5 lần Trung Quốc khám phá Mặt Trăng
Trước Hằng Nga 6, Trung Quốc đã trải qua 5 sứ mệnh khám phá Mặt Trăng, kéo dài từ năm 2007.
Sứ mệnh với tàu Hằng Nga 6 của Trung Quốc đã thành công tốt đẹp, khi một khoang kín của con tàu, chứa khoảng 2 kg mẫu vật đá từ vùng tối của Mặt Trăng, hạ cánh an toàn xuống Trái Đất vào 14h07 ngày 25/6 (giờ Bắc Kinh).
Đây là thành quả sau 53 ngày hoạt động trên Mặt Trăng của tàu đổ bộ và thăm dò Hằng Nga 6, cũng là lần đầu tiên mẫu vật từ vùng tối của Mặt Trăng được con người mang về Trái Đất.
Điều này cho thấy năng lực vũ trụ ngày càng lớn của Trung Quốc, và là một dấu mốc mới trong loạt sứ mệnh khám phá Mặt Trăng được nước này khởi xướng từ năm 2007.
Trước Hằng Nga 6, Trung Quốc đã hoàn thành 5 sứ mệnh đưa tàu thăm dò tiếp cận và khám phá Mặt Trăng. Chúng đều được đặt theo tên nữ thần nổi tiếng của thần thoại Trung Hoa, người đã uống thuốc trường sinh, bay lên Mặt Trăng và sống trên đó vĩnh viễn.
Hằng Nga 1
Năm 2007, Trung Quốc mở ra bước ngoặt mới trong lịch sử ngành hàng không vũ trụ trong nước, với lần đầu tiên phóng thành công tàu thăm dò Hằng Nga 1 vào quỹ đạo Mặt Trăng. Đây là một phần trong giai đoạn 1 của Chương trình thám hiểm Mặt Trăng Trung Quốc, với tên gọi "Mốc 1: bay quanh quỹ đạo (Hằng Nga Nhất Hiệu)".
Việc nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm Hằng Nga 1 đã hoàn thành cuối năm 2005, trong khi các công đoạn thiết kế, chế tạo và lắp ráp được hoàn thành trước tháng 12/2006. Con tàu chính thức khởi hành lúc 10h05 (giờ GMT) ngày 24/10/2007 từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương (Trung Quốc), tiếp cận quỹ đạo Mặt Trăng vào ngày 5/11 cùng năm.
Bay cách Mặt Trăng khoảng 200 km, Hằng Nga 1 có các nhiệm vụ lập bản đồ 3D bề mặt, phân tích sự phân bổ các nguyên tố, đo độ sâu phần đất dưới Mặt Trăng và khám phá môi trường giữa Trái Đất và Mặt Trăng. Con tàu chủ động va chạm với bề mặt Mặt Trăng sau khoảng 16 tháng hoạt động.
Hằng Nga 2
Sau thành công của sứ mệnh Hằng Nga 1, Trung Quốc tiếp tục phóng tàu thăm dò Hằng Nga 2 ra ngoài vũ trụ ngày 1/10/2010 để thực hiện các nhiệm vụ phức tạp hơn.
Hằng Nga 2 ban đầu bay quanh quỹ đạo Mặt Trăng ở khoảng cách 100 km để chụp ảnh cực bắc và cực nam của vệ tinh này. Sau đó, con tàu hạ xuống quỹ đạo cách bề mặt Mặt Trăng 15 km để chụp ảnh "Vịnh Cầu Vồng" - nơi sau này là điểm hạ cánh dự kiến của tàu Hằng Nga 3.
Ngày 15/12/2012, Cục khoa học, Công nghệ và Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc (SASTIND) thông báo tàu Hằng Nga 2 đã bay qua tiểu hành tinh Toutatis cách Trái Đất 7 triệu km vào khoảng 8h30 (giờ GMT) ngày 13/12.
Với thành tựu trên, Cục Vũ trụ Quốc gia Trung Quốc (CNSA) trở thành cơ quan thứ tư sau Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và Cơ quan Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) có thể khám phá một tiểu hành tinh bằng tàu vũ trụ.
Hằng Nga 3
Sứ mệnh khám phá Mặt Trăng của Trung Quốc tiếp tục với việc phóng tàu thăm dò và đổ bộ Hằng Nga 3 lên Mặt Trăng vào ngày 1/12 năm 2013. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên con tàu mang theo một robot tự hành dành riêng cho các nhiệm vụ trên bề mặt của Mặt Trăng, có tên gọi Thỏ Ngọc (hay Ngọc Thố).
Hằng Nga 3 đáp thành công xuống bề mặt của Mặt Trăng ngày 14/12/2013. Tại đây, Thỏ Ngọc thực hiện khảo sát cấu trúc địa chất và tìm kiếm tài nguyên thiên nhiên trên bề mặt của Mặt trăng trong vòng 3 tháng. Trong khi đó, tàu Hằng Nga 3 tiến hành thám hiểm tại khu vực hạ cánh trên Mặt Trăng trong vòng một năm.
Hằng Nga 3 trở thành tàu vũ trụ đầu tiên trong 37 năm qua thực hiện hạ cánh mềm trên bề mặt của Mặt Trăng, kể từ khi tàu Luna 24 của Liên Xô thực hiện sứ mệnh tương tự năm 1976.
Hằng Nga 4
Sau khi phóng thành công vệ tinh Thước Kiều ngày 21/5/2018 để lần đầu tiên thiết lập tuyến liên lạc giữa Trái Đất và vùng tối của Mặt Trăng, Trung Quốc đưa tiếp tàu thăm dò Hằng Nga 4 lên vệ tinh này ngày 8/12 cùng năm.
Đến ngày 3/1/2019, tàu Hằng Nga 4, mang theo robot tự hành Thỏ Ngọc 2, hạ cánh thành công xuống miệng hố Von Kármán trên bề mặt vùng tối của Mặt Trăng.
Sự kiện này đi vào vào lịch sử ngành hàng không vũ trụ thế giới. Lần đầu tiên, một tàu thăm dò có thể hạ cánh xuống phần không thể nhìn thấy của Mặt Trăng từ Trái Đất.
Hằng Nga 5
4h30 ngày 24/11/2020, Trung Quốc phóng thành công tàu thăm dò Hằng Nga 5 với nhiệm vụ thu thập các mẫu vật trên Mặt Trăng và quay trở lại Trái Đất. Đây là một trong những nhiệm vụ “khó khăn và phức tạp” nhất của ngành hàng không vũ trụ nước này.
Tuy nhiên, tàu Hằng Nga 5 đã hoàn thành nhiệm vụ vượt ngoài kỳ vọng, khi thu thập tới 2 kg mẫu đá trên bề mặt Mặt Trăng. Những mẫu đá này được cho là trẻ hơn hàng tỷ năm so với mẫu được Mỹ và Liên Xô thu thập trước đó. Điều này mang đến những hiểu biết mới về lịch sử của Mặt Trăng và các thiên thể khác trong hệ Mặt Trời.
Khoảng 2h ngày 17/12/2020, tàu Hằng Nga 5 kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình khi đáp xuống khu vực Nội Mông (Trung Quốc), mang theo các mẫu đá từ Mặt Trăng về Trái Đất an toàn.