Thuê máy bay nguyên chuyến vượt biên tới Mỹ giá 72.000 USD/người
Mỹ và các nước liên quan phát hiện ra đường dây trọn gói đưa người vượt biên đến Mỹ với hai tuyến đường bay chính. Trong đó, dịch vụ thuê máy bay trọn gói có chi phí 72.000-96.000 USD/người.
Ngày 15/7 năm ngoái, chiếc Airbus A340 của Legend Airlines hạ cánh xuống sân bay San Salvador (thủ đô El Salvador). Sau 18 tiếng chờ đợi, chính quyền nước này từ chối kết nối cầu thang để 300 hành khách - tất cả mang quốc tịch Ấn Độ - rời khỏi máy bay.
Theo dữ liệu ghi nhận bởi Flightradar24, chiếc A340 này xuất phát từ Fujairah (UAE), quá cảnh ở Paris (Pháp) trước khi đáp xuống San Salvador.
Thành viên tổ bay kể lại rằng có vài hành khách nói họ mua vé đi chuyến bay này để được đưa tới Mexico, sau đó vượt biên trái phép tới Mỹ. Một toán khách khác nói là họ sẽ đến thành phố Tijuana (Mexico).
Trước khi chuyến bay đáp xuống San Salvador, giới chức El Salvador đã được cấp báo, nhân viên luôn trong tình trạng cảnh giác. Nhiều tháng trước khi chuyến này hạ cánh, Mỹ và El Salvador đã phát hiện ra đường dây đưa người Ấn Độ vượt biên đến Mỹ bằng các chuyến bay trọn gói.
Bên dịch vụ sẽ thuê nguyên một chiếc máy bay, chở người vượt biên đến các nước Trung Mỹ, sau đó đưa họ đến Mexico rồi nhập cảnh trái phép vào Mỹ.
Hãng bay phủ nhận trách nhiệm
Chuyến bay đầy chỗ khi tới San Salvador, sau khi đến nơi sẽ trở về không tải. Những hành khách tự xưng là du khách chỉ đem theo vài balo hành lý xách tay, chứa nhu yếu phẩm sử dụng cho vài tuần rong ruổi ở Trung Mỹ.
Giới chức Mỹ xác nhận các chuyến bay thuê như vậy là cách thức mới để nhập cư bất hợp pháp. Người di cư từ bên ngoài châu Mỹ trả cho các mạng lưới trái phép những khoản phí khổng lồ từ các gói du lịch, gồm vé máy bay trên các chuyến bay thuê bao và hãng hàng không thương mại để bay đến Trung Mỹ. Sau đó các nhóm này dùng xe bus chở khách tới biên giới Mỹ, ăn ngủ lại các khách sạn dọc đường, chờ thời điểm thích hợp để vượt biên.
Theo Eric Jacobstein, Trợ lý thư ký cho Ngoại trưởng Mỹ, một số dịch vụ lấy giá "cắt cổ".
Legend Airlines là hãng hàng không thành lập năm 2020, đặt trụ sở ở Romania. Đội bay của họ chỉ có 4 chiếc Airbus A340 với 300 chỗ. Chủ của Legend Airlines là cựu nhân viên của hãng hàng không Kam Air (Afghanistan) và CEO của Tim Investment, ông Timor Shah Shahab.
Tháng 7 năm ngoái, sau khi bị tình nghi, chiếc máy bay này bị sân bay San Salvador "giam lỏng" 8 giờ. Phi hành đoàn chỉ được phép mở cửa máy bay để nhận nhu yếu phẩm tiếp tế. Không ai được di chuyển khỏi máy bay.
Sau 8 tiếng chờ đợi, máy bay phải quay trở về nơi xuất phát ban đầu ở UAE. Phi hành đoàn kể lại rằng toàn bộ hành khách, bao gồm trẻ em, đã ở trên máy bay suốt gần 2 ngày.
Cơ quan Hàng không dân dụng Romania (Romania CAA), quốc gia của hãng hàng không Legend Airlines, cho biết họ đã được Mỹ thông báo về vụ việc này. Tuy nhiên, Romania CAA nói rằng họ không có trách nhiệm liên đới đối với luật nhập cư của nước Mỹ.
Luật sư Liliana Bakayoko, đại diện pháp luật của hãng bay nói rằng hiện tại Legend Airlines không bị bất cứ cáo buộc phạm pháp nào. Cô cũng không được thông báo về chuyến bay hồi tháng 7/2023 và hãng này giống như một dịch vụ "taxi bay".
"Người Ấn Độ đi du lịch khắp thế giới, nên điều đó không có gì đáng ngờ", người này nói.
Dữ liệu cho thấy chuyến bay hôm 15/7 năm ngoái của Legends này là chuyến bay thứ 3 đáp San Salvador chỉ trong hai tuần.
Chuyến đầu tiên xuất phát ngày 29/6/2023, hành khách được El Salvador cho phép nhập cảnh. Tuy nhiên, hải quan sân bay đã đưa họ vào diện nghi vấn.
"Họ hỏi chúng tôi cả triệu câu hỏi: Ở đâu tới, công ty nào, công ty thành lập năm nào, ở đâu?", người của tổ bay kể lại.
Thủ đoạn vượt biên mới
Theo thống kê của Bộ An ninh nội địa Mỹ, trong năm 2023 có 9% các vụ vượt biên vào nước này từ bên ngoài khu vực Mỹ Latinh, tương đương với 188.000 người. Trong khi đó, một thập kỷ trước, con số này chỉ chiếm chưa tới 1%.
Trong đó, các đối tượng mang quốc tịch Ấn Độ bị phát hiện nhập cư trái phép vào Mỹ nhiều nhất, với 42.000 người trong năm 2023. Các trường hợp di cư trái phép từ 15 quốc gia Tây Phi có 39.700 người, hầu hết đến từ Senegal và Mauritania.
Nhằm hạn chế tình trạng này, Mỹ đã làm việc với một số chính quyền khu vực cũng như các công ty du lịch để đưa ra hàng loạt chính sách chặt chẽ.
Mới nhất, ngày 4/6, Tổng thống Joe Biden ban hành sắc lệnh chỉ nhận tối đa 2.500 người/ngày xin đến Mỹ tị nạn. Hồi tháng 3, Mỹ bắt đầu hủy visa của những người được xác định tiếp tay cho hoạt động đưa người trái phép tới nước này. Tháng 5, Mỹ yêu cầu các hãng hàng không thương mại lưu ý hành khách có ý định nhập cư trái phép.
Dữ liệu của Chính phủ Mỹ cho thấy số người vượt biên trong tháng 4 đã giảm 48% so với tháng 12/2023. Mỹ cho rằng tín hiệu tích cực này một phần nhờ Mexico quản lý biên giới chặt chẽ hơn.
Nhưng, cánh cổng này đóng lại thì có những cánh cửa khác mở ra. Reuters đã phát hiện 2 tuyến đường di trú liên lục địa mới nổi gần đây.
Một tuyến xuất phát từ Tây Phi. Người vượt biên trả 10.000 USD để bay nhiều chặng tới Nicaragua, sau đó đi đường bộ tới Mỹ.
Tuyến còn lại từ Ấn Độ, dùng máy bay thuê trọn gói bay tới Trung Mỹ, sau đó đi đường bộ tới Mỹ, mỗi suất giá 72.000-96.000 USD.
Người vượt biên đi qua Trung Mỹ không cần visa như khi bay đến Mexico. Họ cũng không phải đi qua tuyến đường rừng nguy hiểm giữa Colombia và Panama có tên Darien Gap nếu như lựa chọn nhập cảnh các nước Nam Mỹ, vốn có chính sách thị thực đơn giản.
Blas Nuñez-Neto, trợ lý của Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa Mỹ, nói rằng Nicaragua là điểm đến mới của những người muốn nhập cư lậu vào Mỹ. Ông cho biết nước này đã nhận tiền làm ngơ để các dịch vụ đưa người nhập cư lậu đến Mỹ.
Trước thông tin này, phát ngôn viên của chính phủ Nicaragua - Phó Tổng thống Rosario Murillo - từ chối bình luận.
Sau khi chuyến bay ngày 15/7/2023 bị trục xuất về UAE, Legend Airlines im hơi lặng tiếng, ẩn mình gần nửa năm. Đến ngày 9/12 năm đó hãng bay này có tiếp chuyến bay khác hạ cánh ở Managua - thủ đô của Nicaragua - quốc gia hàng xóm của El Salvador.
Theo dữ liệu từ Flightradar24, Legend Airlines có thêm 4 chuyến bay nữa đăng ký điểm đến là Managua trong vòng 2 tuần sau đó. Cùng lúc, Mỹ đưa ra nhận định Nicaragua trở thành điểm trung chuyển của những người vượt biên.
Năm 2023, 879.000 khách ngoại quốc đáp chuyến bay tới thủ đô Managua (Nicaragua), tăng 56% so với năm 2019. Trong số đó, chỉ có 573.000 người xuất cảnh, theo số liệu của Ngân hàng trung ương Nicaragua.
Năm 2023, Bộ Tài chính Nicaragua thu được gần 52 triệu USD phí xử lý nhập cảnh và xin visa của du khách nước ngoài. Số tiền này tăng gấp 5 mức thu của năm 2019, xấp xỉ 2% tổng thu ngân sách nước này.
Trước thông tin này, vào tháng 5, Mỹ ra quyết định cấm nhập cảnh đối với 250 quan chức của Nicaragua. Chính quyền Mỹ cũng cắt đứt quan hệ làm ăn với các bên dính líu tới đường dây đưa người nhập cảnh trái phép tới Mỹ.