Quốc tế

Airbus hạ gần một nửa dự báo tăng trưởng năm 2024

Hoàng Anh 25/06/2024 15:06

Nhà sản xuất máy bay thương mại số 1 thế giới hạ một loạt dự báo, chỉ tiêu của năm 2024 do tốc độ sản xuất không đảm bảo.

Tình hình đang ngày càng trở nên u ám hơn với Airbus. Nhà sản xuất máy bay thương mại lớn nhất hành tinh sắp thiếu hàng triệu bộ phận cấu thành máy bay. Nghiêm trọng nhất là tình trạng thiếu động cơ, các cấu trúc khí động học và nội thất cabin, ảnh hưởng tới kế hoạch giao hàng của công ty.

Kết quả là Airbus phải cắt giảm hàng loạt mục tiêu dài hạn, từ giao hàng, lợi nhuận hoạt động cho đến dòng tiền.

Trước sự hoài nghi ngày càng tăng của các nhà cung cấp và hãng hàng không, ngày 24/6, Airbus chính thức hạ dự báo giao hàng xuống 770 máy bay từ mục tiêu ban đầu 800 máy bay.

Thông tin này không mấy vui vẻ với các hãng hàng không, bởi họ đang thiếu máy bay trầm trọng để phục vụ lượng khách đã vượt đỉnh cao trước đại dịch. Nhiều khả năng Airbus còn phải hạ tiếp dự báo giao hàng, vì sau 5 tháng đầu năm họ mới cho xuất xưởng hơn 250 máy bay.

gettyimages-2004540914-e1714983730691.jpg
CEO Airbus, Guillaume Faury. Ảnh: Getty.

Airbus cũng phải trì hoãn kế hoạch tăng sản lượng A320neo dù đây là mẫu máy bay thương mại bán chạy nhất thế giới. Hãng phải đẩy thời điểm dự kiến ​​đạt năng suất kỷ lục 75 chiếc A320neo mỗi tháng từ 2026 sang 2027. Hiện, tốc độ sản xuất A320neo chỉ là 50 chiếc mỗi tháng.

Do dự báo giao hàng thấp hơn, Airbus phải hạ các mục tiêu tài chính cho năm nay. Nhà sản xuất máy bay thương mại lớn nhất thế giới dự kiến tăng trưởng 5% thay vì 9% như dự báo ban đầu.

Airbus dự kiến ​​​​thu nhập hoạt động cơ bản là khoảng 5,5 tỷ euro, thay vì 7 tỷ như trước đây. Tiền nhàn rỗi dự kiến là 3,5 tỷ euro thay vì 4 tỷ.

Airbus đã cạn kiệt lợi nhuận dự phòng cho việc giao hàng vì giao được quá ít máy bay trong 5 tháng đầu năm. Giám đốc điều hành Airbus Guillaume Faury nói với giới phân tích: “Chúng tôi đang đối mặt với những cơn gió ngược. Airbus phải cắn răng chịu đựng”.

Airbus không phải chịu những vấn đề khủng hoảng nội bộ như Boeing. Thế nhưng một số nhà cung cấp - gồm cả các nhà sản xuất động cơ - từ lâu nghi ngờ về kế hoạch của Airbus. Họ cho rằng mục tiêu của hãng này năm nay quá tham vọng.

Một giám đốc điều hành chuỗi cung ứng hỏi Airbus rằng liệu đợt cắt giảm chỉ tiêu mới nhất này đã đủ thấp hay chưa. Faury phản hồi bằng cách nêu lên thực trạng nguồn cung cấp động cơ cho A320neo “xuống cấp đáng kể" trong những tháng gần đây. Tình trạng thiếu ghế, càng đáp và các bộ phận trong buồng lái cũng tạo nên tình huống khó khăn cho hãng.

Faury thậm chí ám chỉ đến hình phạt khi cho biết các nhà sản xuất động cơ sẽ phải "đối mặt hậu quả" nếu gây ra bất kỳ sự chậm trễ nào.

Pratt & Whitney từ chối bình luận về tuyên bố của CEO Airbus. Liên doanh Pháp - Mỹ CFM International nhận định: "Môi trường chuỗi cung ứng vẫn còn nhiều thách thức và chúng tôi đang nỗ lực đẩy nhanh việc giao hàng để đáp ứng nhu cầu từ Airbus.

Vấn đề nhức nhối nhất về chuỗi cung ứng là thiếu công nhân lành nghề. Đại dịch trở thành “thời điểm nghỉ hưu lý tưởng” và những công nhân có tay nghề cao, thường được trả lương cao nhất không còn đào tạo những công nhân mới.

Thường phải mất 3-4 năm để đào tạo đầy đủ nhân viên mới nên tình hình ở một số nhà cung cấp có thể không cải thiện sớm nhất đến năm 2026. Điều này sẽ ảnh hưởng lâu dài đến ngành sản xuất máy bay.

Hoàng Anh