Hãng khác

Các hãng hàng không thuộc Lufthansa sẽ phụ thu phí môi trường

Nguyệt Quỳnh 26/06/2024 18:09

Chi phí thuế phụ thu môi trường được áp dụng cho các chuyến bay từ 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng như Anh, Na Uy và Thụy Sĩ.

1033_05_0005_lh_group_lh_lx_os_sn_ew___2022_web.jpeg
Các hãng hàng không thuộc Lufthansa Group áp dụng phụ phí để trang trải chi phí nhiên liệu sạch. Ảnh: Simple Flying.

Tập đoàn hàng không lớn nhất châu Âu sẽ áp dụng phụ thu đối với các chuyến bay khởi hành từ 27 quốc gia thành viên EU và Anh, Na Uy, Thuỵ Sĩ. Mức phụ thu là 1-72 euro/khách tuỳ thuộc vào độ dài đường bay để thực hiện quy định về bảo vệ môi trường.

Mức phụ thu bao gồm hạn ngạch ban đầu là 2% đối với nhiên liệu hàng không bền vững cho các chuyến bay khởi hành từ các quốc gia thuộc Liên minh Châu Âu (EU) từ ngày 1/1/2025, các điều chỉnh đối với Hệ thống thương mại phát thải của EU (EU ETS) cũng như các chi phí môi trường theo quy định, bù đắp carbon và đề án cắt giảm hàng không quốc tế.

Điều này đồng nghĩa các chuyến bay xuất phát từ nhiều nước châu Âu sẽ là đối tượng trước mắt bị áp dụng phụ phí.

Mặc dù đầu tư nhiều vào công nghệ và nhiên liệu mới, Lufthansa không thể tự mình gánh những chi phí bổ sung ngày càng tăng do các yêu cầu pháp lý trong những năm tới.

Một phần chi phí dự kiến ​​cho năm 2025 hiện sẽ được chi trả bởi phụ phí chi phí môi trường mới.

Lufthansa khẳng định đang đầu tư hàng tỷ euro vào nỗ lực mang tới những chuyến bay "bền vững hơn" và phí phụ thu này nhằm trang trải một phần chi phí bổ sung vốn tăng liên tục do các quy định về môi trường.

Năm 2022, liên minh hàng không lớn khác có trụ sở tại châu Âu là Air France - KLM bổ sung phụ phí nhiên liệu bền vững cho các chuyến bay khởi hành ở "lục địa già". Động thái này giúp bù đắp chi phí ngày càng tăng khi sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) đắt tiền hơn.

Năm 2023, Tổng giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) - Willie Walsh - cho biết ngành hàng không sẵn sàng chấp nhận thực tế rằng SAF sẽ luôn đắt hơn nhiên liệu hóa thạch.

Giới phân tích cho rằng bất chấp nhiều cam kết từ các hãng hàng không và sự hỗ trợ của chính phủ các nước đối với việc sản xuất SAF, việc chuyển dịch sang nhiên liệu bền vững đối mặt với những thách thức về nguồn cung, chi phí và nguyên liệu thô.

Theo IATA, SAF có khả năng giảm lượng khí thải CO2 tới 80%.

Trong khi Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu chung của khối là trung hòa khí thải vào năm 2050, một sáng kiến có sự tham gia của 112 thành phố đặt ra mục tiêu tham vọng hơn là loại bỏ phát thải ròng khí nhà kính vào năm 2030.

Để biến tầm nhìn thành hiện thực, các thành phố tham gia sáng kiến "100 thành phố trung hòa khí hậu và thông minh" cần nguồn đầu tư tổng cộng 650 tỷ euro (gần 696 tỷ USD).

Nguồn vốn này được sử dụng cho các dự án cải tạo tòa nhà tiết kiệm năng lượng, nâng cấp cơ sở hạ tầng chống chịu biến đổi khí hậu và phát triển hệ thống giao thông xanh.

Nguyệt Quỳnh