đây chỉ là giải pháp ngắn hạn, giúp doanh nghiệp tạm thời có dòng tiền để ổn định duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Giải pháp căn cơ là tái cơ cấu tài chính nguồn vốn, tăng vốn điều lệ, thoái vốn tại các doanh nghiệp thành viên. Thực hiện tốt việc này mới giải quyết được hai mục tiêu cho Vietnam Airlines là vừa có dòng tiền để xử lý thâm hụt, vừa có thu nhập để xử lý vấn đề âm vốn chủ sở hữu.
Đại biểu tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh khi năng lực tài chính được cải thiện, Vietnam Airlines sẽ có nguồn vốn dài hạn để khơi thông các dự án đầu tư trọng điểm, tạo nền tảng vững để doanh nghiệp phát triển bền vững. Trong đó, đặc biệt là dự án liên quan đến Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, là căn cứ chính để tổng công ty thực hiện trọng trách của hãng hàng không quốc gia và tiếp tục vươn ra thế giới.
Theo báo cáo của Chính phủ, đề án tổng thể sớm phục hồi và phát triển bền vững của Vietnam Airlines được xây dựng từ năm 2021 đến nay vẫn chưa được phê duyệt do vướng mắc, bất cập giữa một số văn bản luật.
Đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan làm rõ vướng mắc và kiến nghị các cấp có thẩm quyền phương án xử lý cụ thể. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Vietnam Airlines nhanh chóng hoàn thiện báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt đề án tổng thể để làm căn cứ triển khai thực hiện trong năm 2024.
Trong ngày 2 ngày Quốc hội thảo luận về tình hình của Vietnam Airlines, thị trường phản ứng tích cực với cổ phiếu HVN. Vốn hóa của doanh nghiệp tăng thêm 3.000 tỷ đồng, đưa vốn hóa tổng công ty lên tới 3 tỷ USD. Giá cổ phiếu HVN chốt phiên giao dịch ngày 26/6 là trên 34.000 đồng/cổ phiếu, gấp 3 lần so với mệnh giá.